Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hồ Nghinh - “Ông sinh ra là để làm công tác Mặt trận”

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 14:08 | 04/09/2024 Lượt xem: 102

“Là một trí thức có hiểu biết sâu rộng văn hóa phương Đông và phương Tây, thông thạo tiếng Pháp và Nho học, với cách nói khúc chiết, phong thái nho nhã, nên được giới nhân sĩ, trí thức mến mộ, nể trọng. Đồng chí có quan hệ thân tình với nguyên Tổng đốc, danh y Lương Trọng Hối, bác sĩ Trần Đình Nam, bác sĩ Phạm Phú Dõng, những người có ảnh hưởng rộng trong giới nhân sĩ, trí thức Quảng Nam thời bấy giờ”. Chính vì vậy, đồng chí, bạn bè đương thời nói: “Ông sinh ra hình như là để làm công tác Mặt trận”.

“Ông sinh ra là để làm công tác Mặt trận”

Đồng chí Hồ Nghinh, còn có tên là Hồ Hữu Phước, sinh ngày 15/02/1913 tại làng Thi Lai, phủ Duy Xuyên, nay là xã Duy Trinh, trong một gia đình nhà nho thanh bạch, có truyền thống hiếu học và yêu nước. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, Hồ Nghinh ra Huế học tại Trường Quốc học Huế, cùng lớp với đồng chí Võ Nguyên Giáp. Tại đây, người thanh niên xứ Quảng này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các phong trào đấu tranh yêu nước và tiếp thu đường lối cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, đồng chí bị bắt và bị kết án hai năm tù giam vì tham gia cách mạng.

Trong thời gian ở tù, Hồ Nghinh tranh thủ học nhiều ngoại ngữ: Anh, Trung Quốc, Pháp. Nhờ đọc nhiều, hiểu sâu, Hồ Nghinh được xem là có nhiều hiểu biết cả Đông, Tây, thông kim bác cổ. Những năm 1943-1944, đồng chí bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh, tiếp thu chủ trương đánh Pháp, đuổi Nhật của Việt Minh. Tháng 8/1945, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương; tháng 02/1946, được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Duy Xuyên, rồi Phó Bí thư Huyện ủy. Tháng 01/1949, đồng chí được bổ sung vào Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó được bầu vào Ban Thường vụ, đảm nhận nhiệm vụ Chủ nhiệm Mặt trận Liên Việt tỉnh.

Trong những năm làm công tác Mặt trận, đồng chí luôn gần gũi với Nhân dân, đi vào quần chúng một cách dung dị, thoải mái. Đặc biệt, năm 1952, trước tình hình nạn đói diễn ra hết sức nặng nề, Tỉnh ủy đã họp và đề ra các giải pháp để cứu đói và phân công cán bộ về các địa phương để đôn đốc việc chống đói. Hình ảnh đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Hồ Nghinh, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt tỉnh trực tiếp quẩy đôi gánh bầu, đi cấp phát lương thực đã gây xúc động trong lòng bao cán bộ và Nhân dân Quảng Nam lúc bấy giờ. Chính vì vậy, các bạn bè đương thời nói: “Ông sinh ra hình như là để làm công tác Mặt trận”.

“Có dân là có tất cả”

Những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, đồng chí luôn có mặt nơi tuyến đầu... Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, Đà Nẵng được xác định là địa bàn trọng điểm của chiến trường Khu 5. Với trách nhiệm là Phó Bí thư rồi Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, đồng chí đã vào tận nội thành phố Đà Nẵng giữa ban ngày để nắm tình hình địch, mặc dù biết rằng việc đó rất nguy hiểm và có thể đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh, đồng chí luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “lấy dân làm gốc”, sẵn sàng tiên phong ra những nơi khó khăn ác liệt nhất. Có những lúc cái chết luôn kề bên, song đồng chí vẫn không sờn lòng, luôn bám sát, nắm chắc tình hình địch để chỉ đạo phong trào, bao nhiêu lần vào sinh ra tử nhưng đồng chí vẫn gắn bó với Nhân dân.

Đặc biệt, từ sau Xuân Mậu Thân năm 1968, địch đánh phá ác liệt, nhiều vùng ở Quảng Đà bị chúng cày xới nhiều lần, không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra dao động, dân không trụ bám nổi. Chính trong tình thế nóng bỏng này, đồng chí Hồ Nghinh quyết định đưa Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà về đứng chân ở Gò Nổi - nơi bị đánh phá, cày ủi hết sức ác liệt. Một số cán bộ lãnh đạo do dự, can ngăn, nhưng đồng chí quả quyết: “Việc cần nhất của mình lúc này là có mặt tại chỗ”. Đồng chí nói: “Tôi mà đứng ở đây thì dù có ác liệt tới mấy chắc cũng không có Bí thư Huyện ủy nào bỏ huyện của mình mà chạy. Bí thư các huyện mà còn trụ bám thì chắc chắn Bí thư các xã cũng sẽ trụ bám theo. Bí thư xã mà trụ bám thì sẽ không có đảng viên nào bỏ dân”. Rồi đồng chí nói như đinh đóng cột: “Còn đảng viên thì sẽ còn dân trụ lại, địa bàn sẽ còn, phong trào sẽ còn”. Phương châm “Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, trên bám dưới” từ đó mà ra. Câu nói cửa miệng của cán bộ nằm vùng thời đó là: “Còn dân còn tất cả, mất dân mất tất cả”.

Chính vì gần dân, sát dân, đồng chí Hồ Nghinh đã có những quyết sách kịp thời, chính xác, phát huy được sức mạnh tổng hợp của Nhân dân trong kháng chiến giành độc lập, tự do cho quê hương, làm nên chiến thắng tháng 3 lịch sử năm 1975.


Bức ảnh nụ cười chiến thắng. Từ trái qua Tổng Bí thư Lê Duẩn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và
đồng chí Hồ Nghinh sau ngày giải phóng

“… phải có trách nhiệm lo cho dân!”

Nếu như trong chiến tranh, đồng chí Hồ Nghinh là người luôn có mặt ở những vị trí nóng bỏng, ác liệt nhất thì trong xây dựng, đồng chí là người sáng tạo, quyết đoán, dám làm, dám chịu trách nhiệm để lo cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân.

Dấu ấn lớn nhất của đồng chí trong thời gian này là chỉ đạo quyết liệt việc khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân. Chính đồng chí đã linh hoạt, chủ động triển khai nhiều chủ trương của Trung ương cho phù hợp với điều kiện thực tế Quảng Nam - Đà Nẵng. Là người đứng đầu Tỉnh ủy, đồng chí bình tĩnh xem xét tình hình, đề ra những biện pháp giải quyết thích hợp, có hiệu quả. Một trong những việc làm khó khăn nhất lúc này là di dời mồ mả ở những vùng đất đai màu mỡ ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang, Đại Lộc… đưa lên các vùng đồi núi, giải phóng đồng ruộng, đây là một chủ trương rất táo bạo cũng là một việc lớn của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngay từ đầu, đã vấp phải sự phản đối rất quyết liệt ngay từ trong cán bộ, trung, cao cấp, lão thành, vì bao nhiêu năm mồ mả cha, ông đã yên ổn, giờ chuyển đi nơi khác như một cái gì đó không đụng chạm đến sự yên ổn của cha, ông. Trước tình hình đó, đồng chí triệu tập hội nghị “Diên hồng” thuyết phục để người dân hiểu và thực hiện. Vậy là hàng trăm ngôi mộ được dời đến những nơi cao ráo, thoáng đãng để giải phóng đất đai phục vụ sản xuất. Những cánh đồng lúa xanh tốt sau ngày quê hương giải phóng là kết quả một thời đồng chí dồn mọi suy nghĩ, tâm huyết cho cuộc sống của người dân.

Nhiều người cho rằng “Vùng cát nghèo là định mệnh!”. Đồng chí Hồ Nghinh lại không cho như vậy, đồng chí cho rằng phải xóa cái nghèo đói ở vùng cát bằng chính sách khuyến khích trồng rừng, làm thủy lợi đưa nước về, cải tạo đất, chuyển hướng sản xuất. Công trình Thủy lợi Phú Ninh là một minh chứng. Đồng chí Hồ Nghinh cùng với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan “phải vừa thiết kế, vừa thi công” công trình Thủy lợi Phú Ninh, đây là một quyết định mang tính táo bạo lúc bấy giờ...

… ngày 29/3/1977, với sự táo bạo, quyết đoán của đồng chí Hồ Nghinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ hai ngày giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, tỉnh đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình. Đồng chí Hoàng Minh Thắng, lúc đó là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng nói về vai trò của đồng chí Hồ Nghinh: “Quan điểm của Anh là người dân đi theo cách mạng vì tin ở cách mạng, nay đất nước độc lập, thống nhất, dứt khoát mỗi cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm lo cho dân, lo cái ăn, cái mặc, học hành, đi lại. Để người dân thiếu ăn, thiếu mặc là mình có tội. .. Anh toàn tâm toàn lực lãnh đạo xây dựng hồ chứa nước Phú Ninh, để kịp thời cung cấp nước tưới cho hàng vạn hécta ruộng. Đó là công trình tầm vóc, có ý nghĩa lớn lao nhất của Quảng Nam - Đà Nẵng mãi khắc ghi tên Anh, bản lĩnh Anh, trách nhiệm thiêng liêng của Anh mà theo thời gian ngẫm lại càng thấy giá trị nhân bản quyết tâm cao của Anh”. Không ít người dân ở Tam Kỳ, Thăng Bình đã nói: “Cần tạc tượng ông Hồ Nghinh đặt ở Phú Ninh”. Thiết nghĩ, chỉ riêng ý kiến ấy đã là một bức tượng tạc trong lòng mỗi người dân xứ Quảng.

Từ tháng 4/1982, đồng chí giữ chức Phó ban Kinh tế Trung ương cho đến lúc nghỉ hưu (1986). Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Huy hiệu 60, 50, 40 năm tuổi Đảng, Huân chương Hồ Chí Minh, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đồng chí từ trần ngày 15/3/2007.

Tác giả: Lê Năng Đông

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết