Quan điểm trên được các lãnh đạo cấp cao, chuyên gia khẳng định tại hội thảo khoa học cấp quốc gia về nhà lãnh đạo xuất sắc Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922 – 23/11/2022), sáng 22/11. Hội thảo do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thành uỷ TP HCM, và Tỉnh uỷ Vĩnh Long phối hợp tổ chức.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trên các cương vị lãnh đạo, từ Bí thư Thành ủy TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt luôn là người khởi động và thúc đẩy quá trình đổi mới nền kinh tế.
Năm 1977, TP HCM rơi vào tình cảnh thiếu đói, với vai trò Bí thư Thành ủy, ông Kiệt đã lập "tổ thu mua lúa gạo", chỉ đạo "xé rào", tổ chức thu mua gạo theo "giá thỏa thuận" để kịp thời đáp ứng nhu cầu gạo của người dân thành phố. Hành động này dù đi ngược các quy định đương thời, thậm chí có thể bị kỷ luật nặng, song được nhiều người dân ủng hộ. Việc này về sau trở thành ví dụ tiêu biểu cho "đột phá" cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong phân phối hàng hóa.
Sau này vào năm 1982, khi ra Hà Nội làm Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước năm 1982, ông Võ Văn Kiệt luôn tìm cách để đổi mới công tác kế hoạch hóa. Ông đã chỉ đạo Ủy ban Kế hoạch Nhà nước từng bước thay đổi việc quản lý theo hướng giảm các chỉ tiêu kế hoạch mang tính pháp lệnh, tăng tự chủ cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh.
Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải cách kinh tế ở Việt Nam, chính thức khởi động quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế. Với vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Kiệt cùng với các cộng sự đưa vào Văn kiện Đại hội những nội dung quan trọng, "nhằm khắc phục bệnh tập trung quan liêu, bao cấp trong kế hoạch hoá; phải vận dụng đúng đắn và rộng rãi quan hệ hàng hoá - tiền tệ...".
Mùa thu năm 1989, tại cuộc gặp với các chuyên gia kinh tế và Ngân hàng Nhà nước, ông Kiệt đã nêu quan điểm đổi mới ngân hàng chính là tổ chức hệ thống ngân hàng thành hai cấp: Ngân hàng Nhà nước quản lý hệ thống, các ngân hàng thương mại lo kinh doanh tiền tệ và tín dụng. Đây được xem là khâu đột phá trong quản lý, kinh doanh tiền tệ lúc đó chưa ai nghĩ đến.
Về mặt quan hệ quốc tế, ông Đỗ Hùng Việt, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại Giao nói cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người "đi tiên phong" trong hoạch định đường lối đổi mới, để lại " di sản" đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Một trong những sáng kiến "phá vây" lúc đó của ông là chiến dịch "hoa sen nở", đi từ trong ra, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn, đi đôi việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.
Từ đó, Việt Nam tạo ra vị thế mới cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước ở vòng cung thứ hai thuộc khu vực Tây Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, tiếp đó vươn sang vòng cung xa hơn là EU. Thành công của những bước đi ấy tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy Mỹ chấm dứt chính sách cô lập, cấm vận Việt Nam.
Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao, từng kể: "Thật tình, tôi rất ngạc nhiên về cách đặt vấn đề mang tính chiến lược như vậy của anh Sáu - một người vốn chưa hoạt động đối ngoại nhiều. Càng về sau tôi càng nghiệm thấy rõ ràng, kinh nghiệm đấu tranh cách mạng và chỉ đạo chiến tranh đã hun đúc trong anh tầm nhìn chiến lược cả về đối ngoại".
Từ tháng 10/1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ động dẫn đầu Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đi thăm chính thức Indonesia, Thái Lan và Singapore, sau đó là Malaysia, Philippines và Brunei. Kết quả là quan hệ Việt Nam - ASEAN từ đối đầu trong hơn 10 năm chuyển sang hợp tác vì phát triển. Khi nội bộ còn rụt rè trong việc tham gia ASEAN, chính ông đã nhắc nhở: "Rụt rè, bỏ lỡ cơ hội này sẽ là thảm họa cho đất nước". Với tinh thần đó, năm 1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, đánh dấu lịch sử trong quan hệ quốc tế ở Đông Nam Á.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, đánh giá với tầm nhìn vượt thời gian, ông Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo thực hiện loạt công trình kinh tế trọng điểm quốc gia, như: đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam; đường bắc Thăng Long - Nội Bài; cao tốc Láng - Hòa Lạc; nhà máy lọc dầu Dung Quất...
"Ông Võ Văn Kiệt là tấm gương cho mọi lãnh đạo về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nói.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tên khai sinh là Phan Văn Hòa (bí danh Sáu Dân, Chín Hòa), sinh ngày 23/11/1922 trong gia đình nông dân, ở làng Trung Lương, tổng Bình Trung, huyện Vĩnh Trị, nay là xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
Ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương năm 17 tuổi và hoạt động cách mạng đến ngày thống nhất đất nước. Năm 1976, ông làm Chủ tịch UBND TP HCM, sau đó giữ chức Bí thư Thành uỷ TP HCM. Tháng 2/1987, ông làm Phó chủ tịch Thường trực, sau đó là Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. 5 năm sau, ông làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1992, ông được Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 1992-1997. Từ 1997 đến 2001, ông làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.