Bình Đào là xã thuần nông, diện tích đất sản xuất hằng năm trên 750 ha. Mặc dù địa phương đã thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa nhưng trên đồng ruộng vẫn còn nhiều diện tích sản xuất manh mún, các thửa ruộng nhỏ, bình quân diện tích đất canh tác trên một đầu người 400m2 nên khi dồn điền cũng chưa đạt diện tích lớn. Tập quán canh tác, hình thức sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính thủ công, chưa ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu, từ đó chưa tạo nên vùng sản xuất chuyên canh, năng suất thu nhập còn thấp. Đặc biệt từ khi UBND tỉnh Quảng Nam triển khai các dự án trọng điểm vùng Đông, lực lượng lao động nông nghiệp bắt đầu chuyển sang các ngành nghề xây dựng, thương mại dịch vụ. Hiện tượng người nông dân bỏ ruộng hoang, chuyển nhượng ruộng đất để làm những công việc khác có thu nhập cao hơn có xu hướng ngày một tăng.
Xuất phát từ thực tiễn khách quan của địa phương đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phân bổ lao động phù hợp nhằm giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân, Năm 2016, thực hiện chủ trương của UBND huyện Thăng Bình, xã Bình Đào đã tiến hành thí điểm mô hình “Tích tụ, tập trung ruộng đất và liên kết sản xuất” tại thôn Trà Đóa 1. Bước đầu tổ chức thực hiện mô hình gặp không ít khó khăn khi tư tưởng của một bộ phận người dân không muốn giao đất, sợ mất đất, mặc dù không sản xuất nhưng vẫn giữ đất để nhận đền bù; tư duy sản xuất của nông dân còn mang tính truyền thống, tự cung, tự cấp; từ trước đến nay chưa từng góp đất liên kết sản xuất lớn, chưa mạnh dạn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Thêm vào đó, điều kiện thổ nhưỡng, đất đai không thuận lợi, sình lầy, hạ tầng nông nghiệp còn nghèo nàn, chưa được đầu tư kiên cố, ruộng nằm phân tán rải rác rất khó canh tác; việc tổ chức sản xuất còn nhiều yếu tố bất lợi như thời tiết, sâu bệnh, dịch hại xảy ra liên tục... Tuy nhiên, với tiềm năng đất đai, sức sản xuất của địa phương còn nhiều, cùng với sự nỗ lực vào cuộc của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các tổ chức thành viên trong công tác tuyên truyền, vận động, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã đã dần mạnh dạn tham gia thuê đất, tích tụ đất đai gắn với xây dựng các mô hình, dự án liên kết sản xuất; chỉnh trang đồng ruộng, đồng bộ cơ giới hóa trong nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo năng suất cao, tập trung liên kết sản xuất lúa giống và cây Mè – Lạc, trồng sen lấy hạt, sản xuất lúa gạo chất lượng cao, cây dược liệu lá mùng 5. Kết quả, qua 06 năm triển khai thực hiện Đề án đã liên kết sản xuất trên 136,4 ha, doanh thu hằng năm đạt từ 1,4 – 1,6 tỷ đồng/năm, lợi nhuận từ 170 – 190 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 95 lao động và xây dựng được các sản phẩm OCOP 03 sao là sản phẩm chủ lực địa phương như: Dầu mè đen nguyên chất Bình Đào; sản phẩm Nếp Hương Lân Trường Giang; Gạo sạch Trường Giang và Sen Việt.
Những cánh đồng sau tích tụ, tập trung ruộng đất
Từ khi triển khai thực hiện mô hình đã khắc phục tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp, tạo ra những thửa ruộng lớn, nhằm đồng bộ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất như làm đất, cấy bằng máy, thu hoạch, sấy, chế biến được thuận tiện. Bước đầu tạo ra nhận thức trong Nhân dân về một mô hình tổ chức sản xuất mới, sản xuất lớn theo hướng tập trung, hàng hóa có sự liên kết giữa 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Từ đó hình thành việc sắp xếp lao động ngay tại mỗi gia đình ở địa phương, đối với hộ không có nhu cầu làm ruộng thì cho thuê lại đất và chuyển đổi hẳn ngành nghề mới, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo thu nhập ổn định để Nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần tốt hơn./.