Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát với công tác mặt trận

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 9:06 | 03/02/2023 Lượt xem: 13256

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của bao lớp người đi trước, nhắc nhở thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thành hiện thực.


Đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Tận tâm với công tác Mặt trận

Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15-2-1913, trong một gia đình viên chức nghèo ở xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Nhiệt huyết cách mạng đã được Huỳnh Tấn Phát ấp ủ ngay từ thời học sinh, sinh viên. Năm 1933, sau khi hoàn tất chương trình bậc trung học tại Trường Petrus Ký, Huỳnh Tấn Phát thi vào Khoa Kiến trúc, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (Hà Nội) và tích cực tham gia các hoạt động của Tổng hội Sinh viên Đông Dương và Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ. Năm 1936, Huỳnh Tấn Phát tham gia phong trào Đông Dương Đại hội, cùng một số anh em tổ chức đoàn đại biểu học sinh, sinh viên lên gặp phái đoàn Godard (đại diện Chính phủ Bình dân Pháp sang Đông Dương) để trình “Tập thư thỉnh nguyện” đòi dân sinh, dân chủ.

Cuối năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp đại học đạt thủ khoa ngành kiến trúc, trở về Sài Gòn, làm nghề kiến trúc sư tập sự tại văn phòng kiến trúc sư Pháp Chauchon; sau đó mở văn phòng riêng. Huỳnh Tấn Phát cũng là người Việt Nam đầu tiên mở văn phòng luật sư ở Sài Gòn, nhưng ông không quan tâm nhiều đến việc kinh doanh mà chuyển hướng sang hoạt động chính trị; làm báo và sử dụng tờ Tuần báo Thanh niên vào mục đích tập hợp lực lượng yêu nước, phát động thanh niên chiến đấu theo lý tưởng cách mạng, phát triển mạnh phong trào truyền bá Quốc ngữ, phong trào cứu nạn đói Bắc Kỳ và đặc biệt là phong trào Thanh niên Tiền phong. Đây là lực lượng nòng cốt trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Sài Gòn tháng 8-1945, mà ông là trưởng ban cổ động.

Vào giữa năm 1982, trên cương vị là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Huỳnh Tấn Phát ra sức khôi phục và phát triển Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước, theo đúng chức năng, nghiệp vụ quản lý nhà nước về ngành kiến trúc và xây dựng. Ông quy tụ được một số đông kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng giỏi để phát huy tác dụng của ngành. Tiếp đó ông được chuyển sang làm công tác Mặt trận. Nhiều người muốn kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát ở lại phụ trách ngành, nhưng ông không chần chừ, sẵn sàng sang cơ quan Mặt trận. Ông góp sức với Đảng đoàn và Ban Thư ký soạn Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18-4-1983 của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa V) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới”, một chỉ thị có thể làm nền tảng cho công việc đổi mới công tác Mặt trận, góp nhiều kinh nghiệm chuẩn bị nội dung, nhân sự.

Tháng 5-1983, Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình, ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch  Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát tận tình cổ vũ cho sự nghiệp đại đoàn kết, nhất là đối với miền Nam, tuyến đầu Tổ quốc trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ. Đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn, nơi hội tụ nhiều tôn giáo, nhiều tổ chức xã hội mang màu sắc chính trị, công tác Mặt trận ở đây đòi hỏi phải đi sâu nghiên cứu từng đối tượng, từng chính sách. Do đó, ông rất chú ý chăm sóc, phát huy lực lượng trí thức tại chỗ và góp phần giải quyết tốt những vấn đề có tính chất chiến lược lâu dài như vấn đề đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần và tư tưởng của họ.

Ông luôn nhắc nhở cán bộ Mặt trận các cấp: Mặt trận không phải là tổ chức hiếu hỷ, cùng với tổ chức chính trị - xã hội là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Ông đặc biệt hoan nghênh chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dù giữ chức vụ nào, ông cũng luôn có tác phong giản dị, nếp sống thanh bạch.

Là một nhà cách mạng yêu nước, ông được Đảng, Nhà nước và nhân dân tín nhiệm trao giữ nhiều trọng trách trong cả giai đoạn chiến tranh và sau giải phóng: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông cũng từng kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Xây dựng cơ bản Nhà nước; Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

Tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế

Suốt cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào.

Đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh viếng đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại.

Đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh viếng đền thờ cụ Huỳnh Tấn Phát tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại.

Gần suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền, vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như: Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”... Ngay cả khi bị bắt, bị giam trong Khám Lớn Sài Gòn, gia đình gặp nhiều khó khăn, đồng chí vẫn kiên định lý tưởng, tuyệt đối tin tưởng cách mạng, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Cùng với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.

Trên cương vị Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam được Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ II (tháng 5-1983) bầu, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW. Đồng chí đã đi khắp các tỉnh để phổ biến, phân tích nội dung của chỉ thị và đề ra những biện pháp củng cố tổ chức Mặt trận cơ sở.

Với sự nỗ lực của đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và nhân dân tiến bộ trên thế giới xem đồng chí là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng.

Từ khi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3-1945) cho đến khi trở về cõi vĩnh hằng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tuyệt đối trung thành với lý tưởng mình đã chọn. Lý tưởng và tố chất của người cộng sản đã làm cho tài năng và đức độ của đồng chí tỏa sáng. Suốt đời phấn đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, luôn tin vào sức mạnh của quần chúng và sự tất thắng của cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát cũng luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Cuộc đời hoạt động không mệt mỏi và những cống hiến to lớn cho đất nước và dân tộc của đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.

Do có những công lao đóng góp và thành tích lớn đối với cách mạng, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM TỈNH KIÊN GIANG

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết