Trước hết, theo tôi, với tiềm lực kinh tế Việt Nam, việc có được số tiền này đã khó thì việc đưa số tiền đó đến tận tay các đối tượng còn khó hơn rất nhiều.
Lý do, thứ nhất như nói ở trên, đây là số tiền rất lớn, việc này lại chưa có tiền lệ.
Thứ hai, đối tượng thụ hưởng dự tính khoảng 20 triệu người với nhiều thành phần, đối tượng khác nhau lại cần triển khai gấp rút trong thời gian ngắn.
Thứ ba, đã từng có tình trạng “dê lạc nhà quan” của một số cán bộ thực thi trực tiếp.
Tuy nhiên, nói theo ngôn ngữ dân gian “Vỏ quýt dày, có móng tay nhọn”.
Để khắc phục những khó khăn và vấn nạn trên, được biết, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất ba yêu cầu nhằm ngăn chặn tối đa khả năng thất thoát, “dính tay”, “dây máu ăn phần” nếu có và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Thứ nhất, là tập trung cao độ cho việc rà soát, thống kê, xét duyệt… các thành phần hỗ trợ để góp phần giải quyết khó khăn và tạo sự công bằng cho tất cả các đối tượng.
Thứ hai, Chủ tịch UBND tỉnh, Thành phố chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc rà soát, xem xét, phê duyệt tất cả danh sách trong phạm vi địa phương, đơn vị mình phụ trách.
Thứ ba, một phương pháp cũng “chưa có trong tiền lệ” đã được Bộ LĐ-TB&XH áp dụng, đó là hình thức chuyển khoản trên diện rộng nhằm hạn chế tối đa chi trả tiền mặt.
Cụ thể, số tiền sẽ được chuyển đến các đối tượng thông qua ngân hàng và dịch vụ bưu điện.
Đối với những đối tượng già cả, ốm đau… cần tiền mặt, sẽ nhận trực tiếp từ nhân viên bưu điện với sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Sáng kiến này có ba cái lợi.
Một là tiết kiệm nhân công, nhân lực và các khoản tiền chi cho các công tác dịch vụ “râu ria”.
Hai là hạn chế tập trung đông người, tránh lây nhiễm dịch bệnh.
Thứ ba, rất quan trọng, tiền hỗ trợ sẽ đi trực tiếp xuống đến từng đối tượng, không thông qua cấp trung gian nên tránh tối đa cái mà dân gian gọi là “dính tay”.
Nhìn xa hơn nữa, nếu việc thanh toán qua ngân hàng, chắc chắn sẽ là rào cản rất lớn cho đường đi của đồng tiền tham nhũng, tiêu cực.
Vì vậy, hoàn toàn có thể coi đề xuất này của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung như một bước thí điểm trên diện rộng, làm tiền đề thanh toán thông qua ngân hàng và khi đó, sẽ kiểm soát được cao nhất tài sản cá nhân và đây chính là cởi “nút thắt” của công cuộc phòng chống tham nhũng.
Phương pháp này có một điều rất hay nữa, đó là toàn bộ kinh phí chuyển phát được Công ty Bưu chính Viễn thông và Ngân hàng Thương mại hỗ trợ và như vậy, tất cả số tiền hơn 62 ngàn tỉ sẽ đến với dân.
Người Việt có câu: “Đánh nhau chia phần, mời nhau ăn cỗ”. Do đó, sự nghiêm minh, công bằng là yêu cầu rất cao nhưng cần những phương pháp sáng tạo.
Với một sự kiện lớn như thế này, việc sai sót nhỏ là khó tránh khỏi. Mong rằng sự quyết liệt cộng với phương thức và cách làm này, số tiền hỗ trợ hơn 62 ngàn tỉ sẽ đến đầy đủ với các đối tượng mà không xảy ra sai sót lớn, tránh tối đa “đồng tiền đi lạc”.
Bùi Hoàng Tám