Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát huy vai trò của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thực hiện dân chủ ở cơ sở

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 15:52 | 27/12/2023 Lượt xem: 1513

Nhận thức, quan điểm của Đảng về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc đảm bảo, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã được từng bước thể chế hóa thành Luật, qua đó đã tạo nên cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và Nhân dân tham gia sâu rộng vào những công việc liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Trong đó, một trong những phương thức để thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND) và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ) ở xã, phường, thị trấn.

Có thể khẳng định, Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ là 02 mô hình hoạt động trực tiếp, một trong những phương thức kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam ở xã, phường, thị trấn, trong đó có kiểm tra, giám sát việc thực phát luật về hiện dân chủ tại cơ sở. Cũng giống như giám sát của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội, đặc trưng cơ bản trong hoạt động giám sát của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ là hoạt động giám sát không mang tính quyền lực Nhà nước nhưng mang tính Nhân dân vì giám sát không trực tiếp xử lý đối tượng vi phạm mà chỉ dừng lại ở việc phát hiện và kiến nghị xử lý. Thông qua hoạt động của mình, các Ban TTND, GSĐTCCĐ thực hiện quyền lực của Nhân dân để giám sát mọi hoạt động của cơ quan nhà nước và mọi cá nhân ở địa phương trong việc thi hành chính sách pháp luật ở phạm vi cấp xã. Đồng thời động viên Nhân dân tham gia giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ thưởng” nhằm góp phần thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng chính quyền thực sự là chính quyền của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; xây dựng và bảo vệ pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở địa phương.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, việc đầu tư xây dựng các dự án, nhất là chương trình, dự án đầu tư có đóng góp bằng vốn và công sức của cộng đồng dân cư được triển khai thực hiện với khối lượng lớn; tình trạng thiên tai, dịch hoạ thường xuyên xảy ra....Vì vậy, công tác giám sát đối với sự phù hợp từ chủ trương, quyết định đầu tư, việc chấp hành các quy định, triển khai thực hiện công trình, dự án; việc thực hiện dân chủ ở cơ sở...là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có việc kiểm tra, giám sát thường xuyên, trực tiếp, tại chỗ của các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ.


Ban GSĐTCCĐ thực hiện giám sát công trình kiên cố hóa kênh mương nội đồng
thôn Xuân Tân, xã Tam Hoà, huyện Núi Thành

 Hiện nay, tỉnh có 241 xã, phường thị trấn thuộc 18 huyện, thị xã, thành phố; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã ra quyết định thành lập 241 Ban TTND với 1.798 thành viên và quyết định thành lập Ban GSĐTCCĐ với số lượng thành viên của mỗi Ban theo quy mô của từng công trình, dự án cụ thể...

Từ khi thành lập các Ban đến nay, trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; việc tập trung phối hợp triển khai tích cực, đồng bộ của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam và Thanh tra tỉnh trong thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao năng lực giám sát của Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2021”; sự tích cực, chủ động vào cuộc thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát của mình, các Ban TTND, Ban GSĐTCĐ đã triển khai giám sát trên tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Hơn 05 năm qua, các Ban TTND trên địa bàn tỉnh đã tổ chức giám sát được 2.317 vụ việc; qua đó đã kiến nghị 562 vụ việc; được cấp thẩm quyền xem xét, xử lý, giải quyết 338/562 vụ việc (tỷ lệ: 61%). Qua đó nhiều địa phương trong tỉnh đã kiến nghị thu hồi 1.020m2 đất và hiện vật quy ra bằng tiền hơn 194 triệu đồng. Các Ban GSĐTCCĐ đã tập trung giám sát 5.567 công trình, dự án...; phát hiện 858 vụ việc sai phạm. Với 858 vụ việc được phát hiện, đề nghị, kiến nghị xử lý, có 578 kiến nghị được các chủ đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý các dự án, cấp thẩm quyền tiếp thu, trả lời, chỉ đạo xử lý kịp thời, thực hiện tháo dỡ, thay đổi, khắc phục...Qua đó, đã thu hồi hơn 25.067m2 đất và hơn 343.58 triệu đồng. Số tiền thu hồi và hiện vật quy ra tiền được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ trên địa bàn tỉnh được Nhân dân ủng hộ, ghi nhận và các cấp uỷ đảng, chính quyền đánh giá cao nhất là trong việc thực hiện dân chủ tại cơ sở; đồng thời góp phần khẳng định được vị trí, vai trò của MTTQ. Qua theo dõi thực tế, không ít vụ việc sai phạm, trong đó có sai phạm về thực hiện dân chủ đã được các Ban TTND, GSĐTCĐ địa phương phát hiện kịp thời, mạnh dạn kiến nghị xử lý và được cấp có thẩm quyền, nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án, chủ công trình...tiếp thu, khắc phục, sửa chữa và thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hàng trăm triệu đồng, tiêu biểu như: Các Ban TTND xã Phước Chánh, Phước Năng và thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn: Giám sát việc cấp gạo cho Nhân dân thiệt hại bão 12 năm 2018, qua đó phát hiện việc cấp gạo cho Nhân dân một số thôn không đúng quy định về đối tượng (xã Phước Năng), việc cấp gạo đại trà, không tổ chức họp quân dân chính để xét chọn đối tượng (Thị trấn Khâm Đức), việc cấp phát gạo chưa hết, còn thừa tại thôn (xã Phước Chánh); các Ban TTND xã Đại An, Đại Phong, Đại Hoà thuộc huyện Đại Lộc giám sát và phát hiện những sai phạm trong nguyên tắc quản lý tài chính của thôn, chiếm dụng nguồn thu đóng góp trong Nhân dân; Ban GSĐTCCĐ Công trình cầu KM0+50 thôn Trung Hòa đi Trường Thạnh (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành): Qua giám sát đã phát hiện, kiến nghị với UBND xã cắt giảm khối lượng tuy có trong thiết kế song không được thi công nhưng đưa vào nghiệm thu quyết toán các hạn mục (tấm lót mái taluy; cọc tiêu; kè thượng lưu), thu hồi số tiền 127.420.000 đồng; Ban GSĐTCCĐ công trình kè chống xạc lỡ hạ lưu cầu Đức Phú (xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành): Phát hiện đơn vị thi công đưa vào sử dụng 454,23m3 đất sô bồ không đúng theo hồ sơ thiết kế, đã đề nghị Chủ đầu tư cắt giảm khối lượng quyết toán phần đất đắp trả là 20% theo hồ sơ...

Để tiếp tục thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là việc tạo điểu kiện để Nhân dân phát huy quyền làm chủ trực tiếp hoặc thông qua lực lượng nòng cốt đại diện là MTTQ Việt Nam, trong đó lực lượng cụ thể, thường xuyên, trực tiếp, tại chỗ nhất là các Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ. Cho nên để “lực lượng” này tiếp tục hoạt động chất lượng, hiệu quả trong tình hình mới, nhất thực hiện công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở theo Luật định, sau đây là một số đề xuất cụ thể:

Một là: Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp cơ sở cần tiếp tục củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ được kịp thời; thực hiện đúng các tiêu chuẩn lựa chọn thành viên tham gia Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ ở cơ sở bảo đảm về uy tín, sức khỏe, am hiểu chính sách, pháp luật, có kinh nghiệm về chuyên môn và xử lý tình huống thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá đúng chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Ban. UBND cùng cấp quan tâm, cân đối ngân sách để đảm bảo đủ mức kinh phí cho hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ theo đúng Nghị định số 29/2021/NĐ-CP.

Hai là: MTTQ Việt Nam các cấp cần tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai các Luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam; tổ chức, hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ như: Luật Đầu tư công năm 2019; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Nghị định số 29/2021/NĐ-CP; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư…

Ba là: Hiện nay, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2023) và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 15/8/2023), theo đó, nội dung Thông tri số 25/TTr-MTTW-BTT không còn phù hợp, khó khăn trong việc hướng dẫn, thực hiện ở cơ sở. Vì vậy, đề xuất ban hành Thông tri mới để hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Ban TTND, Ban GSĐTCĐ tại xã, phường, thị trấn phù hợp với nội dung quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ.

Bốn là: Để đảm bảo hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCCĐ theo quy định của pháp luật, Chính phủ cần điều chỉnh, bổ sung Khoản 5, Điều 90 của Nghị định số 29/2021/NĐ-C về kinh phí hỗ trợ giám sát đầu tư của cộng đồng, theo hướng bảo đảm mức kinh phí tối thiểu từ 05 – 10 triệu/năm/Ban GSĐTCCĐ. Đồng thời đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19/6/2017 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban TTND theo hướng nâng mức hỗ trợ kinh phí hoạt động của Ban TTND xã, phường, thị trấn tối thiểu từ 05 triệu lên 10 triệu đồng/Ban/năm.

Tác giả: HỒ TỊNH

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết