Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH huyện Phú Ninh trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 9:57 | 26/11/2024 Lượt xem: 562

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh luôn xác định công tác tuyên truyền, vận động đoàn, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện đoàn kết, phát huy sức mạnh nội lực thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu là một trong những nội dung trọng tâm trong Chương trình phối hợp và thống nhất hành động hằng năm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội huyện tổ chức tuyên truyền, triển khai có hiệu quả các văn bản lãnh, chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Ninh về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/HU ngày 13/5/2021 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng, cải tạo cảnh quang môi trường sáng-xanh-sạch-đẹp”, Chỉ thị số 14-CT/HU ngày 13/5/2021 về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện”; Chỉ thị số 31-CT/HU ngày 17/6/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội huyện trong tham gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, Nghị quyết xây dựng huyện Phú Ninh đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025, hướng đến kiểu mẫu năm 2030…  


Nhân dân trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng làm đường giao thông nông thôn
góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền vận động nhằm thu hút đông đảo sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, qua đó tổ chức Hội trại “Đoàn kết sáng tạo”, Hội thi cán bộ Mặt trận-đoàn thể cơ sở giỏi, cuộc thi cán bộ Mặt trận với mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, cuộc thi tự hào MTTQ Việt Nam…góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư. Hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng thiết thực “cầm tay chỉ việc”, đến từng hộ gia đình, người dân, vận động tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huy động nội lực từ Nhân dân tham gia ngay từ khâu quy hoạch đến hiến kế, hiến đất, hiến công, vật tư để xây dựng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng nghĩa trang, nhà văn hoá thôn, khối phố, các công trình công cộng...05 năm qua, vận động Nhân dân xây dựng trên 485 km đường giao thông nông thôn được bê tông, cứng hóa trên giao 105 km giao thông nội đồng; chặt phá hàng ngàn cây cối, tháo dỡ hàng trăm vật kiến trúc, di dời chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm ở trước nhà ra sau nhà; tự nguyện hiến trên 35.500 m2 đất, 27.600 ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, kênh mương, xây dựng tuyến đường điện chiếu sáng, nhà sinh hoạt tổ đoàn kết…Nhân dân tích cực, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, với  trên 1.950 hộ dân tham gia trên 23 chuỗi liên kết để hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị-xã hội huyện Phú Ninh quan tâm đến công tác đổi mới nội dung và cách làm có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, luôn xác định lấy tổ đoàn kết, thôn làm địa bàn, lấy đoàn, hội viên và Nhân dân, đặc biệt là gia đình làm hạt nhân để tuyên truyền, vận động. Mặt trận chủ trì, hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội huyện thống nhất, phân công thực hiện các nội dung, nhất là việc củng cố, duy trì hoặc thành lập mới mô hình, công trình chung tay xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện để thu hút Nhân dân hưởng ứng tham gia thực hiện. Tiêu biểu như các mô hình: Nhà sạch, vườn đẹp; tuyến đường tự quản về cảnh quang môi trường gắn cơ sở tôn giáo; tuyến đường tổ đoàn kết sáng-xanh-sạch-đẹp; thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang (Ủy ban Mặt trận); Nhà sạch, vườn đẹp, đường thông thoáng gắn phân loại rác thải tại nguồn; tuyến đường hoa thay cỏ dại; sử dụng cặp lồng thức ăn-được giảm giá 1,000 đồng; ngôi nhà xanh (Hội Phụ nữ); Tuyến đường hoa, cây xanh; thu gom rác thải thực vật đồng ruộng; ủ phân hữu cơ vi sinh từ các phế thải nông nghiệp; phân loại rác thải tại nguồn, sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế (Hội Nông dân); Tuyến đường hoa thanh niên, ngày chủ nhật xanh (Huyện đoàn); Tuyến đường treo cờ kiểu mẫu; duy trì, quản lý, chăm sóc tuyến đường trồng cây xanh và hoa (Hội Cựu chiến binh); Mái ấm công đoàn (Liên đoàn lao động). Qua đó, đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, đoàn viên, hội viên, các chức sắc, chức việc, đồng bào theo đạo và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện phong trào, các cuộc vận động, góp phần duy trì và nâng chuẩn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp các tổ chức thành viên khơi dậy trong các tầng lớp Nhân dân tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Tương thân tương ái”. Tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp ủng hộ Quỹ xóa nhà tạm, nhà dột nát của huyện, số tiền trên 901 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước 198 nhà tạm, dột nát được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa. Từ năm 2019-2024 đã vận động, tiếp nhận trên 3,9 tỷ đồng Quỹ “Vì người nghèo” huyện, qua đó hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 160 nhà đại đoàn kết, số tiền: 2,9 tỷ đồng; khám chữa bệnh trên 60 người: 170 triệu đồng, từ những việc làm thiết thực đó, trên toàn huyện tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm đáng kể từ 2,11% hộ nghèo (482 hộ), 1,63% hộ cận nghèo (372 hộ) vào năm 2019, đến năm 2023 còn 1,93% hộ nghèo (447 hộ), 1,24% hộ cận nghèo (288 hộ), góp phần thực hiện tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Để phát huy dân chủ, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở trong quá trình xây dựng nông thôn mới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội huyện, xã thị trấn phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với Nhân dân. Qua đối thoại, kịp thời tiếp thu, giải quyết các kiến nghị chính đáng, hợp pháp của Nhân dân, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.

Đến nay, huyện Phú Ninh duy trì, nâng chuẩn huyện nông thôn mới đạt 9/9 tiêu chí, đạt 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; 10/10 xã duy trì đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã Tam Phước đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền, vận động Nhân dân tiếp tục duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng mới đã đạt chuẩn; vận động đóng góp nguồn lực để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, góp phần vào việc xây dựng huyện Phú Ninh ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Tác giả: Võ Phượng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết