“Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội trên địa bàn huyện Thăng Bình và Phước Sơn” - đó là một trong nhiều nội dung được quan tâm, thảo luận, phân tích, trao đổi, đánh giá giữa Đoàn Kiểm tra của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương tại đợt kiểm tra chuyên đề về công tác giám sát và phản biện xã hội trên (GS&PBXH) trên địa bàn huyện Thăng Bình và Phước Sơn.
Theo đó, tại buổi làm việc cùng các địa phương, trong nhiều nội dung cần trao đổi về: tổ chức biên chế, đội ngũ làm công tác Mặt trận, tổ chức CT-XH; công tác phối hợp của chính quyền và MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH cùng cấp; việc chủ động triển khai thực hiện công tác GS&PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; việc phân bổ kinh phí cho hoạt động GS&PBXH; việc kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện GS&PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH các cấp...Đoàn công tác quan tâm đề cập nhiều đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đối với hoạt động GS&PBXH, nhấn mạnh về trách nhiệm việc tiếp thu, trả lời, giải trình của cấp uỷ, chính quyền đối với những kiến nghị sau GS&PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH ở địa phương...
Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Phước Sơn
Tại huyện Thăng Bình và Phước Sơn, nhận thức rõ ý nghĩa quan trọng của hoạt động GS&PBXH của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH, ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, cấp uỷ cấp huyện đã tập trung lãnh đạo triển khai, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện tại địa phương, cụ thể: Huyện uỷ Thăng Bình và Phước Sơn đã ban hành các Chỉ thị, Thông tri về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI); Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư; Quy định về trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân; Chỉ thị về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH...Đồng thời cấp uỷ của 02 địa phương đã tổ chức nghiêm túc việc học tập, quán triệt góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức CT-XH và Nhân dân trong việc GS&PBXH; từ đó tạo sự thống nhất về phương pháp, cách thức triển khai thực hiện.
Quang cảnh buổi giám sát tại huyên Thăng Bình.
Hằng năm, trên cơ sở đề xuất của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp và qua tình hình thực tế tại địa phương, những vấn đề bức xúc trong Nhân dân...Cấp uỷ các cấp chỉ đạo, định hướng, thống nhất các nội dung cần giám sát trong năm của Ủy ban MTTQ Việt Nam với các tổ chức CT-XH cùng cấp. Ngoài ra, tổ chức sơ kết 03 năm, 05 năm việc triển khai, thực hiện; qua đó, kịp thời phát huy ưu điểm và chỉ đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm để có giải pháp tiếp tục thực hiện đạt kết quả trong thời gian đến.
Căn cứ quy định của về trách nhiệm tiếp thu, giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị sau GS&PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam, theo đó, các cấp ủy, chính quyền các cấp nghiêm túc tiếp thu, giải quyết, trả lời hoặc lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, cơ quan chức năng xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản, một số ít nội dung được tiếp thu, trả lời trực tiếp tại các họp giao ban, họp định kỳ... Cụ thể, theo báo cáo, trong 05 năm (2019-2024), huyện Thăng Bình: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát 401 cuộc (cấp huyện: 19 cuộc; cấp xã: 382 cuộc), sau giám sát ban hành 401 văn bản kiến nghị, qua đó cấp huyện có 19/19 văn bản kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt tỷ lệ 100%; cấp xã có 367/382 văn bản kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt 96%; tổ chức 144 cuộc PBXH (cấp huyện: 32 cuộc; cấp xã: 112 cuộc), sau phản biện có 136/144 văn bản tổng hợp kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt tỷ lệ 94%. Huyện Phước Sơn: Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức giám sát 94 cuộc (cấp huyện: 19 cuộc; cấp xã: 75 cuộc), sau giám sát ban hành 94 văn bản kiến nghị, cấp huyện có 19/19 văn bản kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt tỷ lệ 100%; cấp xã có 60/75 văn bản kiến nghị được tiếp thu, trả lời, đạt tỷ lệ 80%; tổ chức 28 cuộc PBXH (cấp huyện: 09 cuộc; cấp xã: 19 cuộc), sau phản biện có 100% văn bản tổng hợp kiến nghị được trả lời.
Qua kết quả công tác GS&PBXH của MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình và Phước Sơn, chủ trì tại các buổi làm việc - Ông Lê Trí Thanh ghi nhận và đánh giá cao về những nổ lực của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức CT-XH của 02 địa phương đối với công tác này; đồng thời nhấn mạnh về tầm quan trọng của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện các nhiệm vụ này tại địa phương, ông khẳng định: ở địa phương nào, có sự quan tâm, tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của cấp ủy và chỉ khi thực hiện GSP&PBXH dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp của chính quyền, thống nhất của đoàn thể chính trị-xã hội thì địa phương đó mới có thể tập trung tiềm lực, phát huy hết khả năng để thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao nhất công tác GS&PBXH.