Định kỳ hằng quý, Mặt trận các địa phương tổng hợp ý kiến, kiến nghị của các vị ủy viên Mặt trận cùng cấp là cá nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số và đồng bào các dân tộc thiểu số để phản ánh với cấp ủy đảng, chính quyền các cấp. Mặt trận cấp xã nhiều địa phương từng bước thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chính quyền trong việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc và công tác dân tộc. Hằng năm, Ban Công tác Mặt trận tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, tạo sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư. Mặt trận các địa phương phối hợp chặt chẽ với lực lượng bộ đội, công an, biên phòng thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn đường biên, mốc giới; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển…
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nêu trên nên phần lớn đồng bào các dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi về tư duy sản xuất, xây dựng nông thôn mới, nâng cao ý thức giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tự thân vươn lên giảm nghèo. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh giảm còn 30,19% (giảm 4,71% so với năm 2016), hộ cận nghèo còn 6,67%.
Đổi mới nhiều mặt
Thời gian tới, Mặt trận các cấp từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm thực hiện tốt việc chủ trì phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với tập quán, đối tượng từng dân tộc, từng địa phương làm cho đồng bào dân tộc hiểu đúng, làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó phát huy nội lực của đồng bào các dân tộc, hạn chế tư tưởng ỷ lại, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu để xây dựng đời sống mới. Đặc biệt, với những kết quả đạt được, Mặt trận các cấp, nhất là khu vực miền núi cần tiếp tục quan tâm, phát huy vai trò của người uy tín làm “cầu nối” giữa đồng bào các dân tộc thiểu số với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và chính sách dân tộc nói riêng.
|
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2018-2021. Nội dung chú trọng đến công tác tập hợp, vận động đồng bào các dân tộc tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường kiểm tra, giám sát đảm bảo thực hiện các chính sách, pháp luật về dân tộc; tham gia phản biện góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách, các quy định của địa phương về công tác dân tộc, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững vùng miền núi đặc biệt khó khăn… Căn cứ vào các nội dung ký kết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh đề ra chương trình hoạt động cụ thể trong năm 2018 và từng năm của giai đoạn, tổ chức triển khai đạt hiệu quả.
|