Tin liên quan
 |
Đào tạo nghề cho thanh niên miền núi theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh gặp nhiều khó khăn.Ảnh: DIỄM LỆ |
Doanh nghiệp “ngại” sử dụng lao động
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn hơn 7%, so với mức bình quân của cả nước là chấp nhận được. Năm 2017 hộ nghèo giảm 1,86% so với năm 2016. Thời gian qua, Nhà nước dành nhiều nguồn lực đầu tư lớn cho giảm nghèo. Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 - 2021 đã đầu tư ngân sách 623 tỷ đồng. Theo ông Triều, sở dĩ công tác giải quyết việc làm qua đào tạo nghề theo tinh thần của nghị quyết đạt thấp là trước đây doanh nghiệp đăng ký sử dụng lao động qua đào tạo nhiều, nhưng thực tế diễn ra ngược lại.
Tuy đánh giá cao nỗ lực giảm nghèo của hệ thống chính trị nhưng bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phân tích, trước đây bình xét hộ nghèo chạy theo cơ chế chính sách nên số hộ nghèo cao, dẫn đến việc hoạch định kế hoạch không chính xác. Chính quyền tỉnh cần chỉ đạo các địa phương về giảm nghèo, nhất quán tinh thần chung là đừng o bế người nghèo. Nghị quyết đến năm 2020 đào tạo 40 nghìn lao động trong khi đến nay chỉ đào tạo hơn 1.500 người là quá khiêm tốn. “Lao động qua đào tạo nghề có đảm bảo con số đề ra theo nghị quyết không?” - bà Lộc băn khoăn. Mục tiêu giảm nghèo chung 5 năm từ 2 - 2,5% nhưng năm 2018 đề xuất giảm 1,69 - 1,85% (tương ứng 5.000 - 5.500 hộ), chỉ tiêu này thấp hơn mức bình quân của kế hoạch 5 năm. Nhiều ý kiến lo ngại đến năm 2020 sẽ khó đạt mục tiêu chung. Bà Lộc đề xuất tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH sàng lọc các đối tượng nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội để có phương án hỗ trợ và không đưa vào chỉ tiêu của nghị quyết; phân bổ số lượng giảm hộ nghèo theo từng địa phương cho phù hợp.
Đại diện doanh nghiệp là Công ty CP May Trường Giang (TP.Tam Kỳ) nêu khó khăn trong thu hút lao động đầu vào. Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh về đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 ra đời do tác động của nhu cầu lao động Khu công nghiệp Tam Thăng nhưng ngược lại đến nay đào tạo ra thì các doanh nghiệp ở đây viện nhiều lý do không nhận lao động như Tập đoàn Dệt may Panko, Fashion Garment… Nghị quyết số 12 đánh giá chưa toàn diện về thực trạng nhu cầu đào tạo nghề và doanh nghiệp sử dụng người lao động. Doanh nghiệp này đề xuất giải pháp năm 2018 là cần rà soát lại lực lượng lao động tại địa phương để đánh giá sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh. Lao động dịch chuyển từ đơn vị này sang năm khác, vô hình trung làm cho cơ chế Nghị quyết số 12 gây khó cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dệt may.
Kiểm soát chặt chẽ đất đai, môi trường
Về phê duyệt danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất nên kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho thu hồi đất đối với đất lúa 2 vụ chủ động nước thay vì đất lúa chung chung. Ông Đặng Hữu Lên - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Điện Bàn cho rằng, danh mục dự án thực hiện thủ tục thu hồi đất, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra cụ thể nhưng tâm lý địa phương muốn đề nghị để thu hút đầu tư, tạo thuận lợi khi thực hiện thủ tục đầu tư.
 |
Đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: TRẦN HỮU |
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Dũng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Quảng, đơn vị hoạt động trên lĩnh vực khai thác, kinh doanh bất động sản nêu bất cập trong cơ chế thỏa thuận với người bị thu hồi đất. Ông cho rằng với các dự án công trình sản xuất - kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì doanh nghiệp phải tự thỏa thuận với người dân. Theo người dân thì giá đất thỏa thuận phải sát với giá chuyển nhượng trên thị trường, trong khi đó pháp luật chưa quy định bất kỳ thời gian nào cho sự thỏa thuận đó. “Một số trường hợp người dân đòi hỏi quá cao, hoàn toàn không có cơ sở dẫn đến chủ đầu tư gặp khó khăn để thỏa thuận các thửa đất còn lại trong dự án. Có những trường hợp dự án không thể thực hiện được vì một hai hộ đòi hỏi giá bồi thường... trên trời. Ở các khu vực giáp ranh, UBND tỉnh cần khảo sát, điều tra kỹ để đưa ra giá đất cụ thể, phù hợp với thị trường nhằm tránh khiếu nại quyền lợi” - ông Dũng nói.
Đề xuất bổ sung kinh phí cho vùng bị ảnh hưởng do bão số 12
Thống nhất với chỉ tiêu giảm số hộ nghèo cụ thể từ 5.000 đến 5.500 hộ nghèo trong năm 2018, đại biểu Huỳnh Thị Thùy Dung - Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My cho rằng, để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả thì việc giảm hộ cận nghèo cũng cần được quan tâm. Cùng với đó, người đứng đầu phải nêu cao quyết tâm và phải chịu trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo tại địa phương. Bị ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 12 nên hiện nay, cứ xuất hiện mưa liên tục trong ba ngày liền thì Bắc Trà My lại phải di dời dân đến nơi an toàn, luôn phải tổ chức trấn an nhân dân. Từ thực tế đó, bà Dung cho rằng, tỉnh cần quan tâm bổ sung thêm kinh phí đặc thù cho các huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 12 để các địa phương có thêm nguồn vốn thực hiện việc bố trí, sắp xếp lại dân cư đang là nhu cầu bức xúc trong tình hình hiện nay.
|
Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua, đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) được đánh giá là kênh huy động nguồn vốn hiệu quả nhưng vẫn chưa có khung pháp lý quy định cụ thể về hình thức đầu tư này. Đã có nhiều nhà đầu tư BT hạn chế năng lực tài chính, không đảm bảo tiến độ dự án gây bức xúc cho người dân. Theo ông Dũng, do xác định giá đất “tùy hứng”, không cân bằng được giá trị giữa hạ tầng với giá trị quỹ đất đối ứng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Liên quan đến khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) trong thực hiện các dự án trọng điểm ở ven biển Thăng Bình, ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho rằng, để năm 2018 có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư thì khẩn trương xây dựng 2 khu TĐC tập trung ở xã Bình Hải; xem xét giữ lại 47ha đất lúa vùng cát để cần thiết đáp ứng cho nhà đầu tư. “Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An qua vùng đông theo kế hoạch giải tỏa 196ha, năm 2018 thực hiện. Dân nghe dự án vào là rục rịch lén lút chạy chính sách nên cần xem xét giữ lại quỹ đất lúa trên cát” - ông Vỹ thông tin.
Về quản lý bảo vệ rừng, ông Zơ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang kiến nghị nên giao rừng cho cộng đồng làng bảo vệ, quản lý chứ không giao cho nhóm hộ, cá nhân. Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong trồng rừng thay thế có tình trạng phát dọn thực bì rồi đem trồng lại rất lãng phí. Vì vậy nên giữ lại số cây đã có trên diện tích trồng rừng thay thế. Không nhất thiết quy định chỉ giao ban quản lý rừng thực hiện trồng thay thế mà có thể linh động giao về cho địa phương trồng để gắn với quyền lợi người dân. Dự án trồng rừng theo chương trình KFW6 đã kết thúc, đất đã giao và cấp quyền sử dụng đất cho dân nhưng chưa cấp kinh phí dẫn đến tình trạng dân phá rừng nên chính quyền tỉnh cần có giải quyết dứt điểm. Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến đề xuất HĐND tỉnh nên thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm giao hẳn cho chính quyền địa phương thực hiện toàn bộ việc quản lý, bảo vệ rừng tại địa bàn; thành lập các tổ quản lý, bảo vệ rừng và chịu trách nhiệm về công tác bảo vệ rừng tại địa phương. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong xử lý các vụ việc liên quan để kịp thời và hiệu quả hơn.
Điểm yếu dai dẳng trong xử lý môi trường cũng được nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi tại phiên thảo luận tổ sáng 6.12. Ông Nguyễn Văn Diệu - Phó ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh thông tin, toàn tỉnh có 86 cụm công nghiệp nhưng chỉ 1 cụm có hệ thống xử lý nước thải. Chỉ có hơn 66% khu công nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải trong khi chỉ tiêu đề ra là hơn 83%. “Đây là nguy cơ lớn trong kiểm soát môi trường” - ông Diệu nói.