
Ông Trương Cao Nhã
Từ phong trào Hội Học sinh-Thanh niên giải phóng
Những năm 1963 - 1965, phong trào Đồng Khởi dấy lên mạnh mẽ với mục tiêu giải phóng vùng nông thôn bao vây thành thị, đưa mặt trận đấu tranh chính trị vào vùng nội ô hoạt động. Lúc ấy, trường Trần Cao Vân - Tam Kỳ là trường cấp tỉnh có số lượng lớn học sinh trí thức, nên Tỉnh ủy Quảng Nam chỉ đạo cài cắm cơ sở hợp pháp vào đội ngũ thầy giáo và học sinh đệ nhị cấp xây dựng tổ chức Hội Thanh niên, học sinh giải phóng của trường làm nòng cốt hoạt động khi có thời cơ vùng lên đấu tranh chính trị.
Cậu thiếu niên Trương Cao Nhã cùng với một số học sinh yêu nước xung kích tham gia vào tổ chức này. Với vai trò Ủy viên Ban chấp hành phân hội Quảng Tín, Hội liên hiệp sinh viên, học sinh giải phóng Quảng Đà. Ngày 19.8.1963, ông chịu trách nhiệm sẽ nhận rải truyền đơn trên tuyến đường từ ngã ba Kỳ Phú đến Tam Kỳ, còn bạn ông - Nguyễn Văn Tích thì chịu trách nhiệm rải từ ngã ba Kỳ Phú xuống Tam Ấp. Ông và bạn dùng phương pháp “Chử đậu nhiên đậu ky” tức là “dùng củi đậu để đun hạt đậu, dùng địch để đánh địch”. Ông lợi dụng tên T- một tên ác ôn khét tiếng, để vào ra dễ dàng. Ông nhớ lại “Đêm hôm ấy trời tối, người vắng, đến khoảng đường giữa cầu 1 và cầu 2 Kỳ Phú, ông bắt đầu hành động, miệng nói chuyện bâng quơ, hai tay lồng vào túi quần đẩy lần lần từng tập truyền đơn với nội dung “Hồ Chủ Tịch muôn năm !”, “Đả đảo đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước !”, “Tinh thần ngày 19/8 và ngày 2/9 bất diệt”, “Hỡi anh em binh sỹ, sỹ quan quân đội Sài Gòn hãy bỏ hàng ngũ trở về với nhân dân”…
Ông và nhiều bạn học sinh, sinh viên, thanh niên khác cũng cảm thấy sự nguy hiểm, hy sinh, bắt bớ, tù đày có thể xảy ra. Nhưng với lòng dũng cảm, nung nấu ý chí để vượt qua thử thách khó khăn, dẫn đến thành công. Từ ở độ tuổi thanh xuân ấy đã làm nên thành công, tuy không lớn nhưng ông cảm thấy phấn khởi, sung sướng nhất là đêm rải truyền đơn ở thị xã Tam Kỳ và ngày bọn địch đưa chàng thanh niên ra Tòa xét xử…
Vào tháng 10 năm 1965, cơ sở cách mạng hợp pháp trong Hội Học sinh -Thanh niên bị lộ, bọn trình báo cảnh sát F đặc biệt của tỉnh Quảng Tín điều tra bắt ông và một số học sinh của trường trong đó có ông Đỗ Hùng Luân cùng địa phương. Bọn địch tra tấn ông và các bạn của ông hết sức dã man, truy bức nhiều vấn đề về tổ chức Hội Học sinh -Thanh niên giải phóng thành lập tại trường. Đồng thời khảo tra xét hỏi về vụ cộng sản rải truyền đơn đường cầu Kỳ Phú vào tháng 8 năm 1963 mà chúng nghi là Nguyễn Văn Tích là người thực hiện sự vụ này (Sau này Nguyễn Văn Tích hy sinh). Bằng các biện pháp tra tấn rồi đến dụ dỗ nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối “Tôi không biết gì về vụ rải truyền đơn này”.
Ông nhớ lại, “Cuối tháng 12 năm 1965, bọn địch đưa tôi và số đông bạn học bị bắt ra Tòa án Huế để xét xử. Bọn quan tòa nặng giọng xét hỏi tôi:
- Tại sao mày biết tổ chức này ở nhà trường mà không tố cáo?”
Tôi dõng dạt trả lời:
- Tôi có quen với Đỗ Hùng Luân nhưng tôi không biết gì về tổ chức này. Các ông xem bản cung của tôi, tôi đã nói tôi không biết tổ chức này lấy đâu tố cáo”.
Bọn Hội đồng xét xử thấy thất lý không ghép tội được tôi, bọn chúng thằng nào cũng hằm hằm đỏ mặt, tên chủ tòa đập bàn quát mắng:
- Mày tham gia tổ chức này mà mày nói không biết. Mày là thằng ngoan cố.
Tôi bực tức nói to lên:
- Lúc đó tôi chưa biết nếu tôi biết như bây giờ tôi sẽ hoạt động tích cực cùng tổ chức này góp phần đánh đổ đế quốc cùng bọn tay sai giành lại độc lập và tự do cho dân tộc.
Tôi phát biểu vừa dứt thì tiếng hô khẩu hiệu vang lên từ các đồng chí đứng dưới vành móng ngựa hô vang hai lần:
- “Đả đảo đế quốc Mỹ và bọn tay sai!”. Ngay lúc đó tiếng chuông tòa reo lên và lập tức lính bảo vệ dùng dùi cui trấn áp và còng tay chúng tôi, áp lên xe bịt bùng đưa về lại nhà giam”.
Từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 2 năm 1968, gần 3 năm trong nhà lao Quảng Tín, Thừa Thiên Huế ông giữ một lòng trung kiên với cách mạng. Trong tù ông sáng tác nhiều bài thơ để động viên bạn tù, để tuyên truyền đường lối cách mạng…Ông nhớ mãi ngày 28.10.1965, sau khi bị địch bắt và đánh đập tra khảo, bọn quản tù đưa ông vào xà lim, ông tự làm bài thơ để xác định tư tưởng cho mình “Tay tao bị bọn bay còng/Chân tau bị bọn bay xích/Nhưng sợ gì đâu/Bọn chúng bay là địch/Tao là tao/Mong bình yên, đất nước quê nhà/Non sông liền dãy, phận ta yên lòng/Dù cho chân xích tay còng/Trung thành theo Đảng, với dân một lòng/Mai ngày hết đục đến trong/Nước nhà thống nhất, non sông nối liền/Tránh đâu hỡi kẻ xích xiềng/Ta đây làm chủ, mọi miền tự do”.
Đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần
Ra tù ông tham gia quân giải phóng, bị thương, được đưa ra Bắc điều trị. Học bổ túc văn hóa, học đại học nông nghiệp, công tác tại Cục cây lương thực, công ty chuyên doanh rau quả Trung ương. Đất nước thống nhất, ông về công tác tại huyện Thăng Bình giữ nhiều chức vụ quan trọng như huyện ủy viên, Trưởng Ban kế hoạch - quy hoạch huyện; Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban nông - lâm - ngư - thủy lợi - kinh tế mới; Phó Chủ tịch huyện, phụ trách khối kinh tế; Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Thăng Bình…
Một bước ngoặt lớn của cuộc đời ông, năm 1986 ông được lệnh làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Cam-pu-chia. Trong gần 3 năm với cương vị Bí thư Đảng ủy - Phó Đoàn chuyên gia Cam-pu-chia với nhiệm vụ giúp bạn ổn định tổ chức, phát triển kinh tế, từng bước xây dựng một số công ty, xí nghiệp, trang trại trên đất bạn. Ông đã cùng đồng đội, đồng chí viết thêm trang sử vẻ vang của hai dân tộc, làm giàu thêm mối quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia mối quan hệ lịch sử, truyền thống, láng giềng thân thiết.
Năm 1988 ông về nước, được phân công nhiệm vụ đóng chân ở địa bàn Trà My, với nhiệm vụ Đảng giao là Phó Bí thư, Bí thư Đảng ủy xí nghiệp, Phó Giám đốc, Giám đốc xí nghiệp liên hiệp lâm, nông, công nghiệp Trà My (Ban Tài chính Quản trị TW Đảng), sau này đổi tên thành Lâm trường suối Trưu. Nhớ lại một thời sẵn sàng lên rừng, xuống biển hoặc đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Môi trường công việc, điều kiện công tác, khí hậu hoàn toàn khác nhau, bởi công việc của xí nghiệp liên hiệp lâm, nông, công nghiệp vừa phải thiết kế trồng rừng, thiết kế khai thác, thiết kế đường vận xuất, vận chuyển, thiết kế tu bổ, khoanh nuôi, rừng phòng hộ, vừa phải điều tra thổ nhưỡng, khí hậu, động thực vật... Khối lượng công việc rất lớn khai thác hàng triệu mét khối gỗ tròn để xây dựng các công trình phúc lợi và xuất ra nước ngoài thu ngoại tệ góp phần làm giàu cho đất nước; trồng được hàng nghìn héc ta rừng nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc tạo môi trường sinh thái.
Mười năm sau, ông được trở về phố công tác tại Sở Tư Pháp Quảng Nam với nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh. Về nghỉ hưu nhưng không nghĩ việc, tiếp tục đảm đương nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Tù yêu nước của tỉnh, Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam tỉnh Quảng Nam. Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng cao quý như Huy Hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, Kỷ niệm chương vì sự nghiệp quốc tế…Nhưng một điều đáng tự hào hơn, dù ở nhiều cương vị nào, ông vẫn giữ vững bản chất của người tù yêu nước, người lính cụ Hồ gương mẫu, đoàn kết, liêm khiết, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng giao phó, được đồng chí và Nhân dân yêu mến.
Nếu không nhắc về người bạn đời của ông đó là thiếu sót lớn, năm 20 tuổi ông lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhân, lúc ấy bà là cơ sở cách mạng hợp pháp vùng đông Bắc Tam Kỳ. Cưới nhau được mấy ngày, ông bị địch bắt giam, giam tận ở nhà lao Thừa Thiên Huế, bà vừa hoạt động cách mạng, vừa phải dè chừng đối phó với bọn ngụy quân, ngụy quyền luôn dòm ngó, ve vãn bà, vì có người thân theo cộng sản và là người có nhan sắc. Năm 1972, bà cũng bị địch bắt giam ở nhà lao Hội An, một năm, 6 tháng bà mới được tự do. Bà chung thủy chờ chồng, đến 11 năm sau hai vợ chồng mới gặp lại trong niềm vui chung của dân tộc - Ngày 30.4.1975.
Nhưng rồi, ông lại phải triền miên xa nhà, có lúc gần năm không gặp mặt vợ con. Bà lại thay chồng vừa công tác xã hội, nuôi nấng các con khôn lớn, trưởng thành. Ông luôn căn dặn các con phải sống đẹp và có ích xã hội, và hạnh phúc thay, noi gương, tiếp bước cha mẹ, dù ở lĩnh vực nào giáo viên, công an, bộ đội …họ cũng luôn tận hiến cho đời.
Hồi ức những tháng ngày tươi đẹp vẫn còn nguyên vẹn trong ông, vì vậy ông cho rằng “Không bao giờ quên được, không bao giờ được phép quên những năm tháng trong gian nguy, thử thách nhưng đẹp đẽ, những năm tháng cắp sách đến trường vừa lo học tập vừa hăng hái hoạt động trong Hội Liên hiệp thanh niên, học sinh, sinh viên giải phóng Nam Trung Bộ và những ngày ở tù Mỹ ngụy, chiến đấu kiên cường, luôn nhớ về đồng đội, đồng chí, không ít người tài năng đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn quá trẻ”.