Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giám sát kết quả triển khai công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 12:16 | 12/10/2024 Lượt xem: 132

Từ ngày 08/10 đến ngày 12/10/2024, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì giám sát chuyên đề về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 10/02/2022 của Tỉnh ủy Quảng Nam về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 21).

Thành phần Đoàn giám sát gồm Ban Tuyên giáo -Tổ chức- Dân tộc- Tôn giáo cơ quan Uỷ ban MTQ Việt Nam tỉnh, mời đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Sở Nội vụ và Ban Dân tộc tỉnh, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân tộc- tôn giáo Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia. Ông Nguyễn Văn Mau- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn Giám sát.

Theo kế hoạch, Đoàn tổ chức giám sát trực tiếp tại UBND huyện Nam Giang, UBND huyện Bắc Trà My, Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh uỷ; giám sát thông qua báo cáo đối với UBND các huyện miền núi cao Tây Giang, Phước Sơn, Đông Giang và Nam Trà My. Nội dung giám sát về kết quả công tác cán bộ đối với cán bộ, công chức người DTTS trong khối chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã của 6 huyện miền núi cao trên địa bàn tỉnh.


Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Nam Giang

Nghị quyết 21 của Tỉnh uỷ ban hành triển khai thực hiện giai đoạn 2022 – 2025, đến nay còn chưa đầy một năm nữa là tổng kết giai đoạn, mục đích giám sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh là để lắng nghe phản ảnh của các địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết gặp những thuận lợi, khó khăn bất cập gì, từ đó có kiến nghị sát đúng để xây dựng chính sách phù hợp, đáp ứng với đặc thù, nguyện vọng của đội ngũ CBCC người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.


Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Bắc Trà My

Nhiều chính sách được quan tâm

Qua báo cáo của các địa phương, công tác cán bộ đối với người dân tộc thiểu số lâu nay luôn được cấp uỷ, chính quyền quan tâm. Đến nay, nhìn chung tình hình đội ngũ người dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi đã có những chuyển biến tích cực, số lượng và chất lượng không ngừng được nâng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang, qua 3 năm triển khai Nghị quyết 21, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cụ thể như chỉ tiêu người DTTS tham gia cấp uỷ cấp huyện đạt 62,5% (vượt 12,5%), chỉ tiêu CBCC người DTTS là cán bộ quản lý cấp phòng đạt 38,70% (vượt 3,7%), số lượng công chức làm việc tại Phòng Dân tộc đạt 80% (vượt 30%).

Các chính sách đặc thù dành cho CBCC người DTTS cũng được tỉnh quan tâm nhằm tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn cho CBCC người DTTS.

Bà Trần Thị Kim Hoa- TUV, Giám đốc Sở nội vụ cho biết: Với trách nhiệm của cơ quan chuyên môn, Sở Nội vụ đã tham mưu nhiều văn bản quy định chính sách đối với CBCC,VC nói chung và đối với CBCC người DTTS nói riêng cụ thể như chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, chế độ sinh hoạt phí khi CBCC,VC luân chuyển, điều động... Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc bồi dưỡng CBCC,VC người DTTS của các địa phương bằng hình thức biệt phái về làm việc tại các sở, ban ngành của tỉnh theo Đề án số 10-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, giúp CBCC,VC người DTTS trang bị những kiến thức chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm trong xử lý công việc ở cường độ cao để sau này khi về lại địa phương đảm nhận những vị trí công tác quản lý cao hơn. Năm 2023, Sở Nội vụ cũng đã tham mưu tổ chức kỳ thi tuyển dụng CBCC,VC dành riêng cho người DTTS.

Cũng theo báo cáo của phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ, hiện nay Sở cũng đang hướng dẫn và giao nhiệm vụ cho các địa phương rà soát, đăng ký nhu cầu đào tạo giáo viên đối với người DTTS, giao Sở Giáo dục- Đào tạo làm việc với Trường Đại học Quảng Nam đặt hàng đào tạo đội ngũ giáo viên là người DTTS địa phương nhằm ổn định số lượng cũng như có sự tâm huyết giảng dạy lâu dài tại địa phương.

Cùng với đó, công tác quy hoạch tạo nguồn cũng được các địa phương chú trọng, bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh- Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My khẳng định: Ban Thường vụ Huyện uỷ thường xuyên chỉ đạo rà soát, bổ sung, xây dựng quy hoạch CBCC,VC người DTTS vào cấp uỷ, Ban Thường vụ, các chức danh Trưởng, phó phòng và tương đương giai đoạn 2021-2025 đảm bảo tỷ lệ đề ra của Nghị quyết, trong đó quan tâm đến tỷ lệ trẻ và nữ, từ đó đào tạo, bồi dưỡng để có nguồn đề bạt, bổ nhiệm.

Là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ông Cao Thanh Hải – TUV, Phó Ban Tổ chức Tỉnh uỷ cũng đã nêu lên những nỗ lực của Ban tổ chức Tỉnh uỷ cùng với Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu nhiều chính sách, đặc biệt là chính sách thi tuyển nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người DTTS có cơ hội thi tuyển vào các cơ quan nhà nước, góp phần đạt chỉ tiêu Nghị quyết 21 đề ra.


Đoàn giám sát làm việc tại Sở Nội vụ

Khó khăn từ thực tế

Mặc dù các địa phương luôn quyết tâm phấn đấu, tạo mọi điều kiện để phát triển nguồn CBCC,VC người DTTS có đủ năng lực đáp ứng các vị trí việc làm tại địa phương. Nhưng qua thực tế, trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn, bất cấp, dẫn đến tỷ lệ đạt được còn thấp so với Nghị quyết đề ra, đặc biệt là vị trí cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My Nguyễn Thị Tuyết Thanh chia sẻ: Mặc dù con số CBCC,VC người DTTS đưa vào quy hoạch đạt tỷ lệ. Tuy nhiên khi rà soát để chọn trong số đội ngũ cán bộ quy hoạch để bổ nhiệm vào các vị trí quản lý thì không đạt được mục tiêu như mong muốn bởi lý do trình độ chuyên môn không đáp ứng với vị trí việc làm. Hầu hết CBCC,VC người DTTS được đào tạo từ các ngành thuộc xã hội- nhân văn, rất ít và thậm chí là không có người được đào tạo từ các chuyên ngành. Vì vậy các vị trí cần chuyên ngành về tài chính, công nghệ thông tin, địa chính, quản lý đất đai không thể có CBCC là người DTTS đảm nhận, từ đó khó thực hiện một số chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Ông Huỳnh Tấn Sâm- Nguyên Bí thư Huyện uỷ Bắc Trà My cho rằng nguyên nhân cốt lõi của khó khăn hiện nay tại địa phương là do lớp trẻ người DTTS chưa tự giác phấn đấu, năng nỗ vươn lên trong học tập để nâng cao năng lực chuyên môn thì làm sao đảm nhận được những vị trí quản lý trong các cơ quan Nhà nước. Mặc dù người DTTS đã có ưu tiên về điểm số (cộng 5 điểm) trong tuyển dụng CBCC,VC nhưng các em người DTTS cũng không thể cạnh tranh nổi với các em đồng bằng.

Bên cạnh đó khung biên chế từ tỉnh đến xã phải bóp lại theo lộ trình tinh giản biên chế; quy định tăng tuổi nghỉ hưu; kinh phí hỗ trợ đào tạo dự bị đại học, đại học, sau đại học đối với người DTTS thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo nội dung 2, Tiểu dự án 2 của Dự án 5 khó thực hiện… cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả triển khai Nghị quyết.

Ngoài những khó khăn nêu trên, cũng cần nhìn nhận đúng vấn đề hiện nay chính các địa phương miền núi cũng chưa mặn mà, quan tâm đến công tác tuyển dụng người DTTS, chưa định hướng đúng ngành cho các em trong quá trình học tập dẫn đến khi ra trường bằng cấp không phù hợp với vị trí việc làm, lãng phí nhân lực.


Đoàn giám sát làm việc tại Ban Tổ chức Tỉnh uỷ

Để triển khai Nghị quyết đạt được kết quả, trong thời gian đến Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành của tỉnh, người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền địa phương hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nêu gương trong việc tuyển dụng CBCC người DTTS theo tinh thần Nghị quyết. Với vai trò tham mưu, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ sẽ tiếp tục nghiên cứu tham mưu Tỉnh uỷ có văn bản chỉ đạo để công tác cán bộ đối với người DTTS ngày càng được quan tâm hơn, toàn diện hơn. Đó là ý kiến của ông Phan Văn Bình- TUV, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh uỷ,

Ông Đặng Tấn Phương - Phó trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ căn cứ vào chỉ tiêu, lộ trình tuyển dụng CBCC,VC người DTTS của các sở, ban, ngành đã đăng ký để làm cơ sở xét duyệt hồ sơ thi tuyển đối với người TDTS; nên nghiên cứu có chính sách đặc thù riêng đối với CBCC,VC người DTTS để thể hiện sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đối với CBCC,VC người DTTS.

Qua giám sát tại các địa phương và cơ quan tham mưu, quản lý về công tác cán bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nguyễn Văn Mau ghi nhận những nỗ lực, sự quan tâm đồng thời chia sẻ với những khó khăn, áp lực của cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện Nghị quyết. Ông mong muốn trong thời gian đến, các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan chuyên môn tích cực quan tâm hơn nữa về công tác cán bộ đối với người DTTS, nghiên cứu tham mưu các chính sách đảm bảo điều kiện để CBCC,VC người DTTS có thêm động lực phát triển về năng lực và yên tâm công tác.

Từ những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, sau giám sát Đoàn công tác tổng hợp báo cáo và tiếp tục tham mưu Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh có kiến nghị với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng chính sách hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới nhằm tạo điều kiện phát triển đội ngũ CBCC,VC người DTTS đảm bảo số lượng và chất lượng./.

Tác giả: CHÂU THỊ HẬU

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết