Phiên bản mobile

Mode:         
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM (18/11/1930 - 18/11/2024) !
MENU

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Gương Người cao tuổi nhiệt huyết với phong trào cơ sở

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 9:48 | 14/09 Lượt xem: 3454

Tôi đã từng được nghe rằng: “Anh hùng trong đời thường không nhất thiết là những người mà ai cũng phải biết đến. Họ cũng có thể là những người lặng lẽ cống hiến sức mình để làm đẹp cho đời”. Thật vậy, khi nói đến “bác chín Nhì” (tên thật là Phạm Văn Nhì, sinh năm 1947, hiện ở tại thôn Đông Xuân, xã Tam Giang, huyện Núi Thành), ai cũng biết. Bởi ông là người lính Cụ Hồ, người hoạt động xã hội nhiệt tình, trách nhiệm với địa phương.

Trở về sau chiến tranh, là thương binh hạng II mang trên mình những vết thương khi trở trời lại đau đớn nhưng ông tiếp tục tham gia công tác giữ các chức vụ do Đảng và Nhà nước giao phó như: Cán bộ thường trực Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) huyện Tam Kỳ (nay là TP. Tam Kỳ), cán bộ Tuyên Huấn Tam Kỳ, sau đó giữ chức Phó hiệu trưởng trường Đảng huyện Núi Thành (nay là Trung tâm Chính trị huyện). Năm 1990, ông nghỉ hưu và về tham gia hoạt động phong trào tại địa phương.

Trong hơn 30 năm kể từ ngày tham gia công tác địa phương (1990-2023), ông luôn gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, được anh em đồng đội, bà con nhân dân tin yêu, thương mến. Ông chia sẻ, trong thời gian công tác tại quê nhà, điều mà ông tâm đắc nhất có lẽ phải kể đến khoảng thời gian làm Trưởng ban công tác Mặt trận. Sở dĩ như vậy là ở thời điểm đó cũng là thời gian xã triển khai thực hiện Nghị quyết thực hiện mục tiêu xây dựng xã Nông thôn mới. Chính lúc này chức năng tập hợp, phát huy “Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc” quan trọng hơn bao giờ hết và mang một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với người cán bộ Mặt trận cơ sở.

Ngay từ buổi đầu quê hương bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới với những chủ trương như “Hiến đất mở đường”, “Hiến đất xây dựng thiết chế văn hóa”, “Dồn điền đổi thửa”...được triển khai cụ thể ở từng Khu dân cư. Trong đó, vai trò của người cán bộ dân vận hết sức quan trọng, phải nói làm sao, làm thế nào để dân tin, dân yêu, dân thực hiện. Cùng với những trăn trở ấy là những nổ lực không ngừng, ông xác định lấy phương châm “mưa dầm thấm lâu” làm động lực. Theo đó, ông cùng các đồng chí trong Ban nhân dân thôn đã vận động 17 hộ gia đình trong Khu dân cư hiến trên 2.000m2  đất để xây dựng thiết chế văn hóa theo tiêu chí Nông thôn mới. Riêng gia đình ông nêu gương hiến 200m2 đất để kêu gọi tinh thần bà con trong thôn, tạo khí thế phấn khởi. Trong cuộc vận động hiến đất mở đường, gia đình ông tiếp tục hiến thêm 150m2 đất và cùng các đồng chí trong ban đã vận động 69 hộ tự nguyện tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, mở rộng tuyến đường chính rộng 8m và nhiều tuyến đường liên thôn rộng 6m; vận động 14 hộ hiến đất, khai mới hai tuyến đường xuyên qua xóm nhà ở trong Khu dân cư và bê tông hóa với chiều dài 620m với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tổng kinh phí vận động đóng góp từ bà con nhân dân với số tiền trên 126 triệu đồng.

Ngoài sự cần mẫn tâm huyết trong công việc, ông còn dành những khoảng thời gian rảnh rỗi để đến thăm hỏi những hộ gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Với mô hình “Hũ gạo tình thương”, đều đặn hàng tháng, ông cùng các thành viên trong Ban nhân dân thôn kịp thời giúp đỡ những gia đình khó khăn. Nguồn vận động từ năm 2010 – 2015, ông đã hỗ trợ được 225 lượt người khó khăn trong khu dân cư với số tiền gần 100 triệu đồng góp phần xoa dịu nỗi đau làm ấm lòng những mảnh đời kém may mắn. Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Nhì còn đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội người cao tuổi của xã, Câu lạc bộ “Dưỡng sinh kinh lạc”. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút đông đảo các cụ trong hội tham gia tạo khí thế vui tươi hăng say trong đời sống người cao tuổi.

Với ông, cuộc sống luôn là sự phấn đấu không ngừng để tạo ra những cái mới, nhưng điều đó không có nghĩa là quên đi giá trị của cái cũ. Bằng chính những trăn trở của mình, ông đã vận động và truyền lửa cho thế hệ trẻ nơi đây gìn giữ lưu truyền nghệ thuật “Hát bã trạo” và “Lễ hội cầu ngư”. Những hoạt động mà lâu nay vắng người nghe, thiếu người hiểu, đứng trước nguy cơ thất truyền mai một thì giờ đây, đã được địa phương tổ chức đều đặn hằng năm vào những dịp lễ thu hút nhiều lứa tuổi tham gia.

Không chỉ tích cực trong hoạt động chung của địa phương, ông còn là cộng tác viên xuất sắc của huyện và xã trong việc tham gia viết tin, bài. Cứ đều đặn trong một năm, ông gửi từ 30 đến 35 bài, 50 đến 60 tin phản ánh tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh quốc phòng, người tốt việc tốt... góp phần truyền tải chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con nhân dân trên địa bàn.


Ông Phạm Văn Nhì luôn miệt mài với công việc tại địa phương

Căn phòng khách nhỏ nhắn nơi ông thường xuyên ngồi làm việc, mọi thứ được bố trí gọn ghẽ, với hàng trăm mẫu giấy khen, bằng khen được bố trí đẹp mắt lưu dấu những thành tích xuất sắc và những chức vụ ông đã kinh qua. Trong đó có ba kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết dân tộc”, “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Chữ thập đỏ Việt Nam”; “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi Việt Nam” và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tặng vì đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Ông Phạm Văn Nhì là một hình ảnh đẹp tiêu biểu cho phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ chúng tôi tiếp bước. Để từ đây, cố gắng hoàn thiện mình trở thành người cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy. Tin rằng đâu đó trên quê hương chúng ta có những tấm gương như ông Phạm Văn Nhì góp phần tỏa hương thơm ngát cho quê hương Việt Nam./.

Tác giả: Thanh Luận - Phương Lan

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:





select