Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực đổi mới, lắng nghe và hành động vì lợi ích của Nhân dân; thể hiện vai trò đại diện thông qua hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn thư, giám sát khiếu nại, góp phần giải quyết cơ bản các bức xúc của Nhân dân, xây dựng nền hành chính minh bạch, hiệu quả.

Giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân tại thành phố Tam Kỳ
Tiếp nhận và xử lý
Nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã ban hành nội quy, quy định, hướng dẫn... liên quan đến việc tiếp công dân và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; duy trì thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, thường xuyên tại trụ sở và tổ chức tiếp nhận đơn thư bằng nhiều hình thức linh hoạt. Sau khi tiếp nhận đơn, căn cứ vào nội dung đơn của công dân và thẩm quyền giải quyết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiến hành rà soát, xem xét và xử lý theo đúng quy định. Theo đó, từ năm 2020 đến năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã tiếp 1.427 lượt công dân; tiếp nhận 474 đơn thư các loại; đã xem xét và chuyển 355 đơn đủ điều kiện đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; 119 đơn còn lại được hướng dẫn, trả lời công dân và lưu hồ sơ do không đủ điều kiện xử lý theo quy định.

Giám sát việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo phản ánh, kiến nghị của công dân tại huyện Thăng Bình.
Chọn đơn để giám sát
Trong thời gian gần đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh nhận được ngày càng nhiều đơn thư của công dân có nội dung đề nghị giám sát. Tuy nhiên, không phải mọi đơn đề nghị đều được tổ chức giám sát. Việc xem xét, lựa chọn các vụ việc để tiến hành giám sát được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thực hiện một cách thận trọng, sàng lọc kỹ lưỡng và trên cơ sở pháp luật quy định; bảo đảm tính khách quan và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận. Các tiêu chí được ưu tiên trong quá trình lựa chọn để giám sát phải đảm bảo: tính điển hình, phổ biến của vụ việc; mức độ bức xúc trong Nhân dân; mức độ tác động dư luận, xã hội; tính chính đáng, hợp pháp của nội dung đơn thư; vụ việc thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản pháp luật có liên quan. Ngoài ra, Ban Thường trực cũng xem xét điều kiện thực tiễn như khả năng thu thập thông tin, tính khả thi trong tổ chức giám sát và hiệu quả xã hội mà hoạt động giám sát có thể mang lại. Việc lựa chọn đúng và trúng các vụ việc để giám sát góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả công tác giám sát của Mặt trận, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Kết quả hơn 5 năm qua, qua đơn thư gửi đến, Mặt trận tỉnh đã chọn lựa, chủ trì tổ chức 17 đoàn giám sát chuyên đề cụ thể: 04 đoàn giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; 08 đoàn giám sát đối với một số vụ việc khiếu nại, khiếu kiện phức tạp kéo dài và 05 Đoàn giám sát đối với 05 bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Thanh tra tỉnh và UBND các cấp trên địa bàn tỉnh...
Không chỉ dừng lại ở việc phát hiện tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, mà quan trọng hơn là ở hiệu lực, hiệu quả của các kiến nghị sau giám sát. Thực tiễn đã cho thấy, nhiều vụ việc phức tạp, kéo dài, kể cả các vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật chưa được thi hành đã được tháo gỡ kịp thời nhờ các kiến nghị xác đáng, đúng pháp luật của Mặt trận tỉnh. Tiêu biểu là vụ việc của ông Nguyễn Đông Nhựt (huyện Tiên Phước). Qua kiến nghị của Mặt trận tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định giám đốc thẩm vào ngày 02/9/2019, yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, bảo đảm đúng quy định pháp luật. Một trường hợp khác là vụ việc của Tộc Nguyễn Văn (xã Bình Tú, huyện Thăng Bình), liên quan đến việc chậm trễ trong cấp GCNQSDĐ dù đã có phán quyết rõ ràng từ Tòa án. Sau khi nhận được phản ánh từ đơn thư và tiến hành giám sát, Mặt trận tỉnh đã kiến nghị UBND huyện Thăng Bình thực hiện nghiêm túc nội dung của Bản án hành chính số 34/2018/HCPT và Công văn số 3966/TA-CCĐN ngày 17/10/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng. Kết quả là Tộc Nguyễn Văn đã được cấp GCNQSDĐ đúng quy định, chấm dứt khiếu nại kéo dài. Bên cạnh đó, qua đơn thư, Mặt trận tỉnh cũng kịp thời giám sát, bảo vệ quyền dân chủ của công dân đối với việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với ông Hoàng Anh Hùng (xã Bình Quế, huyện Thăng Bình) - người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV...
Được Nhân dân đồng thuận, ủng hộ
Từ những kết quả thiết thực đạt được trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và hoạt động giám sát, phản biện xã hội, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh ngày càng được khẳng định và củng cố trong lòng Nhân dân. Việc chủ động lắng nghe, vào cuộc kịp thời, cùng với sự khách quan, công tâm trong xử lý các vụ việc đã tạo dựng được niềm tin, sự tin tưởng và đồng thuận cao trong các tầng lớp Nhân dân. Người dân không chỉ bày tỏ sự đồng tình với cách làm trách nhiệm, minh bạch và hiệu quả của Mặt trận, mà còn tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, cùng đồng hành với chính quyền để giải quyết cơ bản những bức xúc của họ khi được Mặt trận chọn giám sát như: vụ của Bà Phạm Thị Nề (Hội An), ông Huỳnh Lực (Núi Thành), ông Nguyễn Đông Nhựt (Tiên Phước)...Tuy nhiên, qua giám sát vẫn còn lại vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm, thoả đáng do còn nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng những “bị đơn” vẫn gửi đến Mặt trận tỉnh những lời cảm ơn, sẻ chia chân thành, nhận định tốt đẹp về tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận - chỗ dựa tin cậy trong hành trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.
Không gì bằng sự ủng hộ của Nhân dân - đó chính là nguồn động lực to lớn để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt chính trị, chủ động tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, minh bạch, vì Nhân dân phục vụ. Đồng thời, đây cũng là minh chứng sinh động cho hiệu quả của cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng” - nền tảng căn bản để phát triển xã hội dân chủ, công bằng và văn minh.