Anh Nguyễn Quảng Hiệp, sinh năm 1986, quê ở thôn Dương Trung xã Trà Dương huyện Bắc Trà My; tốt nghiệp đại học ngành kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Quy Nhơn vào năm 2011. Sau khi ra trường, anh quyết định về quê hương làm thuê cho một số trang trại trồng trọt, chăn nuôi để từ đó đúc kết kinh nghiệm, quyết định khởi nghiệp tại quê nhà bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.
Tháng 8/2015, với tổng kinh phí ban đầu khoảng 200 triệu để khởi nghiệp, anh đầu tư trồng 2.000 gốc cam, 100 gốc thanh trà, 100 gốc bưởi, 200 gốc quýt và khoảng 4000 con gà trên diện tích đất khoảng 4ha . Anh kết hợp chăn nuôi gà là tận dụng phân bón vi sinh thải ra để bón cho cây và đào ao nuôi cá để có nguồn nước tưới cây thường xuyên, khi thời tiết khô hạn. Đến nay, vườn anh đã lắp ráp trên 30 vòi tưới cây hệ thông tự động, đồng thời việc chăn nuôi gà và cá có được nguồn thu nhập thường xuyên để đầu tư chăm sóc cây ăn quả với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Vườn Cam Sành anh Nguyễn Quảng Hiệp thôn Dương Trung xã Trà Dương
Đến đầu năm 2019, từ hộ kinh doanh gia đình anh mạnh dạn nâng lên thành lập hợp tác xã Phát triển Nông nghiệp Trà Dương.. Được sự quan tâm của các ngành chuyên môn huyện và chính quyền địa phương đã hướng dẫn anh quy trình xây dựng sản phẩm OCOP, đến năm 2020 vườn anh đã cho ra sản phẩm quả cam chất lượng với thương hiệu “Cam Sành Trà Dương” và được UBND tỉnh công nhận 3 sao. Năm 2021, UBND tỉnh tổ chức cuộc thi “Vườn – Tường – Đường đẹp” và vườn của anh Nguyễn Quảng Hiệp đoạt cúp giải nhất phần thi vườn đẹp.
Dự định trong tương lai của anh là tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả, nhất là phát triển cây thanh trà và bưởi da xanh; phát triển thêm sản phẩm “Rượu Cam Sành” chế biến từ trái cam nhằm giải quyết sản lượng cam dư thừa bán ra còn tồn đọng hoặc đề phòng khi giá cam giảm và thu mua thêm quả cam từ bà con nhân dân nhằm mục đích tạo ra chuổi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho một số người dân tại địa phương. Để Hợp tác xã phát triển kinh tế ngày càng bền vững, anh luôn mong muốn được chính quyền địa phương và các cấp quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhất là hỗ trợ vốn, cây con giống, khoa học kỷ thuật, máy móc thiết bị hiện đại, thị trường tiêu thụ (đầu ra sản phẩm), hỗ trợ quảng bá thương hiệu sản phẩm… để hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.