Tại chương trình giao lưu với điển hình toàn quốc năm 2020 trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn nút “ATM thuốc” để “điều trị” những “căn bệnh bên trong” của cán bộ, đảng viên.
“Bệnh bên trong” là những căn bệnh mà Bác Hồ từng cảnh báo như bệnh bè phái, quan liêu, tham nhũng, công thần, hình thức, xa dân, ích kỷ, kiêu ngạo…
Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ vào tháng 3/1947, Bác đã nêu ra 8 khuyết điểm “phải kiên quyết tẩy sạch”.
Đó là: “Địa phương chủ nghĩa”, chỉ biết đến lợi ích của địa phương mình, bộ phận mình; “Óc bè phái”, nghe người, dùng người hẩu với mình; “óc quân phiệt quan liêu”, hống hách, như một “ông vua con” ở nơi mình phụ trách; “óc hẹp hòi”, không biết dùng chỗ hay của người khác và giúp họ chữa chỗ dở; “ham chuộng hình thức”, thích hình thức bề ngoài, phô trương cho oai; “làm việc lối bàn giấy”, thích làm việc kiểu giấy tờ, chỉ tay năm ngón, ít đi vào quần chúng, bám sát thực tiễn; “vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm”, việc dễ thì làm, khó thì bỏ, bỏ địa phương khi chiến tranh lan đến; “ích kỷ, hủ hóa”, thích ăn ngon mặc đẹp, xa hoa, chỉ lo danh lợi của bản thân mình…
Đã 73 năm trôi qua, nhưng những khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, những vấn đề mà Bác đề cập đến vẫn còn nguyên tính thời sự.
Dễ thấy, đây đều là những “bệnh” không hiếm trong các tầng lớp cán bộ, đảng viên hiện nay, chỉ có điều ít ai tự biết và thừa nhận mình có bệnh. Ngẫm lại, có cán bộ nào tham nhũng mà lại tự nhận mình tham nhũng, có ai bè cánh mà tự nói mình có bè cánh đâu!?
Một công chức hải quan, một cán bộ địa chính, một cô văn thư, một anh quản lý thị trường… mỗi lần thực hiện công việc của mình chỉ “vòi” vài ba phong bì tiền trăm, tiền triệu, dần dần “tham nhũng vặt” cũng đủ tích cóp lại thành “đại tham nhũng”.
Một vài chữ ký có “trọng lượng” của những “công thần”, trong phút chốc cũng có thể làm lu mờ đi các thành quả gây dựng trước đó khi mà gây ra thiệt hại cho Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Thêm vào đó, những chuyến tàu vét cùng các kỳ thi công chức mang tính hình thức, tuyển dụng theo lối “5 C”, “6 ệ”… càng làm kém đi chất lượng cán bộ, đảng viên.
Cho đến khi họ bị “sờ gáy”, chỉ đến khi họ phải đứng trước vành móng ngựa nghe định danh từng hành vi vi phạm… khi đó, họ mới nhận rằng mình có “bệnh bên trong”, có tội với dân, với nước.
Tại tập sách “Sửa đổi lối làm việc” ra đời tháng 10/1947, Bác đã chỉ rõ, rằng: “Mỗi kẻ địch bên trong là một bạn đồng minh của kẻ địch bên ngoài. Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong ta đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”.
Còn ở thời đại chống dịch như hiện nay, có thể thấy rằng, Covid-19 có thể đáng sợ, nhưng chúng ta vẫn có thể phòng và chống được; còn dịch “Dollar Virus” (như cách nói của nhà báo Bùi Hoàng Tám) lại càng dai dẳng hơn, cần sự quyết liệt truy quét.
“ATM thuốc” để “điều trị” những “căn bệnh bên trong” của cán bộ, đảng viên - là một hình ảnh mang tính biểu tượng. Đã là bệnh thì thường có giai đoạn “ủ bệnh” rồi “phát tác”, từ nhẹ đến nặng, và người muốn biết bệnh và tự chữa, họ sẽ lắng nghe lời phải dù có “nghịch nhĩ”, trái tai. Chứ không phải như lời bao biện của một bị cáo trong phiên toà gần đây: “Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật”.
Một người tự muốn biến mình thành “khuyết tật” về đạo đức, nhân phẩm thì sẽ phải có “thuốc đặc trị”, “thuốc liều cao”.
Với công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động trong những năm vừa qua, nhiều “củi khô”, “củi tươi”, “củi gộc” (từng là Uỷ viên Bộ Chính trị, hay từng là Bộ trưởng, Thứ trưởng, là Chủ tịch, Tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước)… liên tục bị xử lý đã khẳng định không có “vùng cấm” trong công tác quan trọng này.
Điều này củng cố niềm tin của người dân vào Đảng, tin vào sự nghiêm minh của luật pháp. Dù có thể “đau đớn”, nhưng như Bác từng nói: “Thà chặt một cành sâu để cho cây xanh tốt”.
Bích Diệp