Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát huy vai trò của Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Bắc Trà My trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2025.

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 13:59 | 21/03/2023 Lượt xem: 869

Mục tiêu đến năm 2025 huyện Bắc Trà My phấn đấu thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Trà Giang và Trà Sơn), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện lên 05 xã; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số thôn kiểu mẫu trên địa bàn huyện lên 17 thôn; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện từ 16,92 tiêu chí/xã; Không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Trong các năm qua, dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Huyện uỷ, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, các cấp của hệ thống chính trị trên địa bàn huyện, sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới; kinh tế nông thôn có bước phát triển khá, theo hướng sản xuất hàng hóa và liên kết chuỗi giá trị ngày càng được chú trọng. Tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn huyện giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.856 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương (91 tỷ đồng); ngân sách tỉnh (47 tỷ đồng); ngân sách huyện, xã (22 tỷ đồng); vốn lồng ghép (909 tỷ đồng); vốn tín dụng (708 tỷ đồng); nhân dân đóng góp quy ra tiền (25 tỷ đồng); nguồn huy động khác (54 tỷ đồng).


Xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My đã đạt chuẩn nông thôn mới

Tính đến nay trên địa huyện có 03/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 04/40 thôn thuộc các xã đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn huyện 14,67 tiêu chí/xã; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, đạt 2.591 tỷ, chiếm 37,54% tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm 6,68%; đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao; môi trường nông thôn được bảo vệ và cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự cơ bản được đảm bảo; kết cấu hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Diện mạo nông thôn được thay đổi một cách toàn diện, căn bản, nhất là ở các xã đã đạt chuẩn cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại, hạn chế, nhất là: Sự chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính trị ở một số xã chưa đáp ứng yêu cầu. Các xã sau khi đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, không được đầu tư kinh phí như ở giai đoạn đầu, có dấu hiệu chững lại. Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chưa thật sự sâu rộng, thiếu thường xuyên liên tục và hiệu quả chưa cao; chưa phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì đạt chuẩn sau khi được công nhận chưa cao và thiếu tính bền vững; nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu; một số địa phương còn xem nhẹ trong xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu nên kết quả đạt được còn khá thấp, chưa quan tâm đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm...

Mục tiêu đến năm 2025 về xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện có thêm 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Trà Giang và Trà Sơn), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện: 05 xã; 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 13 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số thôn kiểu mẫu trên địa bàn huyện là: 17 thôn; bình quân chung số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn huyện từ 16,92 tiêu chí/xã; Không còn xã đạt dưới 15 tiêu chí.

Để góp phần cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến 2025 đạt kết quả đề ra, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ huyện đến cơ sở thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, phải làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu rộng các tầng lớp Nhân dân, nhất là chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước liên quan đến chương trình nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, nhất là Nghị quyết số 14-NQ/HU ngày 09/02/2023 của Huyện uỷ Bắc Trà My về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Bắc Trà My, đến năm 2025

Thứ hai, Tiếp tục vận động nguồn lực xã hội để xây dựng các mô hình, nhất là phát triển trong nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống cư dân nông thôn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; đồng thời, tổ chức và hướng dẫn lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM, giúp cho cấp uỷ, chính quyền và các ngành chức năng đánh giá, kiểm chứng kết quả xây dựng NTM ở từng địa phương.

Thứ ba, Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức xây dựng nông thôn mới cho đội ngũ cán bộ, trong đó có Mặt trận các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ Mặt trận ở xã, thôn, những người trực tiếp chỉ đạo vận động Nhân dân tổ chức thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo bộ tiêu chí mới.

Thứ tư, Theo dõi, đề xuất các mô hình tốt, điển hình, cách làm hay có hiệu quả để phổ biến, nhân rộng; đồng thời tổ chức các đoàn công tác học tập các mô hình nông thôn mới ở những địa phương khác đem lại hiệu quả để áp dụng vào tình hình thực tế trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”.

Thứ năm, phát huy vai trò giám sát của người dân ở địa bàn cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” góp phần hạn chế những thất thoát, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng nông thôn mới như đường giao thông, nhà văn hóa…Chú trọng kiện toàn tổ chức, nâng cao kỹ năng giám sát cho Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng các công trình dự án trên địa bàn. Hướng dẫn, chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc cấp xã lựa chọn những nội dung, những chuyên đề giám sát có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tổ chức các cuộc giám sát công trình xây dựng ở cơ sở; giám sát việc huy động và quản lý các nguồn lực phục vụ cho xây dựng nông thôn mới…

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò của các Ban Tư vấn, các vị Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các cộng tác viên, Người có uy tín, già làng, các chức sắc tín đồ tôn giáo…trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới.

Tác giả: Công Hướng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết