Huyện Phuốc Sơn tập huấn lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM
Vùng đồng bào các DTTS chủ yếu là các xã đặc biệt khó khăn không có khả năng phấn đấu đạt chuẩn NTM. Do đó, đối với nhóm xã này, tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của người dân, làm tiền đề để xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong thời gian thích hợp.
Để thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đã ban hành một số cơ chế chính sách đặc thù, lồng ghép việc thực hiện chương trình mục tiêu phát triển kinh tế xã hội miền núi và giảm nghèo bền vững. Ngân sách tỉnh hỗ trợ người dân ở các xã vùng cao khi đạt NTM thôi hưởng các chế độ từ ngân sách Trung ương như: chính sách hỗ trợ đối với trẻ em, học sinh, sinh viên là người DTTS; học sinh khuyết tật đang học tại các cơ sở giáo dục ở tỉnh; hỗ trợ BHYT đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh; cơ chế, chính sách sắp xếp, ổn định dân cư miền núi…
Sự nỗ lực trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ và sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp Nhân dân vùng cao đã thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, nhất là các xã đặc biệt khó khăn. Đến nay, cơ bản các xã miền núi đã có hợp tác xã hoặc tổ hợp tác; các dự án liên kết, dự án cộng đồng giúp dân phát triển kinh tế. Nhiều mô hình du lịch ở miền núi dần được hình thành và phát triển hiệu quả như: mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào; mô hình “Cụm dân cư NTM kiểu mẫu”…Hạ tầng miền núi được đầu tư giúp bà con ổn định cuộc sống. Kinh tế - xã hội miền núi tiếp tục ổn định, phát triển, đời sống Nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực. Văn hóa truyền thống vùng đồng bào các DTTS được bảo tồn và phát triển.
Tính đến cuối tháng 8/2024, bình quân chung số tiêu chí nông thôn mới của tỉnh (193 xã) theo bộ tiêu chí mới 2022-2025 là 16,28 tiêu chí/ xã. Bình quân tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM của 06 huyện miền núi cao dưới 20%; việc duy trì, giữ chuẩn tiêu chí chưa thực hiện được. Huyện Nam Giang vẫn còn trắng xã NTM.
Diện mạo nông thôn mới ở miền núi
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam có 57 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 14 xã nằm trong lộ trình đăng ký đạt chuẩn NTM. Để các xã này đạt chuẩn theo kế hoạch thì cần bố trí nguồn vốn thích hợp, lồng ghép các chương trình ,dự án triển khai trên địa bàn.
Chương trình sẽ góp phần giải quyết những khó khăn tại vùng DTTS và MN nói chung, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng như: Tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Qua đó góp phần giúp các xã đặc biệt khó khăn sớm hoàn thành những tiêu chí khó trong xây dựng NTM như: Nhà ở dân cư, giao thông, thu nhập, tổ chức sản xuất và hộ nghèo.