Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chung tay xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ hệ sinh thái khu sinh quyển

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 9:42 | 21/11/2024 Lượt xem: 460

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được Tổ chức Văn hóa - Khoa học – Giáo dục của Liên hiệp Quốc (UNESCO) công nhận ngày 26/5/2009 dựa trên nền tảng sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn của thành phố Hội An. Đặc biệt, UNESCO đánh giá cao tính nổi trội của Khu dự trữ sinh quyển của chúng ta so với các Khu sinh quyển khác tại Việt Nam bởi sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, thành phố di sản Hội An luôn phát triển bền vững trên nguyên lý: Bảo tồn cho phát triển và Phát triển để bảo tồn.

Cù Lao Chàm là điểm du lịch thu hút đông du khách khi đến với Hội An
Trong đó, vai trò của cộng đồng cư dân xã đảo Tân Hiệp – vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An được lãnh đạo thành phố và các ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao. Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban quản lý Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An nói: “Đối với Khu DTSQTG Cù Lao Chàm – Hội An, tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tiếp tục ghi nhận những nỗ lực về bảo tồn, phát huy và gìn giữ danh hiệu Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An sau 10 năm được công nhận. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố nói chung, xã Tân Hiệp nói riêng”.

Phiên chợ giới thiệu các sản phẩm OCOP và công nghiệp nông thôn tiêu biểu tại xã đảo Tân Hiệp

          Thực tiễn qua 15 năm được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (2009 – 2024) cho thấy, cộng đồng cư dân và các cấp, các ngành chức năng ở Cù Lao Chàm – Hội An đã nỗ lực, sáng tạo trong các hoạt động bảo vệ, gìn giữ danh hiệu cao quý này. Chính quyền và nhân dân TP.Hội An, đặc biệt là xã đảo Tân Hiệp đã tổ chức nhiều hoạt động và trở thành mô hình hòn đảo không rác thải nhựa đầu tiên của Việt Nam. Ngoài hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, nơi đây đã xây dựng và vận hành thành công cơ sở phục hồi tài nguyên MRF tại thôn Bãi Ông và thôn Bãi Hương. Những doanh nghiệp tại Hội An và Cù Lao Chàm đang dần chuyển đổi đồ nhựa dùng một lần sang đồ tái sử dụng nhiều lần. Tổ tuần tra cộng đồng từ rừng dừa nước Cẩm Thanh đến tiểu khu Bãi Hương – Cù Lao Chàm đã giúp hạn chế việc khai thác trái phép và bảo tồn hiệu quả nguồn giống thủy hải sản. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện nhiều cá nhân, lực lượng đã luôn đồng hành cùng công tác bảo vệ động vật hoang dã, giữ gìn hệ sinh thái và những người lưu giữ, giúp quảng bá những giá trị văn hoá bản địa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đại diện lãnh đạo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, có rất nhiều cá nhân, tổ chức đã đóng góp vào sự thành công chung của danh hiệu này. Tất cả những hành động đó đều xứng đáng được tuyên dương và là nguồn cảm hứng cho công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường và gìn giữ giá trị truyền thống không chỉ ở địa phương mà còn lan tỏa đến cả nước và trên toàn cầu.

            Thực hiện phương châm: “Bảo tồn cho phát triển. Phát triển để bảo tồn”, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và toàn thể nhân dân xã đảo đã đoàn kết một lòng, xây dựng thành công xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Cộng đồng cư dân sinh quyển luôn nêu cao trách nhiệm, thực hiện các hoạt động gìn giữ và phát triển tài nguyên Khu sinh quyển thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và áp lực phát triển kinh tế ngày càng gia tăng. Ông Võ Văn Hiền – người dân xã đảo cho biết, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, bà con nhân dân đã đóng góp ngày công để chỉnh trang các tuyến đường giao thông, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường trong khu dân cư luôn sáng - xanh - sạch - đẹp và an toàn, tham gia phát triển kinh tế để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững, tích cực tham gia xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng Nông thôn mới”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn văn hóa, xã văn hóa, ngày càng văn minh giàu đẹp.

Với vị trí chiến lược quan trọng, quan điểm, phương hướng xây dựng xã Tân Hiệp trong những năm đến là đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển năng động, bền vững trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Kinh tế - xã hội – môi trường phát triển đảm bảo tính bền vững trong mối quan hệ hữu cơ với nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng – an ninh để nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của nhân dân. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng xác định, đối với xã Tân Hiệp, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN thành phố và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Hiệp cũng đã xác định mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. “Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội – an ninh – quốc phòng của xã đảo. Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đó, tôi đề nghị xã Tân Hiệp nhanh chóng khắc phục những tồn tại, khó khăn; phát huy kết quả đã đạt được; động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã đảo giàu, đẹp, giữ gìn môi trường, tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo tiêu chí của vùng lõi Khu DTSQ thế giới”, ông Hùng nói.

Tác giả: ĐỖ HUẤN

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết