Hằng năm, Ban Thường trực MTTQ từ huyện đến cơ sở phối hợp với các tổ chức thành viên cùng cấp lồng ghép nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các phong trào thi đua yêu nước của Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể qua các hình thức tuyên truyền họp dân, sinh hoạt thôn, khối phố, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, hội nghị tập huấn, sinh hoạt câu lạc bộ, các mô hình, Chương trình OCOP…; đồng thời vận động Nhân dân giám sát, phát hiện việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để phản ánh, kiến nghị cơ quan chức năng xử lý, góp phần bảo vệ hàng Việt Nam, đề xuất triển khai các biện pháp chống hàng giả, hàng kém chất lượng… nhằm tạo lòng tin, sự an tâm đối với người tiêu dùng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phối hợp với Phòng KT&HT huyện và các đơn vị, doanh nghiệp, siêu thị, tổ chức các đợt hội chợ đưa hàng Việt về với nông thôn; mở 02 lớp tập huấn về Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sản phẩm hàng hóa trong nước cho 200 hộ dân buôn bán tại chợ Việt An và Tân An Hiệp Đức. Nhân kỷ niệm ngày thành lập của Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, các cơ quan đã phối hợp tổ chức Ngày hội "Âm vang tháng 10", tổ chức cho 11 xã, thị trấn trưng bày gian hàng các sản phẩm tại địa phương, thu hút cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đến tham dự và mua sắm, qua đó góp phần quảng bá chất lượng hàng hóa sản phẩm tại các địa phương trong huyện.
Phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội LHPN huyện tổ chức Ngày hội khởi nghiệp và trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm sáng tạo, qua đó tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia trưng bày các gian hàng quảng bá sản phẩm OCOP tại địa phương, góp đưa hàng Việt vào tiêu thụ trong Nhân dân.
Hoạt động Ngày hội khởi nghiệp tại huyện Hiệp Đức
Phòng KT & HT huyện và các đơn vị liên quan có nhiều nỗ lực, sáng tạo trong triển khai thực hiện cuộc vận động và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ, rà soát, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, định hướng tiêu dùng; hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương như: Công ty TNHH một thành viên Linh Phụng; cơ sở sản xuất đồ gỗ Đạt Tân; HTX Mây tre đan Quế Thọ; HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm Nhì Tây xã Bình Lâm và Hòn Kẽm tại xã Hiệp Hòa; Tổ hợp tác rau sạch xã Hiệp Thuận; cơ sở sản xuất phân viên dúi sâu Bà Ba xã Bình Lâm; cơ sở bánh trán, kẹo đậu Bình Lâm; Công ty cổ phần may Bình Lâm, Hiệp Đức. Đến nay Hiệp Đức có 05 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao đó là: Nấm bào ngư tẩm gia vị; tinh bọt nghệ; kẹo đậu phụng dẻo; tinh bột mầm đậu nành Cô Sen; bột ngũ cốc Hằng Moon… đã tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh được dư luận đánh giá cao.
Các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác ngăn chặn, chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng không rõ nguồn gốc lưu hành trên thị trường… tạo tâm lý yên tâm cho người tiêu dùng. Kiểm tra hướng dẫn các cửa hàng bán nhỏ, lẻ, các tiểu thương nhân bán hàng tại các chợ Hiệp Đức, chợ Việt An xã Bình Lâm nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam để tăng số lượng hàng nội tiêu thụ tại địa phương.
Các doanh nghiệp, công ty trên địa bàn huyện đã không ngừng mở rộng các kênh phân phối sản phẩm nhằm tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, xây dựng thương hiệu, cam kết quan tâm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về quyền lợi của mình. Thông qua các ngày lễ lớn, tết Nguyên Đán, nhiều tổ chức doanh nghiệp đã chủ động, tích cực đưa hàng về nông thôn, đặc biệt là các chương trình giảm giá cho các hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm kích cầu tiêu dùng trong tầng lớp nhân dân. Trong 12 năm đã tổ chức được 13 đợt hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, quảng bá thương hiệu, thu hút hơn 9 ngàn lượt người tham gia. Điều đáng mừng là qua các đợt hội chợ, tỷ lệ hàng nội được bán ra với số lượng rất lớn, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Nhìn chung, qua triển khai thực hiện cuộc vận động, các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi trong sản xuất và ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Người tiêu dùng hiểu rõ đồng hành cùng hàng Việt chính là thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp cho hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế; khả năng tiêu dùng trong nhân dân tăng, Cuộc vận động đã thực sự đi vào lòng dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, góp phần nâng cao thương hiệu Việt. Cuộc vận động đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương, góp phần ổn định tình hình ANCT, TTATXH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.