Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết tại Thăng Bình
Hoạt động từ thiện xã hội là hoạt động nhân đạo, phù hợp với văn hóa, đạo đức của Nhân dân ta, nhằm góp phần cùng Đảng, Nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội. Các địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, điều kiện chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn. Đặc biệt, trong hoàn cảnh bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt, dịch bệnh Covid -19 trong những năm qua, sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân bằng giá trị vật chất và tinh thần góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, ổn định chính trị, bảo đảm an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, truyền cảm hứng của lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự sẻ chia tình yêu thương của Nhân dân ta.
Âm thầm giúp ích ai cần tới
Lặng lẽ trao lòng kẻ khó vơi
Góp chút thâm tâm làm phúc lợi
Chung tay cuộc sống cứu tình đời…
Đó là tôn chỉ và giáo lý của tình thương và lòng từ bi của những người con Phật. Từ những ý niệm trên, với vai trò là một người làm thiện nguyện hơn ba mươi mấy năm, tôi luôn muốn đem tình thương san sẽ đến những người gặp khó khăn trong cuộc sống từ miền xuôi lên vùng núi cao, không chỉ giới hạn trong tỉnh Quảng Nam mà còn ở các vùng miền xa xôi của các tỉnh khác, không khởi tâm phân biệt.
Thực hiện phương châm “Phụng sự chúng sanh tức cúng dường chư Phật”, tâm niệm của những người tu hành được lan tỏa yêu thương đến với đồng bào nghèo, bởi Đạo Phật là đạo cứu khổ. Từ bi của đạo Phật đã hòa quyện cùng đạo lý, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam:“Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Trong những năm qua, Quảng Nam đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế- xã hội, đời sống đại bộ phận người dân ngày càng ổn định và nâng được cao. Tuy nhiên, vẫn còn những mãnh đời khó khăn trong cuộc sống, nhất là vùng sâu, vùng xa. Là người của chúng sanh, không thể thờ ơ trước những hoàn cảnh bất hạnh của đồng bào mình, phải biết thấu hiểu, biết cảm thông và chia sẻ bằng những hành động, việc làm thiết thực. Hoạt động nhân đạo, từ thiện là việc làm thường xuyên, xuất phát từ lòng thương người chân thật, là một pháp môn tu tập của hàng đệ tử Phật.
Cái đẹp cao cả, cái quí hiếm không phải nằm ở đâu xa. Theo tư tưởng “Dĩ chúng tâm vi kỷ tâm'”, con người hướng thiện bằng việc phục vụ nhân sinh, xã hội. Trong quá trình đó, tâm con người mở rộng, khai mở dần dần, biết chia sẻ đến nhiều người từ gia đình, xóm, làng, xã, huyện, tỉnh đến quốc gia và thiên hạ. Càng trải rộng bao nhiêu thì càng đi dần đến giác ngộ bấy nhiêu. Như vậy, Ban Từ thiện - Xã hội Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và toàn thể Chư tôn đức, tăng, ni và đồng bào phật tử tỉnh nhà trong nhiều năm qua luôn theo phương châm “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”. Đó là con đường đi đến giác ngộ bằng việc cứu dân độ thế. Trên con đường này, tâm con người ngày càng khai mở, vạn pháp, tức đạt đến trí tuệ và giác ngộ. Phật giáo Việt Nam đã mang tinh thần yêu nước. Không thể nói yêu nước, thương dân mà lại không lấy nguyện vọng, mong muốn của dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình. Đã là người yêu nước chân chính thì phải lấy nguyện vọng, mong muốn hợp pháp, chính đáng của Nhân dân làm nguyện vọng, mong muốn của mình.
Những năm qua, công tác từ thiện xã hội, đền ơn đáp nghĩa, toàn thể tăng, ni, phật tử trên địa bàn tỉnh đã phát tâm từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, tết vì người nghèo đạt được nhiều kết quả; với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Với giáo lý “Từ bi, cứu khổ” của đạo Phật và truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh luôn động viên, khuyến khích các tăng, ni, phật tử tham gia có hiệu quả công tác từ thiện - xã hội; tích cực hưởng ứng đóng góp các loại quỹ: “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Khuyến học”, ủng hộ và phòng chống dịch bệnh Covid - 19,…; tham gia ủng hộ Tết “Vì người nghèo”; hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam dioxin, đồng bào bị thiên tai, bão lụt; trợ giúp trẻ mồ côi, người khuyết tật, người già nêu đơn, người gặp khó khăn trong cuộc sống,…
Trong nhiều năm qua, với tấm lòng cao cả của tăng, ni, phật tử của tỉnh nhà đã lan toả những việc làm ý nghĩa, thiết thực hàn gắn nỗi đau, tạo dựng niềm tin vào một xã hội tốt đẹp đối với nhiều người trong cộng đồng, góp phần không nhỏ vào chính sách an sinh xã hội của tỉnh. Có những chương trình được duy trì hoạt động thường xuyên hàng chục năm như “Bát cháo tình thương” cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện trên địa bàn Tam Kỳ (từ năm 1994 đến nay); phát học bổng học sinh, sinh viên nghèo có động lực vươn lên trong học tập, vượt qua hoàn cảnh, vượt lên chính mình để thoát nghèo (từ năm 2000 đến nay) và nhiều chương trình ý nghĩa khác. Những chương trình trên luôn đồng hành cùng những mảnh đời kém may mắn trong nhiều năm qua, góp phần giảm bớt gánh nặng cho xã hội, giảm nghèo bền vững, phát triển xã hội… thực hiện bổn hoài mà Ni trưởng Huỳnh Liên đã một đời tâm niệm:
Nguyện xin hiến trọn đời mình
Cho nguồn đạo pháp cho tình quê hương.
Những hình ảnh sinh động trên là minh chứng cho tinh thần “Hộ quốc an dân” và phương châm “Đạo pháp, dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tôn chỉ của Phật giáo là “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Từ thiện là một trong những việc mà Phật giáo đóng góp cho cộng đồng, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh trên địa bàn tỉnh. Ban Từ thiện - Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh và toàn thể Chư tôn đức, tăng, ni và đồng bào phật tử nguyện cùng với Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, nhất là các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội góp phần xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng văn minh, giàu đẹp./.