Hương ước xuất hiện vào khoảng thế kỷ XV dưới thời vua Lê Thánh Tông, là văn bản pháp lý đầu tiên của các làng xã nhằm góp phần điều hòa các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, hương ước có thể xem như là một hệ thống luật tục của làng, tồn tại song song nhưng không đối lập với luật pháp của quốc gia. Trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử hương ước vẫn khẳng định được vai trò trong đời sống xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về việc thực hiện hương ước, quy ước, nêu rõ: “Hương ước, quy ước là văn bản quy định các quy tắc xử sự do cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tự nguyện thỏa thuận và thiết lập nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội mang tính tự quản của cộng đồng dân cư và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận”, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BVHTTDL Quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành kế hoạch hướng dẫn thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện và qua công tác kiểm tra việc thực hiện hương ước, quy ước tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đặt ra những vấn đề cần quan tâm.
Về xây dựng hương ước, quy ước, Nghị định quy định tổ chức hội nghị của thôn, tổ dân phố lấy ý kiến về chủ trương xây dựng hương ước, quy ước và có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành. Trưởng thôn, tổ trưởng dân phố chủ trì phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận lựa chọn, cử người tham gia Tổ soạn thảo hương ước. Thực tế hiện nay đa số các địa phương việc xây dựng hương ước, quy ước do cán bộ thôn, xã soạn thảo, chưa có sự tham gia tích cực của người dân, các bản hương ước, quy ước tại nhiều địa phương sao chép, nội dung giống nhau, mang tính hình thức, chưa được đầu tư nghiên cứu xây dựng nên chưa phản ánh đúng thực chất tình hình thực tế của mỗi địa phương. Vì vậy, nội dung hương ước, quy ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của địa bàn dân cư, chưa thực sự sát với đời sống của người dân, do đó nhiều địa phương xây dựng hương ước quy ước chỉ nhằm mang tính đối phó hoặc để đủ điều kiện bình xét các danh hiệu thi đua.
Hình ảnh UBMTTQ Việt Nam huyện Phú Ninh tổ chức Tọa đàm về phát huy vai trò của Mặt trận
trong phối hợp vận động xây dựng Tộc văn hóa
Việc lấy ý kiến dự thảo hương ước, quy ước Nghị định quy định trước khi đưa ra cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố bàn, biểu quyết thông qua phải được niêm yết công khai tại nhà văn hóa thôn, địa điểm sinh hoạt cộng đồng hoặc địa điểm khác thuận tiện để Nhân dân góp ý trong thời hạn 30 ngày; lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức: sao gửi hương ước, quy ước đến từng hộ gia đình, mở hòm thư tiếp nhận ý kiến góp ý, lồng ghép trong các cuộc họp của thôn, tổ dân phố… Hầu hết các địa phương chưa thực hiện, một số nơi thực hiện chưa đảm bảo, do kính phí xây dựng hương ước, quy ước rất hạn chế nên không thể in dự thảo gửi đến từng hộ gia đình để góp ý đối với khu dân cư có nhiều hộ dân, việc tổ chức các cuộc họp của thôn, tổ dân phố rất ít người dân tham gia. Hơn nữa trong quá trình soạn thảo đa số các hương ước, quy ước chưa được đại diện người dân tham gia ý kiến, nên người dân không quan tâm đến việc tham gia góp ý.
Nội dung hương ước, quy ước viện dẫn đa số các quy định của pháp luật, nhiều địa phương đưa các nội dung mà pháp luật đã quy định vào hương ước, quy ước dẫn đến dài dòng và khó nhớ. Một số hương ước có những nội dung trái pháp luật, do nhận thức và chủ quan của người soạn thảo và cán bộ cấp xã và huyện trong quá trình kiểm tra, thẩm định hương ước, một số hương ước còn phê duyệt chưa đúng quy định.
Một số hương ước, quy ước đưa ra những quy định mang tính hình thức không áp dụng được trong thực tiễn, một số chưa được sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời để phù hợp với quy định của pháp luật, hoàn cảnh lịch sử địa phương và chuẩn mực xã hội…
Trong thời gian đến, để hương ước, quy ước thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Đảng và Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, trước hết, quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung, thay thế hương ước, quy ước phải phát huy tính dân chủ của người dân ở từng cộng đồng dân cư, tranh thủ ý kiến góp ý của những người có uy tín trong gia tộc, trong cộng đồng dân cư. Nội dung hương ước, quy ước phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, phải thể hiện rõ đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, các quy định riêng của địa phương không trái các quy định của pháp luật. Vì hương ước, quy ước hỗ trợ cho hoạt động quản lý nhà nước nên chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội mang tính tự quản tại cộng đồng mà pháp luật không điều chỉnh đến như phong tục tập quán, lễ hội…của địa phương. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến nội dung hương ước, quy ước đến với người dân, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở và mạng xã hội để mọi người dân nắm rõ.Thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về xây dựng và thực hiện hương ước, nhất là tổ chức khảo sát trong Nhân dân để nắm tình hình và hiệu quả công tác triển khai thực hiện hương ước có thực sự đi vào đời sống người dân hay không, trên cơ sở đó chấn chỉnh các sai sót và hướng dẫn địa phương thực hiện./.