Chi tiết tin

A+ | A | A-

Ký kết Chương trình phối hợp công tác Dân tộc giai đoạn 2022-2025

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 16:18 | 29/03/2022 Lượt xem: 13614

Chiều ngày 29/3/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức tổng kết Chương trình phối hợp công tác Dân tộc giai đoạn 2018-2021 và ký kết Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2022-2025. Ông Lê Thái Bình- Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và ông Đặng Tấn Giản- Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Miền núi Quảng Nam gồm có 09 huyện, với 103 xã, thị trấn, trong đó có 14 xã biên giới. Tổng diện tích tự nhiên là 7.760,7 km2 (74,5% diện tích của tỉnh); dân số 410.000 người (27% dân số toàn tỉnh), trong đó người dân tộc thiểu số 127.504 người (31% dân số miền núi; chiếm 7,2% dân số toàn tỉnh), gồm nhiều dân tộc sinh sống như: Cơ tu, Cor, Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Ca dong, Bhnong... Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong việc tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vì vậy đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều đổi thay đáng kể. Các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng miền núi đã khơi dậy bước đầu về nguồn lực trong dân, tập trung giải quyết các yêu cầu bức xúc, thiết thực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi;  nâng cao đời sống văn hoá, vật chất, tinh thần cho người dân. Tuy nhiên, đây vẫn là vùng kinh tế còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi còn cao (30,95%), trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số khá cao.


Quang cảnh hội nghị

Qua 04 năm thực hiện Chương trình phối hợp (CTPH) số 10/CTPH-MTTQ-BDT ngày 08/02/2018 về thực hiện công tác Dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 – 2021, hai cơ quan chủ động xác định nội dung, hình thức tổ chức hoạt động phù hợp, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, trong những năm qua Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì phối hợp tổ chức 04 Hội nghị phản biện xã hội về các dự thảo Đề án gắn liền với đời sống kinh tế-xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam: Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2017-2021, định hướng năm 2025” ; Đề án Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam” (giai đoạn2018-2025); Đề án “Chính sách giảm nghèo bền vững tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2017-2021” ; Đề án “Sắp xếp dân cư vùng miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”. Phối hợp tổ chức giám sát việc thực hiện Quyết định số 3577/QĐ-UBND ngày 14/10/2016 của UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ đào tạo lao động cho các chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020; giám sát kết quả thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Thông tư liên tịch số 01/2014/TTLT-UBDT-BTC ngày 10/01/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Hàng năm, hai cơ quan tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nhân dịp Tết Nguyên đán; Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam; thăm hỏi và hỗ trợ cho người có uy tín ốm đau, gặp khó khăn; tổ chức hội nghị gặp mặt, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có uy tín; Phối hợp giới thiệu người có uy tín, tiêu biểu trong các dân tộc tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện CTPH vẫn chưa được toàn diện, thiếu thường xuyên; việc tổ chức gặp mặt, thông tin tình hình thời sự, các chủ trương lớn của tỉnh đối với người có uy tín tiêu biểu ở các huyện miền núi thực hiện chưa nhiều. Cấp tỉnh, hoạt động phối hợp phần lớn lồng ghép với nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan; cấp huyện và cơ sở phần lớn không có kinh phí thực hiện CTPH. Công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc  tại các địa phương tuy có sự quan tâm nhưng còn thiếu chiều sâu; số lượng tuyên truyền viên còn ít; chưa phát huy  hết vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền miệng ở từng cụm dân cư. Công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, sơ kết việc thực hiện CTPH  thiếu thường xuyên, chưa được coi trọng đúng mức.


Với những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế được nêu ra, hai cơ quan tiếp tục trao đổi, thảo luận và tổ chức ký kết Chương trình phối hợp công tác Dân tộc giai đoạn 2022-205 với 6 nội dung cụ thể (1) Tổ chức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên và đồng bào các dân tộc tham gia thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng về công tác dân tộc. (2) Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025. (3) Tổ chức các hoạt động, hình thức nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc, phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng, chính quyền. (4) Tổ chức kiểm tra, giám sát, khảo sát quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến đồng bào dân tộc và chính sách dân tộc. Tham gia góp ý xây dựng hoặc phản biện xã hội dự thảo các đề án phát triển kinh tế - xã hội liên quan chính sách dân tộc và công tác dân tộc (5) Chú trọng bồi dưỡng và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm thực hiện các chính sách nhằm động viên các già làng và người có uy tín. (6) Phối hợp tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ chủ quyền biên giới, nhất là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ. (7) Biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến; có biện pháp nhân rộng những mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế - xã hội; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tác giả: CHÂU THỊ HẬU

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết