Ngày 14/8/2023, Chính phủ ra Nghị quyết 126/NQ-CP về việc nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Thế nào là tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật?

Nghị quyết 126/NQ-CP nêu rõ trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các địa phương đã tập trung nhiều thời gian, nguồn lực, áp dụng nhiều giải pháp để đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật. Tuy nhiên, trước yêu cầu tình hình mới, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật vẫn còn bộc lộ một số bất cập.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, phát hiện các tồn tại, khó khăn.

Vậy thế nào là tham nhũng trong xây dựng pháp luật? Tham nhũng trong xây dựng pháp luật cùng với tham nhũng trong thực thi pháp luật tạo thành hành vi “tham nhũng chính sách."

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật tuy để lại những hệ lụy lớn đối với hệ thống pháp luật nói riêng và xã hội nói chung nhưng khó nhận biết hơn các hành vi tham nhũng thông thường.

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật đi liền với lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một ngành, một tập thể, một số chủ thể. Chỉ khi có sự liên kết của nhiều đối tượng có thẩm quyền ở các lĩnh vực khác nhau thì một chính sách, một điều luật mới có thể được “nắn dòng” nhằm phục vụ lợi ích của một nhóm người, tức can thiệp trái phép vào việc phân chia quyền lợi ở quy mô một ngành, địa phương, quốc gia.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Sử (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội), có hai nhóm lợi ích cơ bản mong muốn tác động vào chính sách, pháp luật. Một là các cơ quan quản lý nhà nước được giao chuẩn bị các dự án lập pháp, lập quy thường hướng tới lợi ích của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Hai là các đối tượng chịu tác động của chính sách, mong muốn chính sách, pháp luật khi ban hành sẽ tạo ra các lợi thế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Tham nhũng trong xây dựng pháp luật bắt đầu từ việc lựa chọn chính sách (chọn vấn đề nhằm phục vụ lợi ích ngành, nhóm để luật hóa), tiếp đó là soạn thảo chính sách thành pháp luật ("cài cắm" câu chữ để phục vụ lợi ích nhóm - lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ), cuối cùng là giai đoạn thông qua và ban hành điều luật (vận động hành lang).

Biểu hiện thường thấy của tham nhũng, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật là sự vận động chính sách bất hợp pháp, không minh bạch, không hướng tới việc hài hòa lợi ích trong xã hội; mua chuộc người có thẩm quyền để lựa chọn vấn đề, soạn thảo và ban hành chính sách nhằm phục vụ lợi ích của ngành, của một nhóm chủ thể. Điều này được gọi là “chạy chính sách."

“Chạy chính sách” mà biểu hiện cụ thể của nó là sự vận động chính sách không minh bạch, làm thiên lệch, phá vỡ tính khách quan cần có của chủ thể hoạch định chính sách. Điều này gây nên sự bất bình đẳng trong xã hội, khiến nguồn lực của đất nước chỉ phục vụ một số chủ thể nhất định, đem lại lợi ích cho một ngành, một nhóm người nhưng lại gây tổn hại đến quyền lợi của các ngành khác, của những người khác và chung cuộc làm suy yếu đất nước, chính thể.

Việc thiên lệch trong xây dựng chính sách được biểu hiện rõ nét hơn trong các điều luật kinh tế, khi một doanh nghiệp lớn dùng lợi thế tài chính của mình để tác động đến việc xây dựng pháp luật nhằm thu lợi cho bản thân và chèn ép các doanh nghiệp yếu thế và xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng.

Tránh hình thức trong phản biện xã hội

Tổ chức phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân là một khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam.

Nghị quyết 126/NQ-CP đòi hỏi phải kiên quyết xử lý các hành vi "tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm" trong công tác xây dựng pháp luật mà một biện pháp cụ thể được nêu ra là chú trọng tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, người dân.

Hiến pháp năm 2013 đã đưa ra những quy định cơ bản về việc các cơ quan thẩm quyền trong quá trình xây dựng pháp luật phải tạo điều kiện để nhân dân đóng góp ý kiến của mình.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra đời vào năm 2015 và được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020. Luật này quy định rằng các cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội đang đảm nhiệm chủ trì việc soạn thảo văn bản pháp luật và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp ý kiến về các văn bản pháp luật, dự luật; để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện phản biện xã hội; để lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động trực tiếp của điều luật. Ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân sẽ giúp cho cơ quan xây dựng, ban hành pháp luật có cái nhìn đa dạng, gần gũi với cuộc sống, tránh sa vào ý chí chủ quan, áp đặt từ một phía.

Các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, Chống Tham nhũng, Tiêu cực dự một cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Về việc dự luật cụ thể nào cần phải được lấy ý kiến của người dân, khoản 1, Điều 39 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Căn cứ vào tính chất và nội dung của dự án luật, dự án pháp lệnh mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc lấy ý kiến nhân dân.

Việc lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội về các dự luật phải tuyệt đối tránh bệnh hình thức, tránh tình trạng tâm tư, nguyện vọng của người dân “rơi tõm vào khoảng không," ít được cơ quan có thẩm quyền tập hợp và tiếp thu.

Việc tổ chức phản biện xã hội, lấy ý kiến nhân dân được tiến hành theo nhiều cách thức: tổ chức thảo luận tập thể theo địa bàn cư trú (tổ dân phố, phường, xã...); tổ chức thảo luận tại các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nghề nghiệp; tổ chức điều tra xã hội học; lập các trang web để tạo diễn đàn thảo luận các vấn đề của dự luật; thành lập ra các hộp thư điện tử để nhận ý kiến đóng góp…

Tuy nhiên, trên thực tế, cách thức lấy ý kiến của người dân hiện nay chỉ chủ yếu được thực hiện bằng việc đăng tải dự luật, dự thảo pháp lệnh trên Cổng Thông tin Điện tử của bộ, ngành, địa phương mà ít khi được thực hiện bằng hình thức hội thảo, qua phương tiện thông tin đại chúng, đối thoại trực tiếp giữa cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật với đối tượng chịu tác động trực tiếp. Việc đơn thuần đăng tải văn bản pháp luật trên Cổng Thông tin Điện tử là cách làm dễ dàng nhất và cũng ít hiệu quả nhất.

Theo Bộ Tư pháp, đang tồn tại tình trạng là nhiều cơ quan, tổ chức khi được xin ý kiến về một chính sách, điều luật thì không có ý kiến góp ý hoặc trả lời chung chung là “nhất trí." Từ phía đối tượng chịu tác động của pháp luật cũng vậy, nhiều người không có ý thức đóng góp cho việc xây dựng pháp luật hoặc không có năng lực để phản biện.

Để việc phản biện xã hội trong việc xây dựng pháp luật đi vào thực chất, nhà nghiên cứu Võ Trí Hảo (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất việc lấy ý kiến của nhân dân theo cách thức nào nên tùy thuộc vào tính chất của dự luật. Nếu dự luật liên quan đến lợi ích của nhiều tầng lớp xã hội, liên quan đến các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, các vấn đề cơ bản của quốc gia thì cần lấy ý kiến theo cách tổ chức thảo luận tập thể theo địa bàn cư trú.

Nếu dự luật có nhiều nội dung chuyên sâu thì nên lấy ý kiến trong giới chuyên môn. Cần phải tạo các diễn đàn để cho các ý kiến khác nhau được thể hiện, tránh cách làm thiếu khách quan của cơ quan tổ chức lấy ý kiến qua cách lựa chọn cơ quan được hỏi ý kiến. Trên cơ sở mạng tin học diện rộng của Chính phủ hiện nay, Nhà nước nên xây dựng thêm các diễn đàn thông tin và trao đổi về chính sách, pháp luật và phục vụ việc lấy ý kiến trực tuyến.

Đoàn viên thanh niên đọc tìm hiểu Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Cần có quy tắc xác định nội dung, phạm vi, thể thức và thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, dự án pháp lệnh. Thời gian phải đủ dài, thông tin phải đầy đủ để nhân dân có thể hiểu đúng nội dung của dự thảo. Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, hoặc ít nhất 1/3 số đại biểu Quốc hội có thể yêu cầu Quốc hội thảo luận, xem xét đưa một số dự án luật, dự án pháp lệnh ra lấy ý kiến nhân dân.

Việc tập hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân rất quan trọng và cần được thực hiện một cách nghiêm túc.

Mọi đóng góp dưới các hình thức (kết luận của hội thảo trên các diễn đàn thảo luận của nhân dân, thư từ gửi trực tiếp; ý kiến thu nhận được của các đại biểu Quốc hội qua tiếp xúc với cử tri; ý kiến đóng góp mà các cơ quan nhà nước, tổ chức khác nhận được) đều phải được thu thập và xử lý đầy đủ.

Mọi thông tin, ý kiến liên quan đến dự luật đều phải tập trung tại một đầu mối cuối cùng thống nhất để xử lý, đó có thể là Văn phòng Quốc hội.

Việc tập hợp, xử lý các ý kiến đóng góp phải khách quan, trung thực sẽ giúp các nhà làm luật có cái nhìn sát thực và tạo cho những người đóng góp ý kiến tin rằng ý kiến của mình được phản ánh, hành động của mình có ý nghĩa.

Dẫn nguồn: https://www.vietnamplus.vn/chong-tham-nhung-chinh-sach-lay-y-kien-nhan-dan-mot-cach-thuc-chat/890687.vnp

Theo Trần Quang Vinh (TTXVN/Vietnam+)