Điều này thể hiện ở việc đánh giá đúng trình độ của một người cán bộ; từ đó, giúp tổ chức có cơ sở bố trí đúng vị trí và có đánh giá đúng đắn về cá nhân đó, để xây dựng được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Trình độ, theo nghĩa chung nhất, là mức độ xác định hoặc đánh giá theo một tiêu chuẩn nhất định về sự hiểu biết, về kỹ năng. Trình độ của một cá nhân không đơn thuần thể hiện ở bằng cấp, mà chủ yếu ở năng lực làm việc thực chất. Hiện nay, một số nơi còn có sự hiểu chưa chính xác về trình độ của một cá nhân, từ đó dẫn đến hệ lụy là ra những quyết định không chuẩn xác trong công tác nhân sự.
Trong thực tế, đôi khi có sự đồng nhất bằng cấp với năng lực công tác - trình độ thực chất - của cá nhân, dẫn đến đề cao trình độ theo bằng cấp, thể hiện ở cách nhìn nhận mang tính mặc nhiên rằng người có bằng cấp cao hơn được coi là có trình độ, năng lực làm việc tốt hơn người có bằng cấp thấp hơn, và ngược lại. Việc sắp xếp, bố trí công việc cũng như đánh giá, quy hoạch nhân sự cũng bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ này; vì thế, người có bằng cấp cao sẽ được ưu tiên cất nhắc so với người có bằng cấp thấp hơn.
Phải khẳng định rằng, đào tạo, bồi dưỡng con người nói chung, đội ngũ cán bộ nói riêng là việc làm rất cần thiết để xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của quốc gia - dân tộc và đây cũng là chủ trương đúng đắn, xuyên suốt của Đảng ta. Nhờ kiên trì xây dựng đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao, cùng với sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân, mà sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Tuy nhiên, nếu chỉ đề cao bằng cấp, mà không quan tâm thích đáng đến năng lực thực sự, thì sẽ dẫn tới tình trạng có nhiều người sở hữu bằng cấp rất cao, trải qua rất nhiều chương trình đào tạo khác nhau, nhưng khi thực hiện nhiệm vụ lại không đạt yêu cầu, thậm chí chỉ là yêu cầu đặt ra đối với người có trình độ bằng cấp thấp hơn nhiều. Nói theo cách dân gian, những cán bộ này có biểu hiện của “đỏ nhưng chưa chín”. Hạn chế này vừa làm lãng phí nguồn ngân sách dành cho việc đào tạo, vừa gây hậu quả xấu, thậm chí là hệ lụy nghiêm trọng do những cá nhân này gây ra trong công việc.
Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, cả về khách quan cũng như chủ quan. Đó là công tác đào tạo có lúc, có nơi chưa nghiêm túc; hiệu quả học tập, rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân còn hạn chế; sự quan tâm của cấp ủy, tập thể chưa tốt... Kết quả là một số người có bằng cấp cao, nhưng bị “hổng” kiến thức cơ bản, làm cho họ mắc phải những sai lầm rất ngớ ngẩn, không ai có thể ngờ được, nên hiệu quả thực hiện nhiệm vụ rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc tuyển chọn, đánh giá, sàng lọc cán bộ còn nhiều mặt chưa thực sự thực chất, như Đảng ta đã nghiêm túc chỉ ra: Đánh giá cán bộ còn là khâu yếu trong tổng thể công tác cán bộ.
Để hạn chế tình trạng “đỏ nhưng chưa chín” trong đội ngũ cán bộ, thời gian tới, cần nghiêm túc trong đánh giá đội ngũ cán bộ, lấy kết quả, hiệu quả thực hiện công việc làm thước đo quan trọng nhất để đánh giá trình độ, năng lực thực sự của người cán bộ theo vị trí việc làm. Muốn vậy, ngay từ khâu tuyển chọn phải thực hiện nghiêm túc, thực chất, bảo đảm nhân sự được tuyển chọn vừa có đủ bằng cấp, vừa có năng lực cần thiết; đồng thời, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thực sự là những người hiểu nghề, sâu nghề, để trong quá trình làm việc có thể liên tục đào tạo, bồi dưỡng, trao truyền kinh nghiệm cho đội ngũ dưới quyền nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ; qua đó, đội ngũ lãnh đạo, quản lý cũng ngày càng nâng mình lên để đáp ứng yêu cầu của cương vị công tác, chứ không đơn thuần chỉ là những người “chỉ tay năm ngón”, “nói suông” như tình trạng còn hiện hữu ở một số nơi./.
HOÀNG VIỆT