Chi tiết tin

A+ | A | A-

XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, TỪ NHỮNG ĐÔI BÀN TAY DIỆU KỲ

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 14:38 | 21/11/2024 Lượt xem: 489

Mùa thu đã gõ cửa, nhưng miền Trung quê tôi gần như không có khái niệm của Thu, chỉ có hai mùa mưa- nắng. Trong ánh chiều vàng thơm mùi lúa chín, dạo quanh những tuyến đường chính của huyện, liên xã, liên thôn. Nhận ra, Phú Ninh đổi thay nhiều. Đang khoác lên mình chiếc áo mang sắc màu nông thôn mới. Và trong những gam màu ấy, có sự đóng góp những đôi bàn tay diệu kỳ của phụ nữ Phú Ninh.

Phú Ninh ngày ấy…

Năm 2005, huyện Phú Ninh được thành lập. Tên của huyện được gắn liền với một công trình thế kỷ-đại thủy nông Phú Ninh. Với nền kinh tế thuần nông, năng suất thấp, sản xuất hàng hóa manh nha. Tỷ lệ nông nghiệp chiếm đến 58% trong cơ cấu kinh tế của huyện. Nên lúc đó tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm đến 23%. Thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 3,2 triệu đồng, thấp hơn 2 lần so với bình quân chung của tỉnh. Một bộ phận nhân dân còn ở trong nhà tạm, dột nát. Cùng với đó, kết cấu hạ tầng của huyện nghèo nàn, lạc hậu, ngoài một số tuyến giao thông tỉnh lộ 615, 616, còn lại phần lớn là cắt khúc lầy lội, nhân dân đi lại khó khăn… Ngoài ra, huyện còn phải đối mặt với các tiêu chí điện, đường, trường, trạm… rất khó khăn.

Những trăn trở của tập thể Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy buổi đầu thành lập huyện. Và rồi, tất cả đồng lòng, xác định: Phú Ninh phải đi lên bằng con đường nông thôn mới, đích hướng tới là thay đổi diện mạo quê hương. Nhưng thực hiện bằng cách nào thì chưa có câu trả lời. Vì ngày ấy, chưa có mô hình điểm về nông thôn mới. Vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xác định mục tiêu tổng quát là “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn… xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại… và xây dựng nông thôn mới. đã cổ vũ thêm sức mạnh tinh thần, ý chí, niềm tin về sự thành công trong xây dựng nông thôn mới của huyện. Tháng 4 năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 238-TB/TW về “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, theo đó xã Tam Phước, huyện Phú Ninh được chọn là một trong 11 xã trong toàn quốc xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, là xã đại diện cho khu vực duyên hải Nam Trung bộ. Năm 2010, Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đây là thuận lợi cơ bản để huyện thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

 Chính chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, cùng với đề án và các nghị quyết chuyên đề là lối mở giúp cho Đảng bộ huyện có phương hướng lãnh đạo và thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ dần những khó khăn trong suốt nhiệm kỳ (2005-2010), tạo nên điểm nhấn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của huyện. Đến cuối năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định công nhận 10 xã đầu tiên của Tỉnh đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Huyện Phú Ninh có 03 xã được góp mặt trong tốp 10 xã đầu tiên của cả tỉnh, đó là các xã Tam Phước, Tam An, Tam Thành. Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Cũng từ móc đạt chuẩn này, Phú Ninh vẫn miệt mài trên hành trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Hành trình đó có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.


Hội LHPN xã Tam Dân ra mắt mô hình "Nhà sach, vườn đẹp, đường thông thoáng"

Đôi bàn tay kỳ diệu

Bộ mặt của huyện đã khác xưa nhiều lắm, chưa dám khẳng định là giàu có, nhưng tự tin để khẳng định Phú Ninh nay khang trang, sạch đẹp hơn. Hình hài, diện mạo đó là sự chung sức đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trên địa bàn huyện. Trong đó phải kể đến sự đóng góp của những đôi bàn tay kỳ diệu của phụ nữ Phú Ninh.

Câu chuyện nông thôn mới, trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, mỗi tiêu chí đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, sẽ có những tiêu chí trong vai trò chủ chốt, là trung tâm tác động, ảnh hưởng đến các tiêu chí khác. Đó chính là tiêu chí về giáo dục, về nhà ở, về thu nhập, về tỷ lệ hộ nghèo, về tổ chức sản xuất phát triển kinh tế nông thôn, về môi trường... Trong các tiêu chí này, phụ nữ Phú Ninh đều góp tên mình để thực hiện thành công các tiêu chí.

Đầu tiên, với phong trào xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, mỗi phụ nữ phát huy vai trò chủ thể, chủ động chọn cho mình một phần việc ngay trong chính ngôi nhà của mình, sạch nhà, sạch bếp, sạch vườn, sạch ngõ, góp phần tạo nên diện mạo chung của thôn, xã trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp đó, tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, để thực hiện các mô hình "Nuôi heo đất", "Mẹ đỡ đầu", "Chia sẻ yêu thương", "Những bông hoa đời thường"... Các hội nhận đỡ đầu thường xuyên gần 100 phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với mức hỗ trợ 100.000- 200.000 đồng/tháng; tặng quà cho hơn 700 trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, gần 1.000 gia đình HVPN khó khăn; trao 1.500 suất học bổng cho trẻ em nghèo.

Với mục tiêu xây dựng gia đình hạnh phúc, các mô hình “Giáo dục đời sống”, “Gia đình Việt Nam phát triển bền vững”, “Ngôi nhà an toàn”, “Địa chỉ tin cậy”… lần lượt ra đời. Thông qua các mô hình, giúp phụ nữ có thêm kiến thức, học hỏi kinh nghiệm nuôi dạy con cái ngoan hiền, giỏi giang, là người có ích cho xã hội. Giảm tối đa tình trạng ly hôn và những trẻ vị thanh niên vi phạm pháp luật. Các cấp hội đã phối hợp mở trên 60 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi-thú y, đan mây tre, kỹ thuật làm nấm rơm, nấm lim xanh, may công nghiệp, kỹ thuật trồng tiêu, trồng dưa hấu, đào tạo nghề chế biến thực phẩm, trồng rau sạch, trồng hoa cây cảnh, nuôi gà thả vườn… cho hơn 2.000 lao động nữ. Sau đào tạo đã giới thiệu, tư vấn cho hơn 1.000 lao động có việc làm, giúp phụ nữ chuyển đổi nghề nghiệp, tự chủ về kinh tế, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, tranh thủ các nguồn vốn từ tỉnh đến huyện, tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu về vốn tiếp cận các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn tín chấp qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện trên 82 tỷ đồng, cho trên 3.000 hộ vay. Tuyên truyền vận động trên 3.000 hộ vay tham gia tiết kiệm đạt 90%. Bên cạnh đó, Hội còn vận động chị em chủ động xây dựng nguồn vốn tại chổ để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, giúp cho hơn 2.000 lượt hội viên phụ nữ khó khăn được tiếp cận vốn. Ngoài ra, chị em còn giúp bằng nhiều hình thức khác nhau như cho mượn không lấy lãi, giúp công, cây, con giống… hỗ trợ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Cũng nằm trong mục tiêu phát triển kinh tế. Hội đã tranh thủ các nguồn lực từ các nguồn, các kênh hỗ trợ trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ nghèo. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay đã hỗ trợ 20 con bò, 15 xe đạp điện, 4 xe máy, 12 máy xay bột nước, 2 máy xay nước mía, 5 bộ dụng cụ làm nghề tráng bánh, 6 tủ buôn bán tạp hóa, trên 5.000 con gia cầm cho các gia đình khó khăn. Đồng thời, hỗ trợ tiếp sức cho phụ nữ nghèo 800 triệu đồng, trong đó từ nguồn vận động trong hội viên phụ nữ trên 300 triệu đồng, nguồn từ Ủy ban Mặt trận và các tổ chức cá nhân trên 500 triệu đồng. Với những giải pháp đồng bộ, hằng năm mỗi cơ sở Hội nhận giúp ít nhất 2 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo. Trong gần 5 năm (2020-2024), toàn huyện có gần 200 hộ phụ nữ nghèo được giúp, trong đó, có trên 100 hộ được giúp thoát nghèo, có trên 40 hộ tự nguyện làm đơn thoát nghèo. Nhiều chị bằng nghị lực, ý chí của mình vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống; trở thành tấm gương tiêu biểu cho các chị em khác noi theo, như: chị Lý Thị Sang, chị Nguyễn Thị Biện (Tam Lộc); chị Nguyễn Thị Lưu (Tam Lãnh); Nguyễn Thị Hồng (Tam An); chị Đặng Thị Bích Hạnh (Tam Đàn); chị Đinh Thị Minh Cảnh (Tam Dân); chị Dương Thị Phượng (Tam Phước)... Hộ phụ nữ thoát nghèo đã góp phần cùng huyện nhà giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1% (giảm 1,43%, so với đầu nhiệm kỳ). Không chỉ giúp thoát nghèo, huyện hội và cấp cơ sở còn đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp vươn lên làm giàu, xây dựng nên những thương hiệu của riêng mình. Đến nay có 55 phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh, có 5 sản phẩm đạt Ocop.

Đồng hành cùng huyện trong thực hiện tiêu chí giảm nghèo, phát triển kinh tế là câu chuyện dài vẫn chưa có hồi kết. Đôi bàn tay của những người phụ nữ huyện vẫn miệt mài, đồng hành cùng huyện. Chưa dừng lại, họ viết tiếp câu chuyện về bảo vệ môi trường. Hành động được thể hiện thông qua các mô hình: Tuyến đường phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”, “Tổ thu gom rác thải”, “Chống rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon”, “Dùng giỏ nhựa đi chợ”, “Sử dụng cặp lồng khi mua thức ăn bạn được giảm giá 1.000 đồng”...

Những phần việc nêu trên là một trong những câu chuyện mà phụ nữ Phú Ninh góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền huyện trong xây dựng nông thôn mới. Để nhận thấy rằng, sự đổi thay của Phú Ninh sau 20 năm thành lập, mang trên mình sức sống mới có sự chung sức của những đôi bàn tay diệu kỳ của phụ nữ Phú Ninh. Trên mọi lĩnh vực, mọi tiêu chí đều có tên họ. Bằng ý chí, nghị lực và đôi bàn tay, họ đã góp một phần quan trọng tạo nên diện mạo, hình hài Phú Ninh hôm nay./.

Tác giả: Vũ Thị Thanh Loan -HUV, Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Ninh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết