Sự đồng thuận của người dân, cùng với các chủ trương đúng đắn và cách làm phù hợp của Chi ủy, Ban nhân dân và Ban Công tác Mặt trận, đã tạo động lực giúp thôn Thi Phương (xã Điện Phong, thị xã Điện Bàn) xây dựng thành công khu dân cư đoàn kết, ấm no và hạnh phúc.
GẮN KẾT CỘNG ĐỒNG
Thôn Thi Phương có diện tích tự nhiên 179 ha, với 453 hộ dân và 1.608 nhân khẩu, chia thành 4 tổ đoàn kết. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi, một số ít hộ kinh doanh dịch vụ nhỏ lẻ. Năm 2020, thôn được công nhận là thôn nông thôn mới kiểu mẫu; năm 2023, đạt danh hiệu thôn thông minh.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Thi Phương, cho biết: “Sau khi có chủ trương xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc do Mặt trận cấp trên phát động, Chi ủy, Ban nhân dân và Ban Công tác Mặt trận thôn đã phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân dân. Phương châm là phát huy sức dân, tập hợp khối đại đoàn kết để xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.”
Nhờ hiểu rõ lợi ích của việc xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và khu dân cư thông minh, người dân đã tích cực tham gia phong trào. Họ tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, di dời hơn 2.200m tường rào kiên cố, hiến hơn 3.400m² đất để mở rộng đường giao thông nông thôn. Đến nay, 100% các tuyến đường, ngõ xóm đã được bê tông hóa, mỗi tuyến đường được giao cho một đoàn thể phụ trách, đảm bảo vệ sinh môi trường và cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Hệ thống đèn chiếu sáng đạt 100%, an toàn và phục vụ tốt các hoạt động về đêm. Tại các ngã ba, ngã tư, nhiều trụ điện được lắp đặt đèn năng lượng mặt trời. Hệ thống truyền thanh phủ khắp các ngõ xóm. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện đạt 100%, không có trẻ em bỏ học. An ninh trật tự được đảm bảo, không xảy ra trọng án; camera an ninh được lắp đặt trên các tuyến đường liên thôn. Ngoài “sức người, sức của” của nhân dân, nhiều người con xa quê cũng đóng góp kinh phí để chỉnh trang hạ tầng, xây dựng các thiết chế văn hóa, tạo diện mạo mới cho quê hương.

Đường vào thôn Thi Phương xã Điện Phong
Ông Nguyễn Thành Xê, người dân thôn Thi Phương, chia sẻ: “Mỗi hộ dân đều tự giác chỉnh trang vườn tược, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan thông thoáng, phân loại và xử lý rác tại nguồn, thực hiện nếp sống văn minh và xây dựng gia đình ‘5 không, 3 sạch’. Mọi người tự nhắc nhau không làm chuồng trại chăn nuôi gần nhà mà đưa ra xa khu dân cư, góp phần gắn kết tình làng nghĩa xóm.”
Hiện nay, thôn có nhà văn hóa khang trang, các thủ tục hành chính được niêm yết dưới dạng mã quét QR, tang ma, hiếu hỉ được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, không linh đình nhiều ngày. Các hủ tục mê tín dị đoan được bài trừ, thay thế bằng những hoạt động tín ngưỡng đậm đà bản sắc truyền thống, gắn kết cộng đồng.
CHUNG SỨC DỰNG XÂY
Về phát triển kinh tế, người dân thôn Thi Phương tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi; thường xuyên ra quân diệt chuột, tuân thủ gieo trồng đúng thời vụ. Nhờ vậy, năng suất nông nghiệp ngày càng cao, các mô hình liên kết như hỗ trợ giống cây, con, góp vốn, chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm… ngày càng lan tỏa. Bên cạnh đó, có hàng trăm lao động trẻ làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, giúp giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho gia đình.
Các đoàn thể thôn Thi Phương tích cực thực hiện các phong trào như “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; “Thanh niên khởi nghiệp”; câu lạc bộ “Thanh niên làm kinh tế”.

Chi hội Cựu chiến binh thôn Thi Phương dọn vệ sinh tại các điểm sinh hoạt cộng đồng.
Hiện nay, mô hình “Vườn ươm cây giống” của thôn đã ươm hơn 4.500 cây giống các loại như chiều tím, mai vạn phúc, cau… để trồng ở khu vực tiểu công viên và dọc các tuyến đường chính. Việc chỉnh trang đường làng, ngõ xóm được nhân dân đồng lòng ủng hộ.
Mọi người, mọi nhà đều tích cực thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh, tuân thủ tốt quy ước, hương ước trong việc cưới, việc tang. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, triển khai từ năm 2000, được đưa vào tiêu chí thi đua hàng năm, nên các gia đình thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, các tộc họ xây dựng “Tộc văn hóa”, các tổ đoàn kết xây dựng “Tổ xuất sắc”. Nhờ vậy, chất lượng “Gia đình văn hóa” ngày càng nâng cao.
Năm 2024, thôn Thi Phương tiếp tục giữ vững danh hiệu “Thôn văn hóa” 13 năm liên tiếp; toàn bộ 453 hộ gia đình đều được công nhận “Gia đình văn hóa”. Các mô hình “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”, “Khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “Dòng họ tự quản”, “Chi hội người cao tuổi không có con cháu vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội”… được đông đảo nhân dân tham gia. Thu nhập bình quân đầu người đạt 68 triệu đồng/năm, toàn thôn chỉ còn 5 hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội.
Ông Nguyễn Dũng, Bí thư Chi bộ thôn Thi Phương, khẳng định: “Thời gian tới, thôn sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, huy động hợp lý các nguồn lực trong dân để xây dựng Thi Phương trở thành miền quê yên bình, đáng sống.”
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Phong, nhận xét: “Chi ủy, Ban nhân dân, Ban Công tác Mặt trận thôn Thi Phương đã phát huy tốt sức dân, hoạt động tích cực, gắn kết các mối quan hệ, gần dân, nắm bắt tâm tư, chia sẻ khó khăn và động viên nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của cấp trên.”