Chi tiết tin

A+ | A | A-

CHIẾN THẮNG THƯỢNG ĐỨC – Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 15:36 | 31/07/2024 Lượt xem: 1512

Chiến thắng Thượng Đức (07/8/1974) đã đi vào lịch sử của vùng đất Quảng Nam “trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” và của cả nước với ý nghĩa là chiến thắng bước ngoặt, mở toang “cánh cửa thép” giải phóng Đà Nẵng tiến tới Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975.

Chiến thắng Thượng Đức mở toang “cánh cửa thép”…

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/01/1973), với âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri, quân ngụy đưa lực lượng cơ động vào thực hiện âm mưu lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, đẩy lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng chủ lực quân giải phóng ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị. Ở Quảng Đà, Mỹ- ngụy từng bước lấn chiếm lại vùng giải phóng ở phía Tây và ra sức củng cố chi khu quân sự Thượng Đức, huyện Đại Lộc, nhằm bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà.

Trước tình hình Mỹ- ngụy trắng trợn vi phạm Hiệp định Pa-ri, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) xác định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”.

Quán triệt Nghị quyết Trung ương, Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ trương tiến công tiêu diệt một số cụm cứ điểm, chi khu quận lỵ, đánh thủng từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh, đồng bằng, hoàn chỉnh vùng căn cứ miền núi phía bắc Khu 5, hỗ trợ cho lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công, nổi dậy phá vỡ hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng. Theo đó, trên địa bàn Quảng Nam, Quảng Đà tập trung tiến công quân địch vào 3 khu chiến, gồm: Nông Sơn - Trung Phước; tây Quế Sơn (Quảng Nam); Thượng Đức (Quảng Đà). Khu ủy khu 5 xác định: Giải phóng khu vực Thượng Đức (Quảng Đà) sẽ tạo thế uy hiếp thành phố Đà Nẵng từ hướng Tây Nam, tạo thuận lợi chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 ở địa bàn Quân khu 5.

Nhiệm vụ tấn công cụm cứ điểm Thượng Đức được sử dụng lực lượng chủ lực của Bộ có Sư đoàn 304 và Trung đoàn 3 Sư đoàn 324 phối hợp với các lực lượng Quân khu 5, lực lượng vũ trang và quần chúng Nhân dân trên địa bàn Quảng Đà và huyện Đại Lộc.

Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành hết sức khẩn trương, đặc biệt là khu vực trọng điểm. Đặc Khu ủy Quảng Đà cử đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Bí thư Đặc Khu ủy và đồng chí Nguyễn Bá Phước, Chỉ huy Phó Mặt trận 4 tham gia trong Ban Chỉ huy mặt trận Thượng Đức. Đặc Khu ủy còn huy động đông đảo cán bộ các ngành, các giới cùng Nhân dân trong tỉnh, chủ yếu là các huyện miền núi và Đại Lộc phục vụ cho quân chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh chiến đấu. Hàng trăm dân công các huyện miền núi được huy động phục vụ chiến dịch. Công tác tư tưởng, tổ chức, huấn luyện, hậu cần và chuẩn bị chiến trường được gấp rút triển khai...

Ngày 06/6/1974, tại Sở chỉ huy Sư đoàn 304 ở khu vực Sông Bung (huyện Nam Giang), Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Sư đoàn 304, một lần nữa đồng chí nhấn mạnh: “Chiến dịch này phải thắng cả về quân sự và chính trị. Quân sự là diệt gọn quân địch, chính trị là giải phóng và đảm bảo đời sống cho hơn một vạn dân”.

Sáng ngày 29/7/1974, Sư đoàn 304 nổ súng tấn công Thượng Đức. Sau một ngày chiến đấu ác liệt, các đơn vị thuộc Sư đoàn 304 và của tỉnh đã tiêu diệt cứ điểm Ba Khe, Gò Cấm, đồi Mồ Côi, Lục Nam, bao vây cứ điểm động Hà Sống. Tại cứ điểm Thượng Đức, lực lượng Sư đoàn 304 của ta gặp khó khăn không phát triển được, phải dừng để làm công tác tư tưởng, tổ chức lại lực lượng, chuyển chiến thuật từ đánh ngay thắng ngay sang “bao vây đánh lấn”. Lực lượng vũ trang của tỉnh làm nhiệm vụ tấn công các chốt quân sự của địch, giải phóng nhân dân ra khỏi khu dồn.

Trận chiến giữa ta và địch diễn ra ác liệt, kéo dài nhiều ngày. Với tinh thần anh dũng chiến đấu, sử dụng chiến thuật hiệu quả, đến 08 giờ 30 phút sáng ngày 07/8/1974, quân ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự Thượng Đức, Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Đảng bộ và Nhân dân Quảng Đà tặng cho Sư đoàn 304 tung bay trên chi khu quân sự Thượng Đức, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch. Từ tháng 8 đến tháng 12/1974, quân ta tiếp tục đánh bại các đợt tấn công “tái chiếm” của quân chủ lực địch, gồm quân dù và thủy quân lục chiến, bẻ gãy xương sống của lực lượng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.


Hình ảnh Tượng đài chiến thắng Thượng Đức

Ý nghĩa và bài học lịch sử

Chiến thắng Thượng Đức khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, nhạy bén của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, đồng thời phản ánh rõ sự trưởng thành vượt bậc của bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang trên chiến trường Khu 5 trong tác chiến hiệp đồng binh chủng; góp phần làm phá sản “kế hoạch bình định, lấn chiếm” và âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch.

Từ Chiến dịch Thượng Đức, ta hiểu rõ về đối tượng tác chiến, phản ứng của ngụy quân Sài Gòn, đánh giá sâu sắc và cụ thể so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường, đặc biệt là khả năng can thiệp quân sự trở lại của đế quốc Mỹ… Đó là một trong những cơ sở thực tiễn có ý nghĩa quan trọng để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam tiếp tục hoàn thiện kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Thượng Đức là một trong những chiến công vang dội của quân và dân miền Nam, có ý nghĩa chính trị và quân sự to lớn, tạo nên những cơ sở thực tiễn vững chắc để Bộ Chính trị Trung ương Đảng xây dựng quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975, như cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã khẳng định: “Chiến thắng Thượng Đức không chỉ chặt đứt cánh cửa thép bảo vệ vòng ngoài Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa chiến lược quan trọng vào thời gian này - Đó là thước đo về sự so sánh giữa lực lượng vũ trang ta và quân chủ lực ngụy. Từ thực tiễn đó đã góp phần cho Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương có những nhận định mới, đề ra những quyết sách đúng đắn và quyết định trong chiến lược tổng tiến công và nổi dậy vào mùa xuân lịch sử năm 1975”.

Chiến thắng Thượng Đức đã khẳng định được sức mạnh to lớn của tình đoàn kết quân dân. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa quân và dân huyện Đại Lộc với bộ đội chủ lực trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng vang dội đó. Chiến thắng Thượng Đức là biểu tượng sinh động cho lòng yêu nước của Nhân dân ta, tinh thần chiến đấu dũng cảm vô song của quân đội ta; là nguồn động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

50 năm đã trôi qua nhưng những bài học kinh nghiệm vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó là bài học về: đánh giá, dự báo đúng tình hình; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; phát huy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta; vận dụng nghệ thuật quân sự độc đáo vào thực tiễn chiến trường.

* Biên soạn theo: “Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (1930-1975)” và: “Kỷ yếu hội thảo Chiến thắng Thượng Đức - Ý nghĩa và bài học lịch sử”.


Tác giả: Lê Năng Đông

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết