Chi tiết tin

A+ | A | A-

Mặt trận chung tay xây dựng nông thôn mới

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 21:25 | 17/07/2023 Lượt xem: 2413

Từ đầu năm đến nay, MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận đã triển khai thực hiện có kết quả nội dung trọng tâm của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” (Cuộc vận động) thể hiện qua nhiều công trình, phần việc chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa bàn dân cư được Nhân dân đồng tình ủng hộ.

Ngay từ đầu năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo các cấp ủy đảng tiếp tục triển khai thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh; Mặt trận tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, chủ trì tổ chức tập huấn cho cán bộ Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp; lựa chọn nội dung, tổ chức hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh thực hiện Cuộc vận động với nhiều mô hình, phần việc cụ thể do người dân tại các khu dân cư chung tay thực hiện, đã góp phần nâng cao chất lượng Cuộc vận động trên địa bàn tỉnh.

Trước hết là nội dung đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững được các tổ chức thành viên thực hiện với nhiều hình thức tạo vốn để giúp cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, cải thiện đời sống. Mô hình tiết kiệm vì phụ nữ nghèo của Hội phụ nữ; nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân; các phong trào giúp nhau làm kinh tế của Hội Cựu chiến binh; lập thân, lập nghiệp của Đoàn thanh niên…đã hỗ trợ hàng ngàn hội viên, đoàn viên vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Tại các khu dân cư, thông qua các chi, tổ hội, nhiều mô hình góp vốn quay vòng như đóng bằng lúa theo vụ, gây quỹ bằng tiền… đã tạo nguồn vốn ổn định giúp đỡ đoàn viên, hội viên nghèo có điều kiện phát triển sản xuất.

Bên cạnh phần việc của các tổ chức thành viên, Mặt trận đổi mới phương thức vận động ủng hộ quỹ “Vì người nghèo”, tổ chức đối thoại với hộ nghèo để tìm hiểu hoàn cảnh, nguyện vọng; vận động thay đổi tư tưởng trông chờ, ỷ lại để quyết tâm vươn lên thoát nghèo.

Trong 06 tháng đầu năm 2023,  Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được trên 9 tỷ đồng, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 222 nhà đại đoàn kết. Phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, 1240 Ban Công tác Mặt trận trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động, huy động nội lực từ nhân dân tham gia phát triển kinh tế, chung tay giảm nghèo bền vững; hưởng ứng và tự nguyện tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xây dựng các mô hình tự quản, tự phòng về an ninh trật tự ở cơ sở. Nhiều khu dân cư, Nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia cuộc thi “vườn - tường - đường đẹp" và “Cơ sở vật chất văn hóa đẹp, hoạt động hiệu quả”. Nhiều khu dân cư, Nhân dân bày tỏ sự hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua việc trả lời các câu hỏi đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới của địa phương.

                                    Hội thánh truyền giáo Cao đài (thành phố Hội An) ký cam kết thực hiện mô hình môi trường 

Đối với nội dung đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp được Mặt trận các cấp triển khai thực hiện với nhiều cách làm mới. Từ mô hình điểm do Mặt mặt tỉnh triển khai năm 2022 với nội dung Tôn giáo chung tay xây dựng môi trường xanh- sạch- đẹp” tại Hội thánh Truyền giáo Cao Đài Quảng Nam (phường Tân An thành phố Hội An) và Chùa Phước Quang (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình), đến nay, mô hình đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong Nhân dân và các tôn giáo. Huyện Núi Thành nhân rộng mô hình “Phân loại rác thải tại nguồn” trong đồng bào theo đạo Tin lành. Thị xã Điện Bàn xây dựng mô hình “Thánh thất Cao Đài với tuyến đường tự quản”. Thành phố Hội An triển khai mô hình “Từ đường trang nghiêm; con cháu thảo hiền, cùng nhau phát triển” và phát động xây dựng mô hình “Giảm thiểu rác thải tại cơ sở Tôn giáo”. Huyện Quế Sơn phát động mô hình “Giáo họ tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phong trào chống rác thải nhựa”. Thành phố Tam Kỳ phát động “Tôn giáo chung tay cùng Khu dân cư bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp”. Huyện Phú Ninh, thị xã Điện Bàn tổ chức sơ kết, nhân rộng mô hình “tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường”. …. Tại các cơ sở thờ tự tôn giáo chọn xây dựng điểm về môi trường, các chức sắc, chức việc cam kết thực hiện 03 nội dung trọng tâm gồm: tuyên truyền, vận động gia đình tín đồ tham gia chỉnh trang khuôn viên nhà ở, thực hiện tốt các hoạt động chung tay bảo vệ môi trường. Khuôn viên cơ sở thờ tự xanh -sạch - đẹp, phù hợp với kiến trúc, mỹ quan tại địa phương. Từng bước tuyên truyền, vận động gia đình tín đồ thay đổi thói quen, tập quán việc mai táng sang hỏa táng bảo đảm vệ sinh môi trường.

Bên cạnh việc phát động mô hình trong các tôn giáo, MTTQ Việt Nam các xã, phường, thị trấn đã chủ trì hiệp thương, phân công tác tổ chức thành viên thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận là tuyên truyền (in in băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trực quan; phổ biến nhiệm vụ của MTTQ và cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường trên Đài truyền thanh xã …) và vận động Nhân dân thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải tại nguồn, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Định kỳ hàng tháng, đoàn viên, hội viên tham gia dọn vệ sinh tại các nhà văn hóa, các tuyến đường tự quản, phân loại rác thải, nhất là nơi công cộng, địa điểm tập kết rác thải sinh hoạt…

Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng phấn khởi về vận động Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới thông qua các mô hình phát triển kinh tế; chung tay bảo vệ môi trường, lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh gặp những khó khăn nhất định. Đối với các xã về đích nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 nhưng còn một số tiêu chí cần tiếp tục phấn đấu như đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, xây dựng thiết chế văn hóa…vẫn chưa hòan thiện. Cạnh đó,vệ sinh môi trường nông thôn nhiều nơi còn ô nhiễm, tình hình an ninh trật tự, thu nhập bình quân đầu người khó đạt chuẩn do ảnh hưởng suy giảm kinh tế toàn cầu.

Từ nay đến cuối năm 2023, để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động, Mặt trận các cấp quan tâm chủ trì giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung giám sát việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, nợ đọng xây dựng nông thôn mới; giám sát quá trình bình xét, công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu; việc công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới.


Tác giả: Như Thủy

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết