Kế thừa, phát huy kết quả thực hiện về xây dựng nông thôn sau ngày giải phóng, nên đã tạo nền tảng vững chắc cho các xã triển khai thực hiện đạt xã nông thôn mới. Đặc biệt trong những năm gần đây, thị xã đã triển khai nhiều đề án mang tính hiệu quả thúc đẩy sản xuất phát triển và hoàn thiện hạ tầng kinh tế như: đề án chuyển đổi cây trồng con vật nuôi; đề án phát triển giao thông nông thôn; đề án kiên cố hóa trường học; đề án phát triển giao thông nội đồng, kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi hóa đất màu; đề án phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với xây dựng hạ tầng nông nghiệp, đô thị Điện Bàn giai đoạn 2022-2026; đề án phát triển Văn hóa – TDTT … Trong quá trình triển khai thực hiện, Nhân dân hưởng ứng, đồng thuận cao và phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ.
Với quan điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, bước vào giai đoạn mới thị xã Điện Bàn đã chỉ đạo các ngành phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam, các Đoàn thể chính trị - xã hội thị xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM, đồng thời thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo, đài, hệ thống trang Fanpage, zalo … để thực hiện công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền, phổ biến cách làm hay, mô hình hiệu quả, các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong xây dựng NTM. Đặc biệt trong năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã đã tham mưu và phối hợp tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu thị xã (Bí thư và Chủ tịch) với Nhân dân 3 xã: Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong để thông báo cho Nhân dân kết quả thực hiện chương trình và lắng nghe Nhân dân góp ý, đề xuất, kiến nghị liên quan đến chương trình; hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam 08 xã tổ chức phát phiếu lấy ý kiến sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng thôn NTM, thôn NTM kiểu mẫu, xã NTM, xã NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao.
Xã Điện Phong đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2022
Kết quả huy động nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn thị xã giai đoạn 2021-2023 là 265.593,79 tỷ đồng. Trong đó: Ngân sách Trung ương: 12.743 triệu đồng, chiếm 4,8%; Ngân sách tỉnh: 33.815 triệu đồng, chiếm 13,7%; Ngân sách thị xã: 13.762,24 triệu đồng, chiếm 5,2%; Ngân sách xã: 32.593,82 triệu đồng, chiếm 12,27%; Vốn lồng ghép: 88.952,28 triệu đồng, chiếm 33,5%; Doanh nghiệp, HTX: 4.069,7 triệu đồng, chiếm 1,5%; Nhân dân đóng góp: 79.567,76 triệu đồng, chiếm 29,95%; Vốn huy động khác: 90 triệu đồng, chiếm 0,08%.
Với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội từ thị xã đến cơ sở trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã có bước chuyển dịch khá tích cực; đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 53,08 triệu (tăng 4,28 triệu đồng/người/năm so với năm 2021 – 48,8 triệu và tăng hơn so với năm 2020 là 10,76 triệu – 42,32 triệu); tỷ lệ hộ nghèo của 08 xã còn 1,01% (giảm 0,09% so với năm 2022, giảm 1,1% so với năm 2021 và giảm 0,4% so với năm 2000 – 1,41%). Diện mạo các xã, thôn có nhiều khởi sắc và chuyển biến theo chiều hướng văn minh, cảnh quan nông thôn ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, chất lượng các phong trào đi vào chiều sâu; Kết cấu hạ tầng thiết yếu tiếp tục được đầu tư; lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường có chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị được củng cố; an ninh trật tự xã hội cơ bản được giữ vững; vai trò chủ thể người dân tiếp tục phát huy. Đến nay có 08/08 xã đạt chuẩn xã NTM, tỷ lệ đạt 100%; 03 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 19 thôn NTM kiểu mẫu và duy trì, nâng chuẩn 44 thôn đã đạt chuẩn “Khu dân cư NTM kiểu mẫu” theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2022-2025. Những kết quả đạt được tạo nền tảng vững chắc cho xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu những năm tiếp theo./.