Chi tiết tin

A+ | A | A-

TĂNG CƯỜNG, NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI GÓP PHẦN XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐỊA PHƯƠNG

Người đăng: Ban biên tập Ngày đăng: 10:31 | 25/02/2025 Lượt xem: 254

Thăng Bình hiện là một huyện đang trong quá trình hội nhập và phát triển cùng với cả tỉnh, cả nước và đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; đời sống vật chất và tinh thần mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao. Đây còn là kết quả của việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội huyện Thăng Bình đối với các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước tại địa phương.

Thực hiện Quyết định số217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Thăng Bình đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/HU, ngày 05/5/2014 về lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217. Tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, ngay từ quý IV hằng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng Kế hoạch giám sát, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến phê duyệt, làm căn cứ triển khai thực hiện. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp công tác với Thường trực HĐND, UBND huyện. Đây là cơ sở quan trọng trong triển khai phối hợp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội.

 

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo

“Đề án sắp xếp, kiện toàn các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện và

các Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”

Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tổ chức chủ trì và thành lập đoàn thực hiện 141 cuộc giám sát (Cấp huyện: 14 cuộc ; cấp xã: 127 cuộc); Các Ban TTND giám sát 148 vụ việc, kiến nghị xử lý 37 vụ việc; các Ban GSĐTCCĐ giám sát 518 công trình, dự án. Qua giám sát, đã kịp thời phát hiện và đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng giải quyết các trường hợp có sai phạm, bổ sung, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập, đã góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường đoàn kết ở khu dân cư, hạn chế vụ khiếu kiện kéo dài vượt cấp.

Để thực hiện mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác giám sát góp phần xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, trước hết nội dung giám sát phải được lựa chọn từ những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, bám sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: chế độ chính sách đối với người có công; các cơ chế chính sách phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các mô hình kinh tế; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, quản lý đất công ích; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo …

Ngoài ra còn giám sát thông qua hòm thư góp ý. Năm 2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện triển khai lắp đặt hòm thư góp ý tại trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; tại bộ phận “Tiếp nhận trả kết quả” UBND huyện; UBND 22 xã, thị trấn và lắp đặt ở 106 nhà sinh hoạt văn hóa thôn, khu phố hằng tháng kiểm tra 01 lần nhằm tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của Nhân dân đối với việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo quyết định số 124.

Hoạt động phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong huyện luôn chủ động lựa chọn, đăng ký phản biện đối với những dự thảo văn bản có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Từ năm 2019 đến năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức 144 cuộc phản biện xã hội (hình thức tổ chức hội nghị phản biện: 79 cuộc; hình thức góp ý dự thảo văn bản: 65 cuộc).

Để các hội nghị phản biện xã hội đạt chất lượng: Thành phần tham dự, mời các chuyên gia (các sở, ngành của tỉnh), người có uy tín, tiêu biểu trên các lĩnh vực có liên quan đến nội dung phản biện. Ngoài ra, luôn phát huy vai trò của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các Ban tư vấn (Kinh tế - Xã hội và Dân chủ - Pháp luật và Tôn giáo) các vị là lãnh đạo chủ chốt kinh qua của huyện; tại các hội nghị phản biện xã hội có sự tham dự của các đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan ban hành văn bản tham dự.

Sau các hội nghị phản biện xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tổng hợp, phản ảnh đầy đủ các ý kiến, kiến nghị góp ý, phản biện tại hội nghị, ban hành văn bản kiến nghị các cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo và các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, điều chỉnh.

Thông qua các hội nghị phản biện đã kiến nghị, bổ sung những giải pháp nhằm thực hiện đúng, có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật; góp phần đảm bảo mọi quyền lợi của công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước. Kết quả, nhiều ý kiến góp ý đã được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình bằng văn bản.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn nhất định như: công tác phối hợp giám sát đôi lúc còn chưa đồng bộ, nội dung giám sát còn chồng chéo, giữa các cơ quan, đơn vị; việc đầu tư thời gian nghiên cứu nội dung phản biện còn chưa nhiều, hiệu quả phản biện đối với một số dự thảo chưa cao. Việc tiếp thu, giải trình kiến nghị, đề xuất sau giám sát, phản biện ở một số tổ chức, cá nhân còn chậm.

Trong thời gian tới nhằm phát huy tốt hơn vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội góp phần xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, cần tập trung vào những vấn đề cụ thể sau:

Một là, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền với MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền.

Hai là, đối với hoạt động giám sát, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong huyện cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Quy chế giám sát và phản biện xã hội để thống nhất về nhận thức trong các cấp, các ngành, có như vậy công tác giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mới đạt được hiệu quả, phát huy được dân chủ, tập hợp được ý kiến đông đảo Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Hằng năm, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, đoàn viên và Nhân dân để xây dựng kế hoạch triển khai công tác giám sát, trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp giám sát phù hợp.

Trước khi tổ chức giám sát phải chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ cho Đoàn giám sát. Tài liệu liên quan đến nội dung giám sát gửi cho tất cả các thành viên của Đoàn giám sát để nghiên cứu trước khi giám sát; đồng thời cần có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Đoàn giám sát, kể cả nhiệm vụ chia đoàn thu thập ý kiến tại các nơi cụ thể liên quan đến nội dung giám sát.

Đoàn giám sát phải thực hiện đầy đủ đúng quy trình, phù hợp với chức năng nhiệm vụ từ khâu lựa chọn nội dung, báo cáo xin ý kiến cấp ủy, xây dựng kế hoạch, thành lập Đoàn giám sát, tổ chức giám sát, tổng hợp báo cáo, thông báo kết quả giám sát... phải đảm bảo đúng mục đích yêu cầu đặt ra.

Phát huy vai trò giám sát của Nhân dân: Cần tổ chức các cuộc đối thoại, các diễn đàn (góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân, Bộ đội Biên phòng lắng nghe ý kiến ngư dân...) để góp phần đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”  trong nội bộ, nhằm xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Ba là, đối với hoạt động phản biện xã hội là một hoạt động rộng lớn, nội dung phong phú, bao quát nhiều lĩnh vực đời sống xã hội đòi hỏi những người làm công tác phản biện xã hội và cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp phải có trình độ chuyên môn vững vàng; có tâm trong sáng hết mình vì công việc. Phân công cán bộ có năng lực, uy tín phụ trách công tác Mặt trận, các tổ chức chính trị -  xã hội. Về phạm vi nội dung phản biện cần tập trung phản biện những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy và cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị; kế hoạch, chương trình và những chính sách cụ thể về kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng... liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của quần chúng nhân dân.

Cần có cơ chế rõ ràng và môi trường pháp lý thực sự cho hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, những hoạt động phản biện xã hội hiện nay chủ yếu tham gia góp ý vào các dự thảo của các cơ quan ban, ngành, chưa thực sự phản biện theo đúng nghĩa.

Trong điều kiện thông tin như hiện nay, muốn có những ý kiến phản biện đúng, chính xác thì đòi hỏi phải có hệ thống thông tin tốt, nhanh nhạy, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội. Bên cạnh đó phải có hệ thống phân tích, đánh giá xử lý thông tin trên cơ sở khoa học để chắt lọc lấy thông tin nào thật sự đúng, là tiếng nói chính thống của đa số quần chúng nhân dân.

Trên cơ sở của việc thực hiện chức năng phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp phải thường xuyên tổng kết, đánh giá, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích tốt nhằm động viên, khích lệ và tiếp tục phát huy đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế để góp phần đưa hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam ngày càng đi vào nề nếp, khoa học và hiệu quả.

Bốn là, cần phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc cung cấp thông tin, đảm bảo để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính tri - xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng các quy định hướng dẫn. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tạo mọi điều kiện để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả hơn.

Năm là, sau mỗi cuộc giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam các cấp cần đôn đốc cơ quan, đối tượng được góp ý, phản biện, giám sát có văn bản tiếp thu, trả lời và giám sát việc khắc phục theo quy định.

Với vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam trong nâng cao chất lượng giám sát, phản biện, trong thời gian tới MTTQ Việt Nam từ huyện đến xã, thị trấn cần tiếp tục và tăng cường quán triệt, phổ biến sâu rộng quy định giám sát và phản biện xã hội, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận chuyên trách, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp vừa đảm bảo cơ cấu, thành phần vừa có tâm, có tầm, đủ sức đảm được vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới, trong đó có chức năng nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội theo luật định góp phần xây dựng chính quyền, phát triển kinh tế, xã hội địa phương.

Nguồn tin: Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết