Chi tiết tin

A+ | A | A-

Quảng Nam: 25 năm lan tỏa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Người đăng: Ban biên tập Ngày đăng: 10:16 | 10/06/2025 Lượt xem: 289

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh được 25 năm (2000-2025) đã có sức lan toả mạnh mẽ, có chiều sâu trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc truyền thống, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh Hội nghị tổng kết 25 năm Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá"

Nhiều chuyển biến tích cực từ cơ sở

Phong trào được phát động đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, gắn kết chặt chẽ với các chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, Mặt trận, các hội, đoàn thể và đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ từ Nhân dân thông qua việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Nhiều dấu ấn nổi bật trong kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh đã khẳng định rõ nét hiệu quả Phong trào ngay từ cơ sở.

Từ chỗ chỉ có 22,8% số hộ gia đình văn hóa vào năm 2000, đến năm 2024, toàn tỉnh có 391.532 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (tỷ lệ 94,55%). Kết quả này đã phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của người dân.

Cùng với đó, 1.191/1.240 thôn, tổ dân phố được công nhận văn hóa (đạt 96,05%), tăng gần 90% so với năm 2000. Đặc biệt, nhiều thôn, tổ dân phố duy trì danh hiệu văn hóa liên tục từ 10 đến 20 năm, nhiều thôn, tổ dân phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua ở địa phương như: khối phố Phước Tân, phường Cửa Đại, thành phố Hội An (25 năm); huyện Thăng Bình: thôn Tú Trà, xã Bình Phú và thôn Sơn Cẩm Nga, xã Bình Lãnh đạt thôn văn hóa 17 năm liên tục, thôn Lạc Câu, xã Bình Dương đạt 16 năm liên tục, khu phố 2, thị trấn Hà Lam đạt 15 năm liên tục; huyện Tiên Phước: thôn Mỹ Thượng Tây - xã Tiên Mỹ, thôn Đại Tráng - xã Tiên Hà, Thôn Pa Lan, xã La Êê, huyện Nam Giang (12 năm), thôn Thanh Khê - xã Tiên Châu, thôn 1 - xã Tiên Sơn (13 năm), thôn 2 - xã Tiên Hiệp (15 năm)…

Tộc họ văn hóa: Là mô hình sáng tạo mang dấu ấn riêng của Quảng Nam, đến nay đã có 1.842 lượt tộc họ được công nhận (tỷ lệ 64,88%). Đồng thời, 2.730 tộc họ phát động chung sức xây dựng nông thôn mới.

Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa: Đến năm 2024, có 1.930/1.978 đơn vị đạt chuẩn (tỷ lệ 96,34%). Trong đó, 252 đơn vị được công nhận giai đoạn 2023-2024 và 227 đơn vị giai đoạn 2020 - 2025.

Chủ trì hội nghị

Phong trào tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội toàn diện

Phong trào TDĐKXDĐSVH không chỉ dừng lại ở các hoạt động tinh thần mà còn gắn bó mật thiết với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Hàng nghìn mô hình tự quản, tổ hòa giải, tổ tiết kiệm tín dụng… đã được hình thành và phát huy hiệu quả. Các chương trình hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật... giúp người dân phát triển kinh tế hộ, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đặc biệt, phong trào đã góp phần xây dựng môi trường sống văn minh, kỷ cương, loại bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong cưới, tang, lễ hội. Hơn 1.240 bản hương ước, quy ước được công nhận và hoạt động hiệu quả đã phát huy rõ nét vai trò làm chủ, tinh thần tự quản của người dân ở cộng đồng.

Việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao cũng được đẩy mạnh: hơn 900 điểm vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi, trong đó có đến 657 điểm tại thôn, tổ dân phố, cộng với hoạt động của trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã ngày càng phát huy hiệu quả đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt về tinh thần của người dân.

Phong trào thể thao quần chúng phát triển rộng khắp với tỷ lệ người tập luyện thường xuyên đạt 35,16% và tỷ lệ gia đình thể thao đạt 24,51%. Hằng năm, tổ chức hơn 1.000 giải thể thao quần chúng, tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, gắn kết cộng đồng.

Một trong những thành quả nổi bật và đặc sắc của 25 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại Quảng Nam chính là việc gắn kết hiệu quả giữa phát triển đời sống tinh thần với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống - hạt nhân cốt lõi làm nên bản sắc và chiều sâu văn hóa Đất Quảng.

     Quảng Nam hiện có 460 di tích được xếp hạng, gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 67 di tích quốc gia 389 di tích cấp tỉnh. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa phong phú được các địa phương tích cực bảo tồn, tôn tạo, khai thác đúng hướng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, Quảng Nam là một trong số ít địa phương có Nghị quyết riêng hỗ trợ nghệ thuật Bài chòi – một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Kể từ năm 2025, nghệ thuật Bài chòi sẽ được đưa vào giờ ngoại khóa ở bậc Tiểu học và THCS, đánh dấu bước chuyển mới trong việc truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.

     Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần làm thay đổi nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Nhiều địa phương đã tích cực đổi mới hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khôi phục lễ hội truyền thống, loại bỏ hủ tục, mê tín dị đoan và gìn giữ các phong tục tập quán tốt đẹp. Các hoạt động lễ hội diễn ra phong phú nhưng đảm bảo tính tiết kiệm, văn minh, trang trọng, gắn kết cộng đồng.

     Phong trào bảo tồn văn hóa gắn với xây dựng đời sống văn hóa không chỉ làm đẹp diện mạo nông thôn, đô thị mà còn góp phần nuôi dưỡng chiều sâu tâm hồn con người, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc – nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam trong tương lai.

     Kế thừa và phát huy thành quả 25 năm qua, tỉnh Quảng Nam xác định tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức thực hiện phong trào theo hướng thực chất, bền vững, gắn với chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phát triển đô thị, nông thôn mới. Phát huy sự tự giác, chủ động của người dân sẽ là trọng tâm để xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển toàn diện, bền vững, đậm đà bản sắc, xứng đáng là vùng đất “địa linh nhân kiệt” trong thời kỳ mới.

 

 

Tác giả: Mỹ Nhàn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết