Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: bảo vệ, cải thiện môi trường; chủ động, tích cực triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển đất nước nhanh và bền vững. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 về "Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", tiếp tục khẳng định "lấy bảo vệ sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu", "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế". Với định hướng đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong nhiều năm qua.

Hội LHPN tỉnh vừa ra mắt 10 mô hình phân loại rác thải rắn tại nguồn
ở các xã Bình Lâm, Quế Thọ, Thăng Phước và Hiệp Hòa (Hiệp Đức).
Theo kế hoạch, đến cuối tháng 4 năm 2024, Hội LHPN tỉnh sẽ ra mắt 79 mô hình “Chi hội phụ nữ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” với gần 4.000 hội viên tham gia, gồm: Thăng Bình, Quế Sơn, Núi Thành, Hiệp Đức, Nông Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh và Đại Lộc; mỗi phụ nữ tham gia mô hình được hỗ trợ 01 thùng đựng rác 2 ngăn; tổng kinh phí thực hiện hơn 2,2 tỷ đồng (từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội). Được biết, thông qua các buổi truyền thông về bảo vệ môi trường ở các địa phương, phụ nữ và cộng đồng đều chia sẻ: hiện trạng môi trường hiện nay và việc phát huy vai trò của phụ nữ trong vận động thực hiện thu gom, phân loại rác thải không chỉ là mục tiêu bình đẳng giới, mà còn là để sử dụng hiệu quả tư duy, kỹ năng đa dạng, hiệu quả của phụ nữ trong quản lý môi trường và phát triển bền vững; là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, góp phần thực hiện quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn (với 6 điều quy định về việc phân loại, lưu giữ, chuyển giao; chi phí thu gom vận chuyển; xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt).
Đồng thời, thông qua việc ra mắt mô hình, các đồng chí lãnh đạo địa phương đều cho rằng nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã góp phần tích cực thay đổi trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư như mô hình phụ nữ thu gom phế liệu, “biến rác thành tiền”, “phân loại rác thải tại nhà”, “đổi rác thải nhựa mua bảo hiểm y tế”... đã khẳng định vai trò của phụ nữ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và người dân…
Nhằm góp phần thu hút phụ nữ và cộng đồng tham gia công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đóng góp có hiệu quả các mục tiêu về Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thời gian tới các cấp Hội LHPN trong tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ và cộng đồng trong bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng. Tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường; đưa những hành động, việc làm bảo vệ môi trường, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình và toàn xã hội. Phối hợp tổ chức các sự kiện về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ quốc gia Nước sạch-Vệ sinh môi trường (29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm), “Ngày Quốc tế không rác thải ” (30/3 hàng năm). Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng;vv…