Chi tiết tin

A+ | A | A-

Một Việt Nam an toàn phụ thuộc vào mỗi chúng ta!

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 16:38 | 04/05/2021 Lượt xem: 21134

Sức khỏe là trên hết. Gặp gỡ, tụ họp đơn thuần mang tính cho vui, giải trí… thôi thì hãy để sau này. Năm dài tháng rộng, không thiếu cơ hội!


Một Việt Nam an toàn phụ thuộc vào mỗi chúng ta! - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Mặc dù là ngày nghỉ đầu tiên của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, sáng 30/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phải triệu tập một cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống Covid-19, khi xảy ra chùm ca bệnh mới từ Hà Nam, kết quả truy vết phức tạp, các ca tiếp xúc đã đi nhiều tỉnh thành…

Trước đó, vào chiều ngày 29/4, ngay sau khi nhận được thông tin về ca nhiễm, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế Hà Nam khẩn trương điều tra, tiến hành truy vết thần tốc.

30.000 người mắc bệnh là tình huống mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã tính đến để từ đó đưa ra biện pháp chuẩn bị, ứng phó kịp thời.

Cần lưu ý rằng, chúng ta trải qua 3 đợt dịch và tổng số ca nhiễm đến nay là hơn 2.900 ca. Như vậy, tình huống xấu nhất, số lượng người nhiễm Covid-19 có thể tăng gấp 10 lần, đòi hỏi nhu cầu vô cùng lớn cả về nhân lực lẫn vật lực từ khâu cách ly đến chữa trị.

Điều đáng lo nhất hiện nay là đã có lây lan ra cộng đồng ngay trước thềm của kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày, nhu cầu di chuyển, đi lại, gặp gỡ của người dân lên cao. Việc truy vết, khoanh vùng F1, F2… càng trở nên khó khăn, phức tạp với các cơ quan chức năng.

Hơn nữa, theo nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mức độ tấn công, tốc độ lây nhiễm của virus lần này tại Hà Nam khá nhanh. Trong khi ngành Y tế giải mã gene thì Hà Nam được yêu cầu "cần phải hết sức nhanh chóng, thần tốc mới đuổi kịp dịch vì chậm 1-2 ngày thôi là dịch đã bước sang chu kỳ lây nhiễm mới, rất khó khăn cho phòng chống".

Mục tiêu hiện tại là phải dập bằng được, dập triệt để "ổ dịch" xuất phát từ bệnh nhân ở Hà Nam.

Đến nay, nhiều địa phương đã có phản ứng rất nhanh để kịp thời ứng phó với dịch. Từ 18h chiều 19/4, Hà Nam đã dừng toàn bộ các lễ hội, tạm đóng cửa các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các dịch vụ vui chơi, giải trí, các hội nghị không cần thiết…

Từ 0h ngày 30/4, Hà Nội quyết định tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường và quán game.

Tại TPHCM, Hải Dương và nhiều địa phương khác cũng đã có các động thái tương tự, đồng thời yêu cầu về việc rà soát toàn bộ lao động về nghỉ lễ trở lại làm việc, những người đi du lịch về sau kỳ nghỉ lễ phải có khai báo y tế kịp thời…

Một thông tin không vui cho các đơn vị kinh doanh trong ngành du lịch, lưu trú là tình trạng khách ồ ạt hủy tour, hủy chuyến. Tuy nhiên, đứng ở góc độ phòng dịch thì điều này đã phát đi tín hiệu tích cực, cho thấy nhiều người dân đã có thái độ thận trọng hơn, có trách nhiệm hơn với bản thân và với cộng đồng.

Dịch bệnh là yếu tố bất khả kháng, hi vọng rằng các bên sẽ có sự thông cảm và chia sẻ lẫn nhau để vượt qua. Có thể tới đây, một số địa phương sẽ phải thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội… phần nào sẽ gây ra bất tiện cho sinh hoạt và công việc nhưng để có một Việt Nam an toàn, bất cứ ai trong chúng ta cũng cần sự tự giác và hợp tác.

Còn nếu như vẫn còn tình trạng lơ là, mất cảnh giác, thậm chí là "khôn lỏi" để kiếm chác, thu lợi bất chấp vi phạm các biện pháp phòng dịch như trường hợp xe ô tô 38 chỗ "nhồi" gần 100 người vừa mới xảy ra trên tuyến Con Cuông (Nghệ An)- Hòa Bình - Mường Xén mới đây thì nguy cơ "bùng" dịch diện rộng là hiện hữu.

Sức khỏe là trên hết. Có sức khỏe, giữ được bình an cho bản thân và gia đình, ấy mới là điều quý giá nhất hiện nay. Gặp gỡ, tụ họp đơn thuần mang tính cho vui, giải trí… thôi thì hãy để sau này. Năm dài tháng rộng, không thiếu cơ hội!

Và cũng chỉ khi dịch bệnh được khống chế thì môi trường sống mới ổn định, kinh tế mới phát triển - như chúng ta đã chứng kiến trong hơn 1 năm qua.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết