Thực thế. Khi nói về nạn tham nhũng trong mấy năm gần đây, không chỉ các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở ta hay nói đến cụm từ "tham nhũng vặt", mà một số cơ quan quốc tế, chuyên gia quốc tế tại Việt Nam, khi nghiên cứu, đánh giá về tình hình kinh tế, nạn tham nhũng ở ta, cũng hay cảnh báo cái gọi là "tham nhũng vặt".
Có người thì nói đó là tình trạng cán bộ, công chức lạm dụng quyền của mình để nhận những khoản lót tay be bé "dưới gầm bàn". Như kiểu một cô chuyên viên bộ phận "một cửa một dấu", nhận vài chục, vài trăm ngàn của người dân đến nộp hồ sơ nhưng muốn giải quyết cho nhanh. Như kiểu một anh cảnh sát giao thông dấm dúi nhận vài trăm ngàn kẹp trong sổ để bỏ qua xử phạt ở mức cao hơn với đối tượng vi phạm giao thông...
Người ta cũng đánh giá tham nhũng "vặt" cũng không kém phần nghiêm trọng. Cách đây không lâu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi báo cáo với Quốc hội còn ví von: Tham nhũng vặt giống như "tổ kiến có thể làm vỡ toang con đê lớn".
Thế nhưng, tại phiên họp về tình hình phòng, chống tội phạm của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tuần trước, lãnh đạo của Ủy ban này, bà Lê Thị Nga chốt một câu mà không có ai phản đối được: Trong các khái niệm của Luật (Luật Phòng, chống tham nhũng), không có khái niệm tham nhũng vặt.
Vâng, chúng ta cứ nói rất nhiều đến cái từ ấy, nhưng quả thật, đó như kiểu nói cho... có phong trào. Chứ chẳng luật nào lại đi quy định tham nhũng lớn với tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt cả. Bởi đã "ăn" của ngân sách nhà nước, của dân thì "ăn" hàng chục tỷ đồng như ông cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son theo như kết luận điều tra vừa công bố, cũng là tham nhũng. Mà "ăn" vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng như nhóm cán bộ Hải quan một cửa khẩu ở Quảng Trị vừa rồi (thu tiền của doanh nghiệp nhưng không trả lại tiền thừa), như Dân trí đã đăng tin, cũng là tham nhũng hết.
Cũng không thể nói tham nhũng "vặt" chỉ là "ăn" lặt vặt vài đồng. Một người là cảnh sát giao thông không liêm chính, đứng chốt, ngày nào cũng nhận lót tay của các chủ phương tiện giao thông vi phạm mỗi người vài chục ngàn cho đến vài trăm ngàn đồng thì tổng số tiền anh ta tham nhũng qua từng tuần, từng tháng cũng không hề nhỏ. Có khi cũng lên tới hàng tỷ đồng một năm, nhất là những người đứng ở tuyến đường lớn, nơi có hàng ngàn, hàng vạn phương tiện qua lại mỗi ngày.
Hay như mấy cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng vừa qua xuống huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nhận hối lộ mấy trăm triệu đồng bị bắt quả tang càng không thể gọi là "tham nhũng vặt" như lời một đại diện cơ quan bảo vệ pháp luật phát biểu mới rồi ở cuộc họp của Ủy ban Tư pháp. Một chuyến thanh tra mà tại một xã họ đã nhận mấy trăm triệu đồng như vậy mà trót lọt, thế thì cả một đợt đi thanh tra khắp các xã, huyện theo kế hoạch, họ còn vòi vĩnh, đòi hỏi, nhận hối lộ đến bao nhiêu?
Cho nên, khi xây dựng luật, các đại biểu Quốc hội cũng đã cân nhắc hết cả rồi. Tham nhũng là tham nhũng, không có tham nhũng "to", không có tham nhũng "vặt". Chỉ có thể quy định rõ từng mức, như trong Bộ luật Hình sự: Trên 1 tỷ đồng là có thể bị tử hình; còn tham ô từ 2 triệu đến dưới 100 triệu đồng, theo luật, là chịu án từ 2 đến 7 năm tù.
Vậy nên, có lẽ chúng ta cũng nên bớt, mà tốt nhất nên bỏ hẳn cái khái niệm "tham nhũng vặt", trong cách nói và nhất là trong văn bản nhà nước. Đừng đưa nó vào trong các văn bản, hội nghị, hội thảo cái cụm từ ấy nữa vì kiểu gì thì nó cũng là vi phạm pháp luật, là tham ô, tham nhũng..., sẽ bị xử lý tùy mức độ hết. Có phải không ạ?
Mạnh Quân