1. Cơ sở chính trị, pháp lý
Trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, quy định, chỉ thị([1]) khẳng định và nhấn mạnh: Vai trò nòng cốt, nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là giám sát và phản biện xã hội. Thể chế hóa quy định của Đảng và Hiến pháp năm 2013, Quốc hội ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát và phản biện xã hội([2]) góp phần kiểm soát quyền lực, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Quán triệt và cụ thể hóa các quy định trên, Tỉnh ủy và Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị và Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt, chủ động, tích cực triển khai thực hiện([3]) ngày càng hiệu quả.
2. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam
Với phương châm: “Chủ động - Cụ thể - Chặt chẽ - Chất lượng”, trong 05 năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh không ngừng được tăng cường, đi vào chiều sâu, hiệu quả, trở thành hoạt động nổi bật, thể hiện rõ nét vai trò nòng cốt chính trị của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kiến nghị, phản ảnh của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động lựa chọn nội dung, đối tượng, thống nhất với các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan liên quan chủ trì tổ chức 2.451 cuộc giám sát chuyên đề([4]). Đồng thời, chủ động lựa chọn, đăng ký nội dung và chủ trì tổ chức 1.085 cuộc phản biện xã hội([5]) đối với dự thảo văn bản, đề án, dự án, đồ án quy hoạch... của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.
Quang cảnh Hội nghị phản biện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Nội dung giám sát được lựa chọn phù hợp, trọng tâm, trọng điểm, tập trung những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, như: công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc tiếp công dân, trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh của cử tri và Nhân dân; thực hiện bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc thực hiện “lời hứa” của đại biểu dân cử; công tác giảm nghèo; giám sát đầu tư của cộng đồng… và những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc([6]). Nội dung phản biện tập trung vào các dự thảo văn bản, đề án, dự án, đồ án quy hoạch… liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, quyền và trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Tại cơ sở, Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã chỉ đạo thành lập, hướng dẫn các ban thanh tra nhân dân và ban giám sát đầu tư của cộng đồng, đại diện quyền làm chủ của Nhân dân tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát ở cơ sở. Trong 05 năm qua, các ban thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức giám sát 1.554 vụ việc, phát hiện, kiến nghị giải quyết 252/369 nội dung; các ban giám sát đầu tư của cộng đồng tổ chức giám sát 4.318 công trình, dự án đầu tư xây dựng ở cơ sở; qua đó phát hiện, kiến nghị khắc phục 444/631 trường hợp thiếu sót, sai phạm theo quy định.
Căn cứ kết quả giám sát, phản biện xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp ban hành 3.329 văn bản kiến nghị([7]) với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải quyết và trả lời bằng văn bản theo quy định (đạt 79,84%)([8]).
Nhờ thực hiện hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội, vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội. Nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân về vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được nâng lên đáng kể; nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội ngày càng thực chất, tập trung vào những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân… góp phần phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận xã hội tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng vững mạnh.
3. Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới
Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024 - 2029 xác định: Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam là một trong 03 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong nhiệm kỳ. Do đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các quy định của Đảng và Nhà nước về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhất là Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam([9]) nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Thứ hai, tích cực đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo phương châm: “Chủ động - Cụ thể - Chặt chẽ - Chất lượng”. Chú trọng giám sát chuyên đề (thành lập đoàn giám sát), tập trung những vấn đề lớn, nổi cộm liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Trong đó, tăng cường giám sát việc thực hiện kết luận tiếp công dân; trách nhiệm của chính quyền trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2024; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở…
Thứ ba, chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận các cấp; ưu tiên tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu (chuyên đề) và tăng cường trao đổi kinh nghiệm thực tiễn. Định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
Thứ tư, chủ động rà soát, nghiên cứu và đề xuất HĐND, UBND các cấp sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Trong đó, quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp, bảo đảm điều kiện để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; trách nhiệm trả lời, giải quyết ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của Nhân dân trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của chính quyền; bảo đảm kinh phí và quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân không trả lời hoặc chậm trả lời kiến nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo quy định.../.
([1]) Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 ban hành “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên”; Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội”;
([2]) Luật MTTQ Việt Nam năm 2015; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Đầu tư công; Luật Quy hoạch; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Đất đai năm 2024…; Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/6/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam;
([3]) Chỉ thị số 40-CT/TU, ngày 27/3/2014 về việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI); Quyết định số 2107-QĐ/TU, ngày 30/12/2014 về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân”; Chỉ thị số 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh”.
([4]) Trong đó, cấp tỉnh: 29 cuộc; cấp huyện: 373 cuộc; cấp xã: 2.049 cuộc;
([5]) Trong đó, cấp tỉnh: 18 cuộc; cấp huyện: 277 cuộc; cấp xã: 790 cuộc;
([6]) Ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải rắn; vấn đề tồn đọng, kéo dài về bồi thường, tái định cư tại một số dự án…
([7]) Trong đó: Kiến nghị sau giám sát: 2.376 văn bản và kiến nghị sau phản biện xã hội: 953 văn bản.
([8]) Tiếp thu, trả lời: 2.658/3.329 kiến nghị, đạt tỷ lệ 79,84% theo Quyết định số 2107-QĐ/TU, ngày 30/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp thu góp ý của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân”;
([9]) Chỉ thị 37-CT/TU, ngày 18/01/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về “Phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh”.