Khảo sát có vai trò quan trọng trong quá trình giám sát. Do đó, khi lập kế hoạch giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng nhiệm vụ khảo sát và xác định đó là công đoạn cần thiết để Đoàn Giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức thực hiện trước khi tiến hành giám sát. Trên cơ sở đó, nội dung khảo sát phải bám sát trọng tâm giám sát để đạt hiệu quả cao nhất.
Trong tháng 10/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh ban hành và triển khai thực hiện 02 nội dung giám sát chuyên đề về việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch giám sát, trước khi làm việc tại các đơn vị, địa phương được giám sát, Đoàn Giám sát đã tiến hành khảo sát thực tế, bước đầu có được những thông tin, tình hình thực tiễn trong việc thực hiện các chuyên đề giám sát nêu trên. Theo đó, Đoàn Giám sát tổ chức khảo sát tại 08 địa phương cấp xã, thị trấn thuộc 04 huyện, thành phố, cụ thể: Đối với chuyên đề giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đoàn Giám sát tổ chức khảo sát trực tiếp tại 08 xã, phường gồm: Tân Thạnh, Tam Thăng (thành phố Tam Kỳ); Đại Lãnh, Đại Thắng (huyện Đại Lộc); đối với chuyên đề việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, khảo sát tại các xã: Tam Thái, Tam Dân (huyện Phú Ninh); Tiên Cảnh, Tiên Lộc (huyện Tiên Phước).
Khảo sát việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
tại UBND phường Tân Thạnh, thành phố Tam Kỳ
Khảo sát việc thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã Tam Thái, Tam Đại huyện Phú Ninh
Việc tiến hành khảo sát giúp Đoàn Giám sát có cách nhìn tổng quan hơn về vấn đề đang giám sát, thu thập được nhiều thông tin khác trên mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều thông tin đa chiều của vấn đề cần giám sát, đặc biệt là những vấn đề thực tiễn, những khó khăn tại cơ sở trong quá triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Theo đó, những vấn đề thu thập tại địa phương khảo sát, là cơ sở để Đoàn Giám sát căn cứ báo cáo, kiến nghị sau giám sát, nhất là những kiến nghị đối với UBND cấp huyện về việc nghiên cứu, quan tâm xem xét, giải quyết những khó khăn, hạn chế tại địa phương mình, cụ thể như: Chỉ đạo thống nhất lịch tiếp công dân định kỳ (cụ thể 04 ngày/tháng) đối với Chủ tịch UBND cấp xã để đảm bảo quy định số ngày tiếp công dân định kỳ theo Luật Tiếp công dân và nhằm tránh trường hợp đến ngày tiếp công dân định kỳ (theo lịch riêng của mỗi địa phương) vì lý do khách quan, bất khả kháng như: Huyện uỷ, UBND huyện triệu tập họp, bản thân đồng chí Chủ tịch UBND xã bị ốm hoặc trường hợp bất khả kháng khác không thể trực tiếp tiếp công dân, trong khi người dân theo lịch (đã được thông báo trước đó) đến trụ sở tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, dẫn tới phải phân công uỷ quyền cho cấp phó tiếp; quan tâm bố trí địa điểm tiếp công dân cấp xã; về cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động tiếp công dân ở cấp xã; kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo cấp xã đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng, tránh việc thường xuyên biến động đội ngũ này; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...
Qua khảo sát cũng cho thấy, đôi khi những hạn chế, khó khăn (liên quan đến vấn đề cần giám sát) tại cấp xã được Đoàn Giám sát chỉ ra tại buổi giám sát đối với cấp huyện, thành phố được lãnh đạo UBND cấp huyện, thành phố nhìn nhận thiếu sót trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện và nghiêm túc rút kinh nghiệm sửa đổi, khắc phục trong thời gian đến. Đây là một yếu tố quan trọng giúp hiệu quả, hiệu lực giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được nâng lên rõ rệt.
Từ ngay nhiệm kỳ trước (2019-2024), việc khảo sát trực tiếp tại các đơn vị, địa phương, tổ chức (hợp tác xã, doanh nghiệp) và cá nhân (nhóm hộ, hộ kinh doanh)... phù hợp với từng chuyên đề trước khi tiến hành giám sát đã được lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện trong các chuyên đề như: việc thực hiện pháp luật thuế và các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện quy định của pháp luật về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện; việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo phản ánh, kiến nghị của công dân... Vì vậy, kinh nghiệm cho thấy, để đảm bảo thực hiện tốt công tác khảo sát phục vụ hoạt động giám sát thì việc xây dựng kế hoạch giám sát cần xác định mục đích, nội dung, hình thức, phạm vi và đối tượng khảo sát...phải phù hợp và cần thiết, bám sát nội dung giám sát.