Chi tiết tin

A+ | A | A-

Vai trò Mặt trận Việt Minh đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945 và vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 16:05 | 13/05/2021 Lượt xem: 51237

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 18-11-1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương thành lập Hội phản đế đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, đánh dấu sự phát triển về chất của phong trào yêu nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

90 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thể hiện rõ vai trò tập hợp, đoàn kết các tầng lớp Nhân dân thành một khối thống nhất về ý chí và hành động, tinh thần và lực lượng, tạo thành sức mạnh to lớn của cả dân tộc để hoàn thành những mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng cao cả do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Trong đó, sự ra đời và hoạt động của Mặt trận Việt Minh ngày 19-5-1941 có ý nghĩa quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh chống thực dân - đế quốc giành chính quyền về tay Nhân dân, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


80 năm ngày thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941-19/5/2021) - Báo Lâm Đồng điện tử
Bác Hồ về nước (28/1/1941). Tranh vẽ: Nhandan.com.vn

1. Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Khi chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tình hình cách mạng thế giới có sự chuyển biến nhanh chóng và phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật của Nhân dân ta bước vào giai đoạn phát triển mới. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng quyết định sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng - khẳng định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam trong lúc này. Để thực hiện mục tiêu trên, Hội nghị quyết định thành lập tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh) nhằm tập hợp và đoàn kết rộng rãi các giai cấp, các dân tộc, tôn giáo, các giới… tham gia Mặt trận Việt Minh với tuyên ngôn: “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa đế quốc hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”([1]). Mặt trận Việt Minh ra đời thay cho Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương và đặt ra nhiệm vụ giúp đỡ các dân tộc Lào và Campuchia thành lập tổ chức Mặt trận của mình. Mặt trận Việt Minh lấy lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh làm huy hiệu, khẩu hiệu chính là: phản Pháp - kháng Nhật - liên Hoa - độc lập.

Về tổ chức, Mặt trận Việt Minh có một cơ chế riêng, khác hẳn với cơ chế tổ chức của Đảng Cộng sản Đông Dương, được thành lập từ làng, đường phố, nhà máy làm cơ sở đến trung ương. Ở xã có Ban Chấp hành Việt Minh do các đoàn thể Việt Minh ở làng hay xã cử ra; tổng, huyện (hay phủ, châu, quận), tỉnh, kỳ có Ban Chấp ủy Việt Minh cấp ấy; Việt Minh toàn quốc có Tổng bộ. Ngoài những đoàn thể cứu quốc có tính chất chính trị - cách mạng rõ rệt (như Hội Công nhân cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Thanh niên cứu quốc…) còn có những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai và bán công khai như Hội cứu tế thất nghiệp, Hội tương tế, Hội hiếu hỉ, nhóm học Quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo... Từ đó từng bước tập hợp, đưa quần chúng tham gia vào các tổ chức cứu quốc.

Vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 được thể hiện rõ trong nội dung Chương trình hành động gồm 44 điểm của Mặt trận Việt Minh. Trong đó, một nội dung quan trọng được xác định là chuẩn bị cho việc thành lập chính quyền của Nhân dân sau khi cách mạng giành thắng lợi. Ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng (hình thức đầu tiên của chính phủ), tổ chức các lớp huấn luyện, tập dượt cho Nhân dân nắm chính quyền và sau khi giành độc lập sẽ thành lập Chính phủ nhân dân của nước Việt Nam mới. Chính phủ ấy do quốc dân bầu ra và thi hành các chính sách mang lại quyền lợi cho Nhân dân, làm cho đồng bào được tự do, hạnh phúc. Đây là nền tảng lý luận và thực tiễn để xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân sau này.

Dưới ngọn cờ hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, tại các vùng căn cứ địa cách mạng, công cuộc chuẩn bị mọi mặt để tiến tới cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền được xúc tiến mạnh mẽ, gấp rút. Ngày 13-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện - cơ hội cứu nước ngàn năm có một đã tới. Tình thế vô cùng khẩn trương. Ngày 16-8-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào gồm hơn 60 đại biểu của các đảng phái chính trị, đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước đã thông qua Mệnh lệnh khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh, 10 chính sách lớn của Việt Minh và cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Hưởng ứng chủ trương của Đảng và lời hiệu triệu của Mặt trận Việt Minh, hơn 20 triệu Nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á.

Sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945 là kết quả tất yếu của đường lối chiến lược về tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc thông qua vai trò, sứ mệnh lịch sử vinh quang của Mặt trận Việt Minh. Tại buổi lễ, Tổng bộ Việt Minh nhấn mạnh: “Giành được chính quyền là việc khó, giữ vững chính quyền lại càng khó khăn hơn. Việt Minh suốt mấy năm nay kiên quyết phấn đấu, chịu bao hy sinh, đau đớn mới có độc lập. Ngày nay, chính quyền đã được thành lập. Việt Minh không cho thế là đủ”. Việt Minh xác định: “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm. Bởi vậy, Tổng bộ Việt Minh quyết lãnh đạo đồng bào san phẳng mọi trở lực đặng giữ vững quyền độc lập đã giành được, không trông chờ vào người khác, một lòng ủng hộ Chính phủ, sẵn sàng đập tan kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp”([2]).

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước; nhà nước kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân ra đời. Trong đó, Mặt trận Việt Minh đã thực hiện xuất sắc 2 nhiệm vụ: vừa tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp trong xã hội đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng; vừa từng bước chuẩn bị công việc của chính quyền, để khi giành được chính quyền thì lập nên một nhà nước kiểu mới của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

2. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay.

Kế tục vai trò lịch sử của Mặt trận Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xây dựng nhà nước kiểu mới đầu tiên ở Đông Nam Á, vai trò quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sau này trong việc tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân tiếp tục được kế thừa, phát huy thông qua các tổ chức: Hội Liên Việt (1946); Mặt trận Liên Việt (1951); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (ở miền Bắc-1955); Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977 đến nay).

Ngày nay, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) nhấn mạnh: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ và xây dựng xã hội lành mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước…”.

Hiến pháp năm 2013 khẳng định “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”([3])

Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy tốt vai trò nòng cốt chính trị, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; thực hiện tốt vai trò tập hợp tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của Nhân dân; cùng với cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Qua đó, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đi đôi với thực hiện giám sát, phản biện xã hội đã tạo sự thống nhất, đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông qua việc tổ chức góp ý đối với cấp ủy; tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân; tổ chức “diễn đàn nhân dân” góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, phục vụ Nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, kiến nghị chính đáng của Nhân dân.

Đồng thời, tuyên truyền, động viên Nhân dân tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là Cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, phong trào “Đoàn kết sáng tạo”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, cứu trợ thiên tai, phòng chống dịch bệnh… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”([4]) ở nước ta hiện nay, việc phát huy vai trò nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng; là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Thường xuyên quán triệt và thực hiện đầy đủ trách nhiệm và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định: “Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước; thực hiện giám sát và phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước; thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân”([5]).

2. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới([6]). Tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ quán triệt, nâng cao nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên về vai trò, vị trí, nhiệm vụ và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động để Nhân dân hiểu rõ và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh củađịa phương.

3. Phát huy đầy đủ vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của Nhân dân để phản ánh với Đảng và Nhà nước để đảm bảo mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ ý chí, nguyện vọng và đem lại quyền lợi cho Nhân dân. Chủ động phối hợp với chính quyền giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Thường xuyên theo dõi, giám sát việc xử lý, giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân;

4. Tăng cường vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền thông qua các “diễn đàn nhân dân”, hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Nhân dân. Tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trọng tâm là giám sát trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; hoạt động quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và liên quan trực tiếp đến đời sống Nhân dân… góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, vững mạnh để củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước;

5. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với Nhân dân, hướng về cơ sở tạo sự đồng thuận xã hội; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức Mặt trận các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm và trí tuệ của Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, thành viên các tổ chức tư vấn; tập hợp các nhân sĩ, trí thức, người uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo và chuyên gia trên các lĩnh vực tham gia vào tổ chức và hoạt động của Mặt trận để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn xứng đáng với niềm tin tưởng của Nhân dân, vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân./.



([1]) Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Tập 1 (1930-1954);

([2]) Biên niên sự kiện lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Tập 1 (1930-1954), tr. 422;

(3) Điều 9 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013;

(4) Điều 2 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013;

(5) Điều 3 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;

(6) Thông báo số 160-TB/TW ngày 15-01-2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Kết luận số 62-KL/TW ngày 08-12-2009 của Bộ Chính trị;



Tác giả: HK

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết