Phiên bản mobile

HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM LẦN THỨ X, NHIỆM KỲ 2024 - 2029 !
MENU

Xây dựng Đảng - Xây dựng chính quyền

Ngày càng đổi mới, gắn bó mật thiết với cử tri

Người đăng: Quản trị Ngày đăng: 8:23 | 23/11 Lượt xem: 15668

Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về hoạt động của đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh LÊ VĂN DŨNG nhấn mạnh: Các ĐBQH tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp nhiều nội dung có chất lượng; tăng cường chuyển tải nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri Quảng Nam đến với diễn đàn Quốc hội... góp phần vào thành công của kỳ họp.

Tích cực đóng góp nhiều nội dung chất lượng

- Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, chất lượng, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thành công tốt đẹp. Xin ông cho biết những đóng góp của đoàn ĐBQH tỉnh vào thành công chung của kỳ họp?

- Tại kỳ họp, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tích cực tham gia đóng góp nhiều nội dung chất lượng, từ hoạt động xây dựng pháp luật, chất vấn đến việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Qua đó, cùng tập thể Quốc hội nâng cao chất lượng kỳ họp; bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch. Nhiều ý kiến của ĐBQH được Chủ tọa và cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các ĐBQH tỉnh có 5 nội dung chất vấn trực tiếp; 1 nội dung chất vấn bằng văn bản và 2 lượt tranh luận với các Bộ trưởng; đều là những vấn đề "nóng", ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân, cũng như quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri, nhân dân, đoàn ĐBQH tỉnh cũng đưa ra nhiều kiến nghị trong các nội dung thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội. Trong đó, đề xuất nhiều giải pháp tập trung nguồn lực triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để tạo thuận tiện trong lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế trong điều kiện mới; quy định minh bạch, rõ ràng đối với hoạt động quyên góp, nhân đạo, từ thiện; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2019/NĐ-CP của Chính phủ theo hướng bỏ chế định “người hoạt động không chuyên trách”, tinh giản mạnh khâu trung gian (cấp tỉnh, cấp huyện), tăng cường cho cấp cơ sở; sớm công nhận "Thanh niên xung phong" là đối tượng người có công với cách mạng...

Kiến nghị xử lý dứt điểm nhiều bức xúc trên địa bàn

Đoàn ĐBQH Quảng Nam tiếp xúc trực tuyến với cử tri toàn tỉnh sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV - ảnh D.P
Đoàn ĐBQH Quảng Nam tiếp xúc trực tuyến với cử tri toàn tỉnh sau Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV
Ảnh D.P

- Trong phiên thảo luận toàn thể tại kỳ họp vừa qua, thay mặt đoàn ĐBQH tỉnh, ông đã phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương một số vụ việc kéo dài, gây nhiều bức xúc trên địa bàn. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các vụ việc này?

Những vụ việc tôi nêu ra trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua đều là những vấn đề bức xúc nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Hầu hết các vụ việc đã kéo dài nhiều năm, gây ra nhiều hệ lụy. Nhân dân và các cấp chính quyền địa phương kiến nghị nhiều lần song chưa được giải quyết thỏa đáng.

Điển hình, liên quan đến mỏ vàng Bồng Miêu, tình hình an ninh trật tự tại khu vực này diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian dài. Hoạt động khai thác vàng trái phép, hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất đai; tội phạm về ma túy, trộm cắp, buôn bán tàng trữ chất độc, vật liệu nổ diễn ra dai dẳng bất chấp nỗ lực truy quét của chính quyền địa phương. Đầu năm 2016, mỏ vàng Bồng Miêu hết hạn khai thác, UBND tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần làm việc và đã 7 lần ban hành văn bản đề nghị sớm phê duyệt đóng cửa nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Cần nói thêm rằng vấn đề này đã được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có kết luận cụ thể từ 12.8.2020. Sau đó, tại Thông báo kết luận số 05 ngày 29.1.2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nêu rõ: “Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam để rà soát nội dung Đề án đóng cửa mỏ, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt trong tháng 2.2021”. Tuy nhiên, từ đó đến nay, việc phê duyệt Đề án vẫn chưa được thực hiện.

Hay đối với Dự án Làng Đại học Đà Nẵng, Chính phủ quy hoạch từ năm 1997 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng) và thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) với tổng diện tích gần 300ha. Dự án này đã “treo” hơn 23 năm, gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn cho người dân trong vùng dự án. Vừa qua, đại biểu Dương Văn Phước - thành viên đoàn ĐBQH tỉnh cũng đã chất vấn, tranh luận về nội dung này. Tôi tin rằng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn sẽ có giải pháp sớm triển khai dự án, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân hai địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng.

- Xin cảm ơn ông!

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam xác định phải có những đổi mới để chủ động thích ứng trong điều kiện mới. Thời gian tới, đoàn sẽ tiếp tục tăng cường gắn bó, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri bằng các hình thức thích hợp; tổ chức khảo sát thực tế, nắm bắt tình hình ở những điểm "nóng" về kinh tế - xã hội, môi trường, đất đai... Từ nay đến cuối năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, đoàn sẽ tổ chức 4 đoàn giám sát chuyên đề, đặc biệt là giám sát việc thực hiện Luật Quy hoạch; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

 

MẠNH TUÂN

Nguồn tin: daibieunhandan.vn

[Trở về]

Các tin mới:

Các tin khác:



select