Chi tiết tin

A+ | A | A-

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam - Chủ động, tích cực thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 14:06 | 06/09/2024 Lượt xem: 269

Giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là hoạt động đột phá của công tác Mặt trận trong giai đoạn hiện nay. Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh Quảng Nam đã phát huy vai trò chủ động, tích cực, không ngừng đổi mới công tác giám sát và phản biện xã hội (GS, PBXH) đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo chất lượng, hiệu lực và hiệu quả.

Căn cứ quy định của Đảng, Hiến pháp và pháp luật về GS, PBXH, MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động tham mưu Tỉnh ủy ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giám sát và phản biện xã hội. Chủ động đề xuất, kiến nghị UBND, HĐND tỉnh ban hành quy định, nghị quyết bảo đảm kinh phí cho hoạt động GS, PBXH của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Tích cực phối hợp cùng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh; với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên hiệp thương thống nhất xây dựng kế hoạch GS, PBXH hằng năm. Qua đó, làm rõ hơn vai trò chủ trì của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tránh chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng giám sát. Trong quá trình thực hiện, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; “tranh thủ”, đề cao kinh nghiệm, vai trò tư vấn và phản biện của các hội đồng tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong từng lĩnh vực liên quan để thực hiện nhiệm vụ này.

Để có căn cứ, cơ sở tổ chức thực hiện hiệu quả công tác GS, PBXH, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung và ký kết các quy chế, chương trình phối hợp với các cơ quan liên quan cùng cấp. Trong đó, đã ký kết 04 quy chế phối hợp, nghị quyết liên tịch với UBND, HĐND, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và hơn 10 chương trình phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan liên quan; chủ động tham mưu Tỉnh uỷ ban hành quy chế phối hợp giữa Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ với Đảng đoàn Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng.

Chủ động đề ra và thực hiện theo phương châm (4C): “Chủ động - Cụ thể - Chặt chẽ - Chất lượng”, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã linh hoạt, đổi mới, mở rộng nội dung và phương thức thực hiện GS, PBXH; lựa chọn nội dung GS, PBXH xuất phát từ những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; xây dựng đề cương, biểu mẫu cụ thể, chi tiết; mời thành phần tham gia các đoàn GS, PBXH gồm những chuyên gia, người có chuyên môn sâu, am hiểu luật pháp và có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn...

Trong 10 năm qua (2014 đến tháng 6/2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động, chủ trì tổ chức 4.276 đoàn giám sát chuyên đề (cấp tỉnh chủ trì 53 cuộc), tham gia giám sát với các cơ quan liên quan 17.968 cuộc (cấp tỉnh chủ trì 216 cuộc). Sau giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ban hành 4.276 văn bản kiến nghị gửi đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương có liên quan xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định. Đồng thời theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát và đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân không giải quyết hoặc giải quyết không đúng quy định của pháp luật.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động lựa chọn, đăng ký nội dung và chủ trì tổ chức 976 hội nghị phản biện xã hội (cấp tỉnh chủ trì 22 cuộc) đối với các dự thảo có nội dung liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương… góp phần làm sáng tỏ sự cần thiết, sự phù hợp, tính khả thi và hiệu quả của dự thảo văn bản, làm cơ sở, căn cứ quan trọng để cấp ủy, HĐND và UBND các cấp tham khảo trước khi quyết định thông qua.

Từ sự chủ động và tích cực, các hoạt động GS, PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng, được cấp uỷ Đảng, cơ quan Nhà nước và các ngành ghi nhận, Nhân dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng. Trong đó kể đến kết quả tiếp thu, phản hồi, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, giải quyết các cụ việc liên quan đến đất đai từ các ngành chức năng qua kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam tỉnh như: Vụ việc giải quyết khiếu nại của ông Huỳnh Lực (huyện Núi Thành); quá trình quản lý, sử dụng và đăng ký quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Đông Nhựt trú tại khối phố Bình Phước, thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước); việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân trú tại Khối phố 08, phường An Sơn (thành phố Tam Kỳ); việc giải quyết kiến nghị của các hộ dân Thôn Bích An, xã Tam Xuân I (huyện Núi Thành); việc giải quyết kiến nghị của ông Nguyễn Văn Nam (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình); việc khiếu nại liên quan đến người ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV nhiệm kỳ 2021-2026;... và 05 bản án hành chính có hiệu lực pháp luật nhưng chậm thi hành bởi kiến nghị sau giám sát của MTTQ Việt Nam...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ: “Phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Ðảng, Nhà nước, kiểm soát quyền lực nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các hoạt động GS, PBXH là tiền đề cần thiết, quan trọng để góp phần“phát huy vai trò nòng cốtcủa MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.


Hội đồng tư vấn DC-PL của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khảo sát việc thu hồi đất tại thị xã Điện Bàn

Từ thực tiễn hoạt động GS, PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của chính quyền; sự thống nhất của các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên đối với công tác GS, PBXH. Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, chuyên gia và sự quan tâm tham gia của Nhân dân.

Hai là, nhận thức đúng và rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận; tăng cường quan hệ phối hợp với chính quyền cùng cấp và các ngành, đơn vị liên quan trong công tác GS, PBXH. Chú trọng phát huy vai trò chủ động, chủ trì của Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp trong việc xây dựng kế hoạch GS, PBXH hằng năm, nhất là việc xác định, lựa chọn nội dung, đối tượng, phạm vi, hình thức GS, PBXH. Kinh nghiệm này vừa khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, phát huy vai trò chủ động của mỗi đơn vị, tổ chức vừa tạo được sức mạnh chung của MTTQ Việt Nam.

Ba là, nhạy bén, chủ động, tích cực trong công tác tham mưu, đề xuất, kiến nghị cấp uỷ, chính quyền ban hành đầy đủ các quy định đảm bảo cho hoạt động GS, PBXH. Bên cạnh đó, trước khi tiến hành cuộc GS, PBXH, cần chú ý chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết về cơ sở pháp lý, thực tiễn và các điều kiện cần khác... Đối với các vụ việc phức tạp, những nội dung còn nhiều ý kiến trái chiều cần tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học... trước khi tiến hành giám sát.

Bốn là, quy định về GS, PBXH chưa có chế tài đầy đủ. Vì vậy, muốn phát huy hiệu quả cần phải công khai, minh bạch, có chương trình phối hợp cụ thể. Kết hợp chặt chẽ việc nắm bắt dư luận xã hội, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân với hoạt động GS, PBXH. Chú trọng sự “vào cuộc” tích cực của các cơ quan báo chí, các cơ quan kiểm tra của Đảng, thanh tra, giám sát của Nhà nước để tạo sức mạnh tổng hợp trong việc kiến nghị sau GS, PBXH.

Năm là, việc tập hợp, tổng hợp kiến nghị sau GS, PBXH phải khoa học, khách quan, trung thực, có sự chắt lọc bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn. Hơn nữa, để công tác GS, PBXH, MTTQ Việt Nam các cấp đạt hiệu quả phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc đến cùng việc tiếp thu, trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau GS, PBXH của Ủy ban MTTQ Việt Nam./.

Tác giả: Hồ Tịnh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết