Chi tiết tin

A+ | A | A-

Bữa cơm, bó đũa và yên dân

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 14:21 | 16/11/2018 Lượt xem: 8603

Những hoạt động kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (nay là MTTQ Việt Nam) đã và đang diễn ra nhiều nơi trong tỉnh. Năm nay cũng tròn 15 năm tổ chức Ngày hội đại đoàn kết ở các khu dân cư. Câu chuyện từ “bữa cơm đoàn kết” ở những xóm làng, từ đồng bằng lên miền núi, lại gợi bao điều nghĩ suy về sự “yên dân”.

Yên dân là tư tưởng gốc rễ để làm nền cho mọi chính sách phát triển bền vững. Như không lo xóa đói giảm nghèo thì “bần cùng sinh đạo tặc”. Không xây dựng nông thôn mới thì lạc hậu lũi lầm. Chẳng bồi đắp văn hóa, vun ấm tình làng nghĩa xóm, thì bơ vơ giữa chợ đời… Cốt lõi để thực hiện cho được các chương trình an sinh xã hội là dựa vào sự đoàn kết toàn dân. Cái bó đũa trong mâm cơm là bài học thấm thía về sự đoàn kết mà cha ông truyền lại. Từ đoàn kết đánh giặc giữ làng xưa kia, đến hôm nay đoàn kết xây dựng cuộc sống mới với đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới hay đô thị văn minh, là tiến trình lịch sử đầy mồ hôi xương máu của nhân dân. Mất đoàn kết là lòng dân không yên, nhà không yên, nước không yên. Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều phải lấy tư tưởng Bác Hồ làm kim chỉ nam, rằng “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”, tiếp nối tinh thần “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi).


Bữa cơm Đại đoàn kết

Tính nhân văn trong “bữa cơm đoàn kết” là chia sẻ tâm tình và động viên giúp đỡ những người dễ bị tổn thương trong cơn lốc thiên tai, hoạn nạn, hoàn cảnh khó nghèo, đau ốm, bệnh tật. Cái hố ngăn cách giàu – nghèo cần được san lấp bớt. Tự do của người này được quy định bởi người kia trong mối dây quan hệ cộng đồng, cùng hướng đến chung tay xây dựng xóm làng bình yên, xanh sạch đẹp. Nếu không có những câu chuyện đó, thì khó nói về ý nghĩa đoàn kết để có sự ấm áp của bữa cơm, có sức mạnh của bó đũa. Do vậy, tổ chức “bữa cơm đoàn kết” không cứ phải hoành tráng, sang trọng, đủ sơn hào hải vị mà cốt ở cái tình, cái nghĩa. Nếu khoản “đóng góp” quá nặng, chưa kể còn kêu thêm góp đủ các loại quỹ thu phí, chắc không khí mất vui, bát chén xao động nảy sinh hiềm khích. Hãy nhớ lời khuyên của  Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, rằng “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy”.

Mười lăm năm qua, cùng với cả nước, Quảng Nam đã tổ chức Ngày hội đại đoàn kết khá xôm tụ. Điều đáng quý là, năm nào cũng thấy sự chú trọng hướng đến những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều gian khó. Nhiều tổ chức đến đó chia sẻ với bà con, động viên bằng những món quà vật chất và tinh thần để đem lại niềm vui, niềm khát khao vươn lên trong cuộc sống. Chung quanh bữa cơm còn có cả những chiếc áo ấm, sổ tiết kiệm, nhà tình nghĩa… được trao tặng. Rồi chung vui cộng đồng bằng đặc sản địa phương, những lời ca tiếng hát “cây nhà lá vườn”, những trò chơi dân gian. Những câu chuyện ấy cần cổ động, xiển dương.

Trọng dân, gần dân, hiểu dân, là điều thường nhắc với người cán bộ. Và, nói thêm là cần thương dân, yêu quý dân nữa mới có thể đến với dân. Ngày hội đại đoàn kết là dịp để “công bộc của dân” tắm mình vào không gian thấm đẫm tính nhân văn cộng đồng mà thương quý dân hơn.

ĐĂNG QUANG

Nguồn tin: Báo Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết