Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đề cương Tuyên truyền 50 năm "Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” (17/9/1967 - 17/9/2017)

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 8:55 | 31/08/2017 Lượt xem: 12199

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Quảng Nam được tuyên dương danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” (17/9/1967 - 17/9/2017), thực hiện Hướng dẫn số 19-HD/BTGTU ngày 25/8/2017 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, Ban biên tập Trang thông tin điện tử Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn đề cương tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn để Uỷ ban MTTQ Việt nam các huyện, thị xã, thành phố căn cứ nội dung tổ chức tuyên truyền.

ĐỀ CƯƠNG
Tuyên truyền Kỷ niệm 50 năm Ngày tỉnh Quảng Nam được tuyên dương 
danh hiệu “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”
(17/9/1967 - 17/9/2017)


Thực hiện Chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” với nhiều thủ đoạn thâm độc đế quốc Mỹ vẫn không cứu vãn nổi nguỵ quyền Sài Gòn đang đứng trước bờ vực thẳm của sự sụp đổ; nguỵ quân "xương sống" của chiến tranh đặc biệt đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Chúng chuyển sang thi hành chiến lược "Chiến tranh cục bộ" đưa quân viễn chinh Mỹ trực tiếp tham chiến với quy mô lớn trên chiến trường miền Nam; sử dụng lực lượng không quân và hải quân đánh phá miền Bắc. Mỹ triển khai chiến lược “tìm và diệt” với 2 gọng kìm “tìm diệt” và “bình định”. 
Trước tình hình đó, Đảng ta chủ trương: “Động viên lực lượng cả nước, kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất kỳ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tiến hành thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà”.
Ngày 8-3-1965, quân Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng. Ngày 7-5-1965, quân Mỹ đổ bộ vào xã Kỳ Hà, Kỳ Liên, huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành). Trong một thời gian ngắn Mỹ đã đưa vào đây 5 tiểu đoàn của Sư 1, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội pháo 105 ly, 2 đại đội xe bọc thép, 1 đại đội pháo tự hành, 5 phi đoàn máy bay trực thăng, 1 phi đoàn máy bay phản lực tiêm kích. Chúng xây dựng Căn cứ Chu Lai; triển khai lực lượng chiến đấu, mở nhiều đợt càn quét, nhằm đẩy lực lượng ta ra xa tạo vành đai trắng bảo vệ căn cứ. 
Quân Mỹ vào ngày càng đông, liên tục càn quét và chốt điểm; quân ngụy gượng dậy, tổ chức phản công; mức độ ác liệt của chiến tranh tăng lên. Vùng giải phóng nông thôn, đồng bằng và vùng căn cứ miền núi, đặc biệt là những nơi có hành lang của ta thường xuyên bị đich bắn phá.
Ngay từ khi Mỹ đổ bộ vào, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam đã quán triệt tinh thần "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".  Vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này là làm cho mọi người có tinh thần dám đánh Mỹ rồi biết cách đánh Mỹ, kiên trì phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”; giải đáp kịp thời những băn khoăn, lo lắng của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân khá phổ biến lúc này là: quân Mỹ vào, ngôn ngữ bất đồng, ta có thể tiến hành đấu tranh chính trị và binh vận được không? Có thể giữ vững vùng ta đang làm chủ được không? Cán bộ, đảng viên và du kích đánh Mỹ bằng cách nào? Làm thế nào để ngăn chặn quân Mỹ từ căn cứ Đà Nẵng, căn cứ Chu Lai nống ra và chốt điểm?
Giữa lúc biết bao câu hỏi đang cần giải đáp, Trung ương cục miền Nam và Khu ủy V phát động cao trào “Toàn dân hiến kế đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; Bộ Tư lệnh Quân khu V triệu tập hội nghị quân chính, hội nghị du kích chiến tranh và phát động phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Tỉnh ủy Quảng Nam tích cực triển khai chủ trương này. Phong trào “Nhà nhà đón thư Đảng, bàn việc đánh Mỹ, cứu nhà, cứu nước” dấy lên sôi nổi ở vùng nông thôn đồng bằng giải phóng, căn cứ miền núi và cả ở vùng “cài răng lược” giữa ta và địch. Từ trong thực tế đánh Mỹ, vành đai diệt Mỹ Chu Lai được hình thành, tạo cơ sở thực tiễn để khẳng định khả năng ta có thể đánh Mỹ bằng “2 chân, 3 mũi giáp công”. 
Huyện Nam Tam Kỳ trở thành tuyến đầu đánh Mỹ ở Quảng Nam trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai, lực lượng chiến đấu gồm đại đội độc lập của tỉnh, bộ đội và du kích huyện Nam Tam Kỳ. Các huyện Bắc Tam Kỳ, Tiên Phước, Thăng Bình, Quế Sơn cử mỗi huyện một đại đội từ 12 đến 13 tay súng đến xã Kỳ Sanh huyện Nam Tam Kỳ (huyện Núi Thành) để tham gia chiến đấu và học tập kinh nghiệm đánh Mỹ.
Ngày 17-5-1965, một đại đội lính Mỹ từ căn cứ Chu Lai lên phía tây Quốc lộ 1, chốt điểm ở Núi Thành để bảo vệ phía Tây căn cứ Chu Lai. Đêm 25 rạng ngày 26-5-1965, đại đội lính Mỹ này đã bị Đại đội 2 của Tiểu đoàn 70 Quảng Nam được tăng cường 12 chiến sỹ của Đại đội Đặc công 16 tiêu diệt sau 30 phút chiến đấu. Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” tung bay trên đỉnh Núi Thành. 
Đại đội 2 Tiểu đoàn 70 được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cờ “Lập công đầu, diệt gọn từng đơn vị chiến đấu Mỹ”.
Chiến thắng Núi Thành tuy là trận đánh nhỏ, số lượng quân Mỹ bị tiêu diệt không nhiều, song có ý nghĩa lịch sử, nói lên tinh thần cách mạng tấn công, sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm của quân ta hoàn toàn có khả năng diệt quân Mỹ, dù chúng có ưu thế về trang bị và hỏa lực.
Ta không chỉ đánh trên vành đai diệt Mỹ mà còn tấn công vào căn cứ quân sự Chu Lai và một số cứ điểm quan trọng của quân Mỹ- Nguỵ. Phong trào "Tìm Mỹ mà đánh", "Tìm nguỵ mà diệt", bắn tỉa, công đồn diệt viện, phong trào đấu tranh chính trị binh vận, trong đó, đặc biệt là phong trào đấu tranh trực diệt với quân Mỹ ngày càng được phát động sâu rộng. Tư tưởng không ngại nghĩ, dám đánh Mỹ và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược được xác định. Thế trận chiến tranh nhân dân được giữ vững.
Qua 2 cuộc phản công mùa khô 1965-1966, 1966-1967 với những nỗ lực cao nhất, đế quốc Mỹ vẫn không thực hiện được mục tiêu chiến lược của chúng. Quân và dân Quảng Nam đã chịu đựng khó khăn gian khổ, ác liệt, hy sinh to lớn, ra sức đánh địch, càng đánh càng trưởng thành, càng đánh càng mạnh, sáng tạo ra nhiều cách đánh, nhiều hình thức đấu tranh chính trị, binh vận, tấn công địch trên cả 3 vùng miền núi, nông thôn đồng bằng và đô thị. Chiến thắng Núi Thành và nhiều chiến công vang dội khác, sáng tạo “Vành đai diệt Mỹ Chu Lai”, với việc tìm cách đánh Mỹ, sáng tạo phương châm “3 bám” , kịp thời rút kinh nghiệm báo cáo lên cấp trên để chỉ đạo chung, Đảng bộ, nhân dân Quảng Nam đã góp phần vào kinh nghiệm đánh Mỹ của nhân dân miền Nam và cả nước.
Tại Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ 2, ngày 17-9-1967, với sự tham dự của đại biểu các tỉnh, thành và Bộ Tư lệnh các quân khu 5, 6, 7, 8, 9 và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định, Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tuyên dương Đảng bộ, quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu: “Quảng Nam trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Đây là một điểm son tô thắm cho truyền thống cách mạng vẻ vang của quân và dân tỉnh Quảng Nam, thể hiện tinh thần cách mạng tiến công, sự ngoan cường dũng cảm của lực lượng vũ trang ta, dám đánh và biết đánh thắng quân Mỹ xâm lược ngay từ khi chúng đặc chân lên đất nước ta; đồng thời khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo về đường lối chiến tranh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phát huy truyền thống trung dũng kiên cường, với phương châm "Hai chân, ba mũi giáp công" Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Quảng Nam liên tục tấn công tiêu diệt địch. Ngày 24/3/1975 Quảng Nam được giải phóng góp phần cùng nhân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng, phát huy truyền thống hào hùng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam  đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, từng bước tạo ra bước chuyển cơ bản từ một tỉnh thuần nông sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ một tỉnh khó khăn vươn lên trở thành địa phương phát triển khá ở khu vực miền Trung./. 

Tác giả: Ban biên tập

Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết