C ó người nhất quyết về nước, bỏ hết lại sau lưng mình Pa-ri hoa lệ với tuổi trẻ, với lương cao bổng hậu, đoạn tuyệt trước đầy dãy nhời mời mọc chức quyền oai phong, trùng trùng bổng lộc của chế độ thực dân, mà dứt khoát khoác ba-lô theo Cụ Hồ lên rừng làm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai, trong khi bao lứa cùng thời, họ đi con đường khác để vinh thân, phì gia một cõi an nhàn. Rồi, kháng chiến thành công, lại cả đời còn lại, dốc tâm vì đại nghiệp chấn hưng nền giáo dục nước nhà, mà hy sinh, mà phấn đấu, cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, tịnh không một tấm huân chương trên lồng ngực bảy mươi lăm năm trên đời!
Khi ấy, người ta bảo, Con Người ấy: thật Dại!
Lại có người quan phẩm tột đỉnh Thượng thư, oai quyền nghiêng giời lệch đất, của nả phồn hoa tọa hưởng tới mấy đời, thế mà ngoảnh mặt quay đi, tạm biệt những người đồng liêu ở lại, nghe theo tiếng gọi núi sông, lòng nhẹ tựa lông hồng, một gậy tre gày, một gánh sách nặng, ngược sông Lô, mải miết đi theo kháng chiến trường kỳ, với “chí nam nhi chống kiếm ra đi”, đầy hào sảng... Cho tới khi nhắm mắt xuôi tay, không nhà cao cửa rộng, không tài sản như ai, chỉ nguyên vẹn một tấc lòng ái quốc vô biên, lặng lẽ như Thu liễm, Đông tàng, như cố đợi mùa Xuân sinh, Hạ trưởng!
Bây giờ, thiên hạ lại bảo, Con Người ấy: rất không Khôn!
Khôn - Dại - Dại - Khôn... luân hồi đắp đổi, biến hóa vô thường, nhân thế vô cương!
Thế mới hay!
Bởi chưng vậy, mà Cụ Trạng Trình sống cách nay chừng 500 năm, vẫn rằng: “Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại. Gặp thời dại cũng hóa nên khôn”. Rồi, chuyện dại, khôn, thời gian trôi đi cả gần 370 năm sau ấy, người đời vẫn còn mãi lúng túng: “Thế sự đua nhau nói dại khôn. Biết ai là dại, biết ai khôn”, như Cụ Trần Tế Xương từng thốt lên như nghìn câu hỏi, tới tận hồi đầu thế kỷ XX!
Nhưng, chuyện dại, khôn, dù vi nan thế, dù đắp đổi thế, dù lòng người chưa tận tường, thậm chí hỗn mang như thế, mà vẫn minh bạch, rạch ròi như là nhẽ đất kia dày không qua ba thước, giời này cao chẳng quá chín tầng xanh, một cách tự nhiên nhi nhiên!
Này, có kẻ: “Danh lợi đề cao người thả lưới. Lòng nhân hạ thấp kẻ giăng câu”, chui vào bộ máy, đầy mưu mô giảo quyệt, ủ mưu và đoạt được chức này quyền nọ! Thậm chí, chà xéo cả lên bạn đồng môn, bạn đồng liêu không tranh chấp, họ tịnh không rơi lệ, để “ghế trên ngồi tót sỗ sàng”. Ai cũng bảo, họ khôn. Nhưng, giời xanh có mắt, chỉ hai năm sau, “người thả lưới”, “kẻ giăng câu”, tất cả bọn họ nhìn nhau “qua lỗ tò vò... nhìn nhau”! “Trí trá, leo cao khôn hóa dại. Thẳng ngay, điềm đạm dại thành khôn”. “Cúi luồn đi dưới cửa môn. Khôn này mới hãi đáng chôn huyệt đời”.
Thì ra, sự khôn, dại dù vô chừng, song không thoát nổi nhời tiên báo của Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Khôn mà hiểm độc là khôn dại. Dại vốn hiền lành ấy dại khôn”.
Kia, lại lắm kẻ: Quyền cao chức trọng một đống, vơ vét bạc tiền như nước mười sông, “đánh bóng tài mình” bởi những thứ bằng cấp chen chúc bán mua đông như nêm cối! Ai cũng bảo họ: Khôn. Trong khi bao người kia: Phẩm hạnh có thừa, tài năng đủ cả, nhưng “ngọc không bán rao”, lại chỉ lầm lũi như “rùa trong linh điện”, “rồng thiêng đợi hội Long vân”, quyết chí làm tròn bổn phận của mình, không một lời oán thán, không một tiếng kêu ca, không một ý tỵ hiềm... Và, họ cứ thế suốt một đời như thế! Ai cũng than thương cho họ: Dại, thậm chí những kẻ “mũ cao áo dài” cũng xuống ngôn phán họ: Thậm ngu!
Xem ra, sự dại, khôn nhân thế chua xót tới mức: “Đời muôn mặt nửa lời khôn dại. Thâm trầm tình tê tái dại khôn”. Khôn, dại trên đời tưởng như một cõi vô lường!
Nhưng chung cuộc, tới khi “cháy nhà ra mặt chuột”, cả đám “mũ cao áo dài”, “bằng cấp bán mua”... kia, ngỡ Khôn, thì thân mang tội tù, thì người đời lại bảo, đích thị đại ngu: “Tham của hại người khôn hóa dại. Mua bằng chạy chức dại đâu khôn”. Và, còn “những con rùa trong linh điện” ấy, vẫn bình yên đã đành, mà thời vận tới, “ngọc tự quang” rạng rỡ! Thì ra: “Chịu thiệt người đời đừng tưởng dại. Tranh hơn thiên hạ chớ lầm khôn”.
Viết tới đây, lại nhớ nhời Cụ Trạng Trình truyền bảo: “Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại. Gặp thời dại cũng hóa nên khôn”.
Ngắm nhìn thời thế dại, khôn, vậy rằng:
“Sống thực cần chi khôn với dại
Mai ngày mới biết kẻ dại khôn”! ./.
Phạm Đình Đảng