Chi tiết tin

A+ | A | A-

Mô hình “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh được chọn nhân rộng trong giai đoạn 2025-2030

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 14:22 | 26/11/2024 Lượt xem: 564

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Đề án số 23 về nhân rộng các mô hình điển hình “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2025 – 2030, mô hình “Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ (LHPN) nữ tỉnh là một trong 20 mô hình điển hình “Dân vận khéo” được tỉnh lựa chọn nhân rộng.

Triển khai sâu rộng, đồng bộ và tạo chuyển biến về chất

Mô hình ”Gia đình 5 có, 3 sạch” được Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo triển khai trong nhiệm kỳ (2022-2027) tại các địa bàn đã về đích nông thôn mới, đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng gia đình 5 có 3 sạch là sự kế thừa các tiêu chí của Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” nhưng nâng mức độ cao hơn để phù hợp với giai đoạn mới nhằm phát huy các giá trị tốt đẹp, sự đóng góp của phụ nữ và hộ gia đình vào thực hiện xây dựng nông thôn mới tại các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” gồm các tiêu chí “5 có”: Có ngôi nhà an toàn, có sinh kế bền vững, có sức khỏe, có kiến thức, có nếp sống văn hóa và “3 sạch” gồm: sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Ngoài bảo đảm các tiêu chí trên, mô hình còn tập trung hỗ trợ kiến thức, tạo việc làm, vận động hội viên, phụ nữ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương, đặc biệt là sản phẩm OCOP, sản phẩm do phụ nữ sản xuất, làm chủ.

Sau khi phát động, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp Hội LHPN huyện Duy Xuyên tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng, nhu cầu của hội viên, phụ nữ và hộ gia đình tại xã Duy Phước và chọn Chi hội Phụ nữ thôn Hà Nhuận chỉ đạo triển khai điểm, bước đầu có 428 hộ gia đình tham gia. Sau lễ ra mắt thành viên tham gia mô hình  được nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường; hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác thải tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng. Vận động phụ nữ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, tham gia bảo vệ môi trường, hình thành thói quen phân loại rác thải tại hộ gia đình, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, tinh thần cho phụ nữ, gia đình và cộng đồng.

Điểm sáng trong thực hiện mô hình "Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” là việc các cấp Hội LHPN trong tỉnh lần lượt ra mắt nhiều mô hình điểm tại các huyện, thị xã, thành phố và được triển khai thực hiện hiệu quả. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 267 mô hình được nhân rộng tại các địa bàn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Nhằm nâng cao về “chất” của mô hình, từ quý VI năm 2023 đến quý II năm 2024, Hội LHPN tỉnh tiến hành ra mắt mô hình “Phụ nữ phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn” và hỗ trợ mỗi hộ 1 thùng rác 2 ngăn tại 84 thôn ở 31 xã của các huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Đại Lộc, Nông Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức với 4.710 thành viên tham gia. Vận động nguồ lực hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình nghèo, cận nghèo; chỉ đạo xây dựng tuyến đường hoa, củng cố, nhân rộng các mô hình “Đoạn đường không rác thải”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “ Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Biến rác thải thành tiền”, “Ngôi nhà xanh”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Xanh sạch đẹp, sáng vùng biên”, “Ngày chủ nhật xanh”; “Thu gom rác thải nhựa từ biển vào bờ”…

Với nhiều cách làm sáng tạo, từ đầu nhiệm kỳ (2021-2026) đến nay toàn tỉnh đã vận động, hỗ trợ thêm 3.843/6.025 hộ gia đình đạt tiêu chí “gia đình 5 không, 3 sạch”, “gia đình 5 có, 3 sạch” (tỷ lệ 63,8%); 100% cơ sở Hội đăng ký và thực hiện 1.064/1.205 công trình, phần việc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh (tỷ lệ 88,3%).


Hội LHPN tỉnh Quảng Nam ra mắt mô hình điểm 5 có 3 sạch, năm 2022

Đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc

Các cấp Hội tuyên truyền, lan tỏa sâu rộng về CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch” gắn với nội dung vun đắp xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Đẩy mạnh tuyên truyền tiêu chí ứng xử, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, tôn vinh giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam; bình đẳng giới, phòng chống bạo lực; các giải pháp để xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với Sở, ban, ngành và địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chăm sóc, bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống mua bán người; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; vv…Từ đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của phụ nữ về các hoạt động xây dựng gia đình, dinh dưỡng cho trẻ em, vận động học sinh đến trường;…Nhờ đó, tỷ lệ gia đình hội viên phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học, tình trạnh tảo hôn ở đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giảm dần qua từng năm.

Thực hiện tiêu chí “Không đói nghèo”, Hội đã hỗ trợ trên 1,6 nghìn hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững bằng cách thường xuyên đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, phát động phong trào “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý vốn vay, các chính sách liên quan đến hỗ trợ người nghèo đưa hoạt động nhận ủy thác tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH của các cấp Hội tăng dần theo từng năm. Đến nay, tổng dư nợ các cấp Hội quản lý 3.130 tỷ đồng với 57.106 hộ vay. Vận động, hỗ trợphụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, trao phương tiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ, kinh tế tập thể. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hội, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, phụ nữ, giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững…Nổi bật điển hình là một số chị em phụ nữ miền núi như chị Nguyễn Thị Nhẹ, Chủ tịch Hội LHPN xã Trà Vân (Nam Trà My) ngoài làm tốt công việc chuyên môn chị còn tập trung phát triển kết hợp chăn nuôi. Với quyết tâm thoát nghèo chị đã truyền cảm hứng, kinh nghiệm làm ăn giúp phụ nữ nghèo cùng làm kinh tế, khôi phục bản sắc văn hóa của địa phương bằng việc tham gia lớp đào tạo nghề mây tre đan hướng đến phát triển du lịch sinh thái, du lịch trong cộng đồng…noi gương chị nhiều phụ nữ nghèo chăm chỉ làm ăn và thóat nghèo. Chị A Lăng Thị Tiết, thôn Pà Dá, xã Cà Dy, huyện Nam Giang bằng số tiền tích góp, chị đầu tư mua bò sinh sản, gà giống cộng thêm phát triển các loại cây trồng để thoát nghèo bền vững với thu nhập của gia đình  từ 100 - 120 triệu đồng/năm. Tại xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, nhiều mô hình kinh tế của phụ nữ đem lại nguồn thu nhập khá, giúp chị em vươn lên làm giàu chính đáng; trong đó phải kể đến mô hình trồng cao su tiểu điền của chị Lê Thị Phượng là một điển hình. Bằng sự kiên trì, ý chí quyết tâm mỗi ngày chị khai thác từ 120 - 150 kg mủ đông; với lợi nhuận thu được chị đầu tư trồng thêm 13 ha cây keo lá tràm nhờ đó chị đã thoát nghèo và còn tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương. Chị Bùi Thị Kiều, thôn 4, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước thoát nghèo với mô hình trang trại vườn - ao - chuồng bằng việc áp dụng các tiến bộ KHKT để nuôi heo rừng lai, đã mang về doanh thu cho gia đình chị từ 120 - 150 triệu đồng/ năm;…

Tác giả: Minh Ánh

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết