Hiện nay, nhìn chung, phần lớn cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị ở nước ta đã có bước trưởng thành, đủ sức đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo, điều hành sự nghiệp đổi mới, chấn hưng đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có một thực tế không thể phủ nhận là trong hệ thống chính trị vẫn còn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đang trong trạng thái người thừa, người “xớ rớ”, chưa toàn tâm, toàn ý thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
“Xớ rớ” là một từ rặt Nam Bộ ý chỉ một người nào đó thường chỉ làm việc chiếu lệ, không tích cực trong công việc, đợi người khác yêu cầu mới làm và hiệu quả công việc thường rất thấp. Bản chất của những người xơ rớ thường là bị động, đầu óc rỗng tuếch, lười nhác, ít nghĩ ra việc gì để làm. Biểu hiện của những cán bộ, công chức, viên chức “xớ rớ” có thể khái quát ở những nét cơ bản sau: Họ là người luôn lăng xăng nhưng không làm việc gì ra hồn; tự họ không tìm ra được việc để làm, chỉ chờ đợi lãnh đạo, cấp trên giao việc. Khi nhận việc thì những cán bộ, công chức, viên chức dạng này chỉ cốt làm cho xong chứ không chú ý đến chất lượng, hiệu quả công việc. Đáng lo ngại hơn, họ thường thích nói hơn làm; hay khoe khoang, phô trương trình độ, bằng cấp, kiến thức, hiểu biết nhưng ít khi làm tốt những yêu cầu chuyên môn cụ thể. Họ thường hay “đạo văn”, “đạo lời” của người khác để tự tô điểm cho vẻ học thức bên ngoài của mình; thiếu bản lĩnh chính trị, ngại va chạm, thường có biểu hiện a dua, ba phải, thích nịnh hót, “chỉ tay năm ngón”, kéo bè, kéo cánh, xây dựng nhóm lợi ích,… để mưu lợi cá nhân.
Tác hại của những cán bộ, công chức, viên chức “xớ rớ” không hề nhỏ. Họ trở thành chướng ngại vật, gây trở ngại cho sự phát triển của tập thể, tổ chức, đơn vị, địa phương, đất nước. Chất lượng, hiệu quả công việc không được bao nhiêu nhưng họ lại chiếm dụng, gây lãng phí thiết bị, tài sản phục vụ cho công việc trong cơ quan, đơn vị. Vì “xớ rớ” trong công việc, không có chính kiến rõ ràng, có xu hướng ba phải, xu nịnh nên họ dễ gây nên tình trạng chia bè, kéo cánh, mất đoàn kết nội bộ. Đặc biệt, nếu họ là người có “thân, thế” thì dễ dàng lũng đoạn tổ chức, làm tha hóa những thành viên khác cơ quan, đơn vị.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức “xớ rớ” có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó, đáng lưu ý là một số nguyên nhân cơ bản sau: Do tâm lý chạy theo bằng cấp, không chú trọng chất lượng, hiệu quả công tác; do việc thực hiện nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” chưa nghiêm; do môi trường làm việc chưa khoa học, thiếu chặt chẽ, để tồn tại chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, có tình trạng bao che, bợ đỡ, dung túng trong công tác cán bộ; do sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và mỗi đảng viên chưa cao, công tác tự phê bình và phê bình chưa đến nơi đến chốn, có tình trạng thờ ơ, nể nang, “mặc kệ” trước những người “xớ rớ”; do bản thân cán bộ, công chức, viên chức lười học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, chưa thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng,...
Những cán bộ, công chức, viên chức một khi để mình trở thành người “xớ rớ” trong tổ chức cũng có thể xem họ đã suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong bản thân mình. Nếu không khắc phục, sửa đổi, sớm muộn gì thì nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong tổ chức cũng sẽ diễn ra. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức trở thành người “xớ rớ”, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thiển nghĩ chúng ta cần chú trọng thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tổ chức phải thực hiện nghiêm nguyên tắc đánh giá năng lực công tác của cán bộ, công chức, viên chức thông qua hiệu quả thực hiện nhiệm vụ và sự cống hiến cụ thể của từng cá nhân, tránh đánh giá theo kiểu bổ đồng, cào bằng, thiên vị.
Hai là, tổ chức và mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải tạo lập được môi trường làm việc khoa học, tập trung, dân chủ, đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau giữa cán bộ, công chức, viên chức; tránh kéo bè kết cánh, lợi ích nhóm.
Ba là, tổ chức và những người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải giữ vững nguyên tắc toàn diện, khách quan, phát triển trong quy hoạch, đánh giá, tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức; tránh tư tưởng vị nể, thân quen hay vì những lợi ích riêng tư khác mà dung túng, đề bạt, bố trí những cán bộ, công chức, viên chức “xớ rớ” lên vị trí cao hơn.
Bốn là, mỗi cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc trong tự phê bình và phê bình; cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nghiêm minh trong kiểm tra, giám sát để kịp thời động viên, khen thưởng cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như xử lý kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời tạo cơ chế khuyến khích sử dụng, đãi ngộ những cán bộ, công chức, viên chức đủ đức, đủ tài.
Năm là, cán bộ, công chức, viên chức phải thường xuyên học tập, trau dồi trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; chấp hành tốt quy định của tổ chức; tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, thể hiện phẩm chất tiên phong, gương mẫu trong đời sống và công tác.
Sáu là, cán bộ, công chức, viên chức phải tâm huyết, lăn xả, nhiệt thành nhận trách nhiệm, nhiệm vụ và phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; phải tự tin, chủ động tìm việc mà làm, tìm đúng mà theo, thấy sai mà tránh.
Bảy là, cán bộ, công chức, viên chức phải bản lĩnh, kiên quyết và khôn khéo trong đấu tranh ngăn chặn, phòng, tránh và chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nhân dân ta luôn mong muốn và cần có ngày càng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn thuần thục, có phẩm chất đạo đức gương mẫu, có tinh thần tiên phong xây dựng và phát triển đất nước, có tác phong làm việc khoa học, tiến bộ, hiệu quả. Khi đáp ứng những yêu cầu thiết yếu đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức sẽ trở thành “tế bào” khỏe mạnh trong hệ thống chính trị, đóng góp xứng đáng cho công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Và như thế, trong hệ thống chính trị của chúng ta sẽ giảm đi những cán bộ, công chức, viên chức “xớ rớ”./.
Huỳnh Thanh Hiếu