Chi tiết tin

A+ | A | A-

Giải pháp chống ô nhiễm môi trường trong Phật giáo

Người đăng: Ban biên tập. Ngày đăng: 10:57 | 06/06/2016 Lượt xem: 477

Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tác động tiêu cực đến đời sống con người, gây đau khổ, mất mát cho con người. Và lẽ dĩ nhiên, giáo lý về sự khổ và con đường diệt khổ của Đức Phật chỉ dạy phải được người tu sĩ cũng như Phật tử quán chiếu, thực hành thông qua việc góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh…

Biến đổi khí hậu là một thách thức to lớn mà con người đang phải đối diện trong thế kỷ XXI này. Nó tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến môi trường sống, bầu khí quyển và khí hậu nói chung, làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái trên trái đất và tác động trực tiếp đến đời sống hàng ngày của con người. Những ảnh hưởng đó ngày một rõ ràng như hiệu ứng nhà kính, nóng lên toàn cầu, nhiễm không khí và nguồn nước phổ biến, hệ sinh thái bị phá hủy, nước biển dâng, băng tan ở hai cực, tình trạng ngập mặn có xu hướng lan rộng,.... Biến đổi khí hậu-ô nhiễm môi trường là thách thức lớn của cả nhân loại, cho nên cá nhân mỗi người cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chung tay góp sức trong việc bảo vệ môi trường, với quy mô từ vi mô đến vĩ mô, từ hành động đơn giản trong đời sống sinh hoạt hàng ngày cho đến đề ra những phương án, biện pháp để khắc phục và giải quyết vấn đề về môi trường hiện nay. Những vấn đề, thách thức về môi trường mà cả nhân loại đang phải đối mặt chính là do con người gây ra, cố nhiên việc giải quyết cũng phải bắt đầu từ chính con người. Vì lý do đó, người học Phật như chúng tôi tự nhận thấy bản thân cần phải góp phần vào việc bảo vệ môi trường – đề ra những giải pháp chống biến đổi khí hậu cũng như hướng dẫn Phật tử về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ ngôi nhà chung trái đất, tiếp theo đây tôi xin trình bày: “Những giải pháp chống biến đổi khí hậu trong Phật giáo”.Nghĩa là vận dụng những lời dạy của Đức Phật để đề ra phương hướng, cách thức giải quyết, mở ra những lối đi mới cho vấn đề về môi sinh hiện nay.


Toàn cảnh hội nghị tuyên truyền công tác Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khi hậu
trong các tôn giáo do UBMTTQ tỉnh Quảng Nam tổ chức

Thừa nhận sự nguy hiểm của ô nhiễm môi sinh

Ngày nay, hàng loạt thiên tai xảy đến một cách thường xuyên hơn với cường độ tàn phá cao như sóng thần, động đất, hạn hán, ngập mặn… Môi trường sinh thái ô nhiễm với mức độ và phạm vi ngày càng tăng, thiên tai, khí hậu thời tiết thường xuyên biến đổi, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống con người. Thực trạng đó đòi hỏi cần phải nhìn nhận, phân tích một cách khoa học, có hệ thống về vấn đề ô nhiễm môi trường sinh thái – biến đổi khí hậu, về nguyên nhân và sự ảnh hưởng, nguy hiểm khôn lường của sự ô nhiễm – sự biến đổi ấy đối với cuộc sống của con người nói riêng và sự sống của cả trái đất nói chung. Đó là bước đầu tiên quan trọng để đề ra phương án, biện pháp giải quyết vấn đề môi trường.

Đạo Phật rất chú trọng việc nhìn nhận vấn nạn đang gặp phải một cách như thật, nhìn sự kiện như chúng đang là, không có suy diễn theo ý chí chủ quan, nói khác đi phải nhìn thực tế khách quan để bắt đầu nhận xét và đánh giá rồi hướng đến tìm hướng giải quyết, thuật ngữ gọi là như lý tác ý[1]. Đức Phật dạy mọi sự việc cần thấy được nguyên nhân sinh khởi, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly; từ đó mới đạt sự giải thoát[2]. Nói khác đi, con người nhìn vào thực tế khách quan, từ đó thấy được nguyên nhân, hậu quả to lớn của vấn đề ô nhiễm môi trường đối với toàn nhân loại và  những “lợi ích” mà một bộ phận người được hưởng từ sự ô nhiễm môi trường. Đơn cử như tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể nếu không nói là lớn đối với doanh nghiệp khi xả thải ra biển, sông thay vì đầu tư công nghệ cho việc xử lý nước thải công nghiệp, hay xả khí thải độc hại trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý, hoặc xả thải vượt chỉ tiêu cho phép. Rõ ràng, xét trên quy mô toàn thế giới, xả thải ra môi trường là một vụ kinh doanh lỗ vốn, một bộ phận người được hưởng lợi ích nhưng toàn nhân loại phải gánh chịu hậu quả, thặng dư thu được là con số quá nhỏ so với những gì đã đầu tư. Từ việc nhận diện được sự nguy hại to lớn đó, mới hướng đến sự chấm dứt việc gây ô nhiễm thông qua việc đề ra những nhóm giải pháp, những phương án khắc phục, giải quyết hậu quả cũng như kế hoạch, đề án góp phần bảo vệ và phát triển bền vững, chính là tiến trình thoát khỏi ô nhiễm môi trường.

Trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng bảo vệ môi trường- một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất góp phần phát triển kinh tế nói chung và phát triển một nền nông nghiệp bền vững nói riêng đối với mỗi quốc gia - trong đó có Việt Nam;  thể hiện ở việc Luật Bảo vệ môi trường được thi hành nghiêm minh, đồng thời có nhiều chỉ thị, nghị quyết nhằm theo dõi, quản lý một cách chặt chẽ hơn trong công tác triển khai, thực hiện luật vào thực tiễn. Và hội thảo ngày hôm nay là minh chứng cho sự coi trọng, quan tâm dành cho vấn đề về môi trường. Điều đó được hiện thực hóa trong việc nghiên cứu một cách khoa học, có hệ thống về nguyên nhân, thực trạng và đưa ra những giải pháp, những phương án nhằm khắc phục, giải quyết vấn đề môi trường.

Giải quyết ô nhiễm phải có chính sách hợp lý và đồng bộ

Để có được phương án giải quyết vấn đề, cần phải nhìn vào thực trạng đang gặp phải, khoanh vùng ô nhiễm, mời các chuyên gia đầu ngành tham gia nghiên cứu hỗ trợ xử lý, xác định mức độ, cấp độ ô nhiễm, từ đó đưa ra những đường hướng giải quyết phù hợp khắc phục được tình trạng ô nhiễm trước mắt, có kế hoạch, phương án lâu dài phục hồi lại cảnh quan cũng như phòng chống tái ô nhiễm đảm bảo sự bền vững và lâu dài. Muốn như vậy, các chính sách phải mang tính đồng bộ và thống nhất, giải quyết các vấn đề theo trình tự, không nóng vội chủ quan duy ý chí rồi nhảy bước trong quá trình xử lý ô nhiễm, nếu xử lý không đúng phương án sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Điều cần nhất là phải có những chính sách khác nhau ở từng cấp độ từ vi mô đến vĩ mô, vận dụng và phối hợp linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn, đồng thời tuyên truyền, xây dựng ý thức bảo vệ môi trường trong toàn dân tạo nên một chiến tuyến khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường trên mọi mặt, mọi lĩnh vực. Vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống con người với mức độ cao hơn và phạm vi rộng hơn trước.

Ô nhiễm môi trường là do con người gây tạo nên lẽ dĩ nhiên việc khắc phục và giải quyết phải bắt đầu từ chính con người. Đạo Phật, giáo lý của Phật đều vì mục đích giải thoát, từ bi, cứu chúng sinh khỏi biển khổ, khuyên chúng sinh bỏ ác làm lành, sống an ui, tự tại, và tất nhiên trong môi trường trong lành. Ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tác động tiêu cực đến đời sống con người, gây đau khổ, mất mát cho con người. Và lẽ dĩ nhiên, giáo lý về sự khổ và con đường diệt khổ của Đức Phật chỉ dạy phải được người tu sĩ cũng như Phật tử quán chiếu, thực hành thông qua việc góp phần bảo vệ môi trường, môi sinh. Từ khi Đức Phật còn tại thế, Người đã đề cập, khuyến khích tín đồ, Phật tử thực hành, được thể hiện trong việc huân tu các hạnh lành trong đó có tâm từ bi đối với chúng sinh. Đó là giới luật cấm sát sinh, khuyến khích Phật tử ăn chay ngoài nội dung giáo dục mang tư tưởng nhân đạo, tôn trọng sinh mạng chúng sinh, còn giúp giải quyết vấn đề môi trường bởi việc sát sinh trong quá trình khai thác tài nguyên biển, tài nguyên rừng theo cách tận thu và tận diệt sẽ dẫn đến mất cân bằng sinh thái, tác động trực tiếp đến sự sống của con người. Nhiều lời dạy của Đức Phật trong các kinh điển Nguyên thủy có liên quan đến việc bảo vệ môi trường. Trong kinh Anguttara Sutra, Ngài dạy rằng:“Trồng cây cho ta bóng mát, ngoài việc thanh lọc không khí, nó còn bảo tồn trái đất, đó là điều lợi lạc cho tất cả mọi người và cho cả bản thân ta”.[3] Hoặc kinh Vinaya-matrka-sastra dạy rằng: “Một Tỳ kheo trồng ba loại cây: cây ăn trái, cây cho hoa và cây cho lá để cúng dường Tam bảo thì sẽ ân hưởng sự gia trì và sẽ không phạm tội”, hoặc: “Có năm loại cây mà một người không được chặt, đó là cây bồ đề, cây thuốc, những cây lớn mọc bên đường, cây trong rừng xứ lạnh và cây đa”.[4] Đức Phật đề cao trách nhiệm cá nhân, “Điều ác tự mình làm,/ Tự mình sanh, mình tạo./ Nghiền nát kẻ ngu si,/ Như kim cương, ngọc báu.[5] Và “Tự mình, điều ác làm,/ Tự mình làm nhiễm ô,/ Tự mình không làm ác,/ Tự mình làm thanh tịnh./ Tịnh, không tịnh tự mình,/ Không ai thanh tịnh ai !”[6]Từ đó, Phật giáo Nguyên thủy (Theraveda) đề xuất một phương pháp tịnh hóa môi trường bằng việc từng cá nhân tịnh hóa thân tâm, hệ quả là mọi người đều thanh tịnh thì vấn đề môi trường được giải quyết. Nghĩa là đi giải quyết vấn đề môi trường từ nguồn gốc, buộc cá nhân phải nỗ lực tu tập đạo đức, thiền định và trí tuệ để giải thoát các phiền não trói buộc, không bị phiền não chi phối sẽ hành động tốt đẹp thì môi trường được tịnh hóa. Lúc này, mọi người đều hành động thân thiện, bảo vệ môi trường thì ô nhiễm có thể phát sinh được chăng?Phương pháp này nhấn mạnh đến sự thay đổi nhận thức tự thân, một con người đạo đức, với mong muốn sống, tu tập thiền định trong môi trường thanh tịnh nhất định sẽ bảo vệ môi trường. Nhưng dường như quan niệm trên làm người ta dễ hiểu lầm là chủ trương này đã bỏ qua quan điểm nhập thế tích cực của Phật giáo. Trên thực tế thì tu sĩ vừa tu tập thiền định, vừa quán chiếu, tập sống theo chánh niệm và tỉnh giác lại vừa tham gia vào việc sản xuất như trồng trọt cây ăn quả, rau hay cây cảnh, đặc biệt là trồng nên những rừng thiền, đồng thời mỗi tu sĩ dùng sự ngộ đạo của mình để hướng Phật tử, chúng sinh tập thiền định, chánh niệm và gần gũi với thiên nhiên, từ đó khởi sinh và thực hành hạnh từ bi với chúng sinh. Thời gian gần đây, pháp môn tu thiền của Hòa thượng Thích Nhất Hạnh và Hoà thượng Thích Thanh Từ đang thu hút được rất nhiều sự quan tâm không chỉ giới Phật tử mà còn nhiều tầng lớp nhân dân, không chỉ với người lớn tuổi mà cả những lớp thanh, thiếu niên trẻ cũng rất hào hứng ứng dụng tu tập. Khuyến khích thiền sinh sống chậm, tu thiền trong mỗi một sinh hoạt hàng ngày, hòa mình với thiên nhiên, tạm xa cuộc sống văn minh hiện đại như dành thời gian để gần gũi, chăm sóc cây cối, chim muông, hạn chế sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại hay mạng xã hội, thực hành ăn chay như một biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe và môi trường.

Ngoài ra, Phật giáo Phát triển (Mahayana) lại có một đề xuất khác cho vấn đề môi trường, đó là kiến lập một nhân gian tịnh độ.Nghĩa là xây dựng và kiến thiết một môi trường tốt đẹp, thanh tịnh và trang nghiêm. Cõi nước không có ý niệm về sự ô nhiễm, dơ bẩn; huống nữa là có môi trường ô nhiễm, như nước Tịnh độ của Phật A Di Đà, của Phật Duợc Sư. Một cõi nước hoàn toàn trong xanh, sạch đẹp, mọi thứ vật chất đủ đầy. Nói khác đi là đầy đủ mọi tiện nghi vật chất, đáp ứng mọi nhu cầu của con nguời, nền văn minh vật chất đạt đến đỉnh cao.Cõi nước, như vậy sẽ không còn đau khổ, không còn phiền não, không còn bất hạnh chỉ có hạnh phúc an vui. Quan điểm này, dường như gần với quan niệm của phương Tây là hướng đến ước vọng xây dựng, kiến tạo một thế giới thật sự văn minh đầy đủ mọi tiện nghi, nơi đó con người an vui hạnh phúc. Nhưng như ta thấy, lý tưởng này dường như cũng gặp rất nhiều vấn đề, văn minh vật chất càng phát triển, đời sống con người có nhiều thay đổi, nhưng song hành cùng những tiến bộ là những suy thoái đạo đức lối sống và trong đó có cả ô nhiễm môi sinh và biến đổi khí hậu.

Thực hành tinh thần Phật dạy về nếp sống hài hòa với thiên nhiên, những ngôi tự viện, tịnh xá của Phật giáo thường được xây cất trên đồi núi, hay trong những khu rừng yên tĩnh, cây cối xanh tươi che phủ. Hoặc giả có xây dựng ở nơi trung tâm thành phố náo nhiệt, chùa vẫn là một thế giới an tĩnh, thanh tịnh tách biệt với ồn ào bên ngoài với những cội cây bồ đề, sala song thọ, những ao sen…. Những ngôi tự viện với cây cối xanh tươi, rợp bóng mát, không khí an tĩnh, trong lành và nếp sống an bình, tự tại đang thu hút tăng ni, tín đồ cũng như khách thập phương tìm đến để tìm chốn tu tập, tìm thấy sự an yên, bình thản cho thân tâm an lạc. Chính điều này giúp con người gần với thiên nhiên hơn, yêu thiên nhiên hơn, ý thức được trách nhiệm bản thân đối với môi trường sống.

Do đó, quả thật hai đường hướng, giải quyết vấn đề môi trường của hai trường phái Phật giáo có nhiều điểm tiến bộ và sâu sắc, nhưng vẫn gặp các khó khăn, hạn chế riêng như vừa nêu. Ngày nay, muốn thành công trong việc bảo vệ môi trường chúng ta cần kết hợp cả hai quan điểm, song song ứng dụng cả hai lý thuyết này để khắc phục các hạn chế của từng quan điểm. Một là xây dựng con người đầy đủ đạo đức và trí tuệ để góp phần bảo vệ và phát triển môi sinh. Hai là hướng đến việc tịnh hóa thế giới, xây dựng nền kinh tế hùng mạnh, khoa học công nghệ phát triển để hướng đến việc bảo vệ và phát triển ngôi nhà chung. Đây chính là hai hạt nhân hợp lý của tư tưởng Phật giáo góp phần bảo vệ và chống ô nhiễm môi sinh.

Ý thức trách nhiệm cá nhân đối với môi trường

Mỗi một thành viên trong đại gia đình trái đất phải ý thức sâu sắc về trách nhiệm của bản thân về sự biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường sống,  ý thức rằng nguyên nhân thực trạngô nhiễm môi trường ngày nay là do những hoạt động khai thác tài nguyên theo kiểu tận thu, tận diệt–chỉ sản xuất mà không quan tâm xử lý rác thải sau sản xuất–chỉ biết tiêu dùng để thỏa mản nhu cầu bản thân mà thiếu ý thức về việc sử dụng sản phẩm một cách khoa học, tránh gây tác động tiêu cực đến môi trường ở mức độ thấp nhất có thể, là do lòng tham không đáy, lợi nhuận, nhu cầu hưởng thụ chi phối. Đức Phật đã dạy, nguồn gốc của khổ đau là do sự thiếu trí tuệ, vô minh và tham dục. Cũng chính vì vô minh và tham dục mà con người đã vô hình trungtàn phá môi trường . Ngược lại, nếu tỉnh táo, sáng suốt, suy nghĩ thấu đáo không vị kỷ vì bản thân thì một bộ phận người không vì chút lợi ích trước mắt mà gây ô nhiễm môi trường để lại hậu quả cho toàn nhân loại và cho các thế hệ mai sau. Vậy nên, giải pháp được nêu lên đó là ý thức trách nhiệm cá nhân, nói khác đi nghĩa là mỗi cá nhân sáng suốt nhận diện được trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân trong việc bảo vệ môi trường sống, không vì lòng tham mà phá hoại môi sinh, biết cân bằng lợi ích kinh tế, lợi ích bản thân và môi trường. Từ đó, mỗi cá nhân ý thức được vị trí quan trọng của bản thân đối với bảo vệ môi trường, mọi người cần chung tay góp phần bảo vệ môi trường. Vì vấn đề môi trường không còn phải là chuyện của riêng cơ quan, tổ chức nào, mà mỗi người cần có trách nhiệm và nghĩa vụ phải bảo vệ, giữ gìn môi trường trong-xanh-sạch-đẹp.

Duyên khởi và nhân quả là hai học thuyết nền tảng của Phật có giá trị ứng dụng cho việc phát triển ý thức cá nhân để bảo vệ môi sinh. Một là sự giác ngộ sâu xa giáo lý duyên khởi sẽ tạo nền tảng vững chắc cho ý thức trách nhiệm cá nhân trong vấn đề chung của toàn nhân loại. Bởi vì, “Cái này có mặt thì cái đây có mặt, do cái này sanh thì cái đây sanh.Cái này không có mặt thì cái đây không có mặt, do cái này diệt thì cái đây diệt.[7]Khi cá nhân thấu hiểu được mối quan hệ tương tác, hỗ tương, biện chứng giữ con người với tự nhiên môi trường, dĩ nhiên bản thân sẽ không thể có bất cứ một hành động nào phương hại đến môi sinh.Vì biết rằng, môi sinh bị ô nhiễm hệ quả tất yếu là mình bị đau khổ. Môi sinh tốt đẹp là điều kiện tiên quyết để con người hạnh phúc. Hai là giác ngộ định luật Nhân quả của vũ trụ để sống hợp với lẽ tự nhiên, vì luật nhân quả chi phối cả tự nhiên và xã hội.Từ kết quả suy tìm ra nguyên nhân, rồi từ nguyên nhân đề xuất biện pháp khắc phục, chấm dứt những nguyên nhân gây nên hậu quả ô nhiễm môi sinh.Suy cho tận cùng vấn đề ô nhiễm môi trường lại bắt nguồn từ chính sự ô nhiễm của tâm thức. Do tâm thức nhiễm ô các phiền não như tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, nghi ngờ, kiến chấp sai lầm… nên có những hành vi sai lầm đối với giới tự nhiên và xã hội. Chính các hành vi sai lạc đó gây nên ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… hệ quả là đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho đời sống con người như bệnh dịch, thiên tai… Từ đó, con người quán chiếu sâu sắc để thâm nhập và ứng dụng tư tưởng “duyên khởi và nhân quả” sẽ giúp con người vượt thoát các quan điểm sai lầm, dẫn đến hành vi lầm lạc rồi để lại hậu quả lâu dài cho cả nhân loại và nhiều thế hệ.

Giới lãnh đạo phải gương mẫu

Nhất là trong đó tầng lớp lãnh đạo của thế giới nói chung, Đảng và Nhà nước Việt Nam nói riêng cần phải làm gương cho quần chúng trong vấn đề môi trường. Đức Phật nhấn mạnh đến quan điểm này, trước khi hướng dẫn người khác bản thân mình phải hoàn thành trách nhiệm.Người lãnh đạo như vậy mới đáng tán dương, ngợi khen.Đồng thời những gì được người đó phát biểu và giảng dạy đều được quần chúng chấp nhận và tuân thủ. Bản thân Đức Phật cũng tuân thủ quy luật này khi giảng dạy: “Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy. Vì rằng nói gì thì làm vậy, làm gì thì nói vậy, nên được gọi là Như Lai.[8] Ở đây, chúng ta hiểu rằng, nếu người lãnh đạo nói về sự bảo vệ môi trường và đồng thời bản thân hành động bảo vệ môi trường thì thật sự là một tấm gương sáng ngời để người người học tập, noi theo. Cho nên, người lãnh đạo cần có trách nhiệm hướng dẫn, định hướng cho nhân dân trong quốc gia, vùng lãnh thổ mình đang lãnh đạo ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong việc khắc phục những hậu quả đã gây cho môi trường, đồng thời tiếp tục giữ gìn và bảo vệ môi sinh, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ môi sinh của toàn nhân loại.

Đồng thời, các tu sĩ cần giáo dục và truyền thông giáo lý đạo Phật về môi trường đến các Phật tử, đàn na tín thí. Học thuyết duyên khởi của Phật giáo chỉ ra rằng con người là tập hợp 5 uẩn (sắc - thọ - tưởng - hành - thức).Trong đó Sắc gồm thân vật lý và toàn thể thế giới vật lý xung quanh thân ấy. Từ đó ta thấy môi trường đóng vai trò rất quan trọng quyết định cuộc sống và sự tồn tại của con người. Một môi trường bị ô nhiễm chắc chắn sẽ tác động tiêc cực đến cơ thể vật lý của con người, hay đời sống của con người, thậm chí có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của con người. Một môi trường trong lành sẽ giúp con người phát triển cả về tinh thần, trí tuệ lẫn thể chất. Mỗi một Phật tử quán chiếu học thuyết duyên khởi, ý thức được vai trò trách nhiệm của mình từ đó thực hành trong đời sống hàng ngày từ cấp độ vi mô đến vĩ mô, có thể là góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình, ở nơi công cộng hoặc có thể là tham gia và những tổ chức, những buổi tình nguyện bảo vệ môi trường xanh, tham gia đóng góp và những chiến lược, kế hoạch khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường, tích cực đấu tranh với những tổ chức, cá nhân vị kỷ vì một môi trường xanh. Đồng thời, tu sĩ cần giúp cho Phật tử hiểu về sống thiểu dục tri túc, sống vừa đủ với nhu cầu của bản thân, không gây lãng phí tài nguyên, không phương hại đến chúng sinh và thiên nhiên, tôn trọng sinh mạng chúng sinh, chính là đóng góp tích cực cho việc tiết kiệm tài nguyên và năng lượng,  làm giảm sức ép lên môi trường và các hệ sinh thái tự nhiên.

Thưởng phạt phân minh

Ngày nay, khen thưởng và xử phạt là giải pháp thiết thực nhất cần được áp dụng, nhằm đảm bảo sự công bằng. Các tổ chức cá nhân dù thuộc nhà nước hay tư nhân nếu gây ô nhiễm môi trường đều phải xử phạt, đồng thời phải thực hiện công tác khắc phục hậu quả, đền bù thỏa đáng cho các đối tượng bị ảnh hưởng liên đới. Tuyệt đối không bao che, dung dưỡng các hành vi phá hoại môi sinh, gây ô nhiễm môi sinh. Công khai minh bạch việc xét xử các vụ án về môi trường để quần chúng giám sát, kiểm tra và thông qua đó giáo dục cộng động. Vì người gây ô nhiễm môi trường là người đang gián tiếp giết người, không chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ, gây ảnh hưởng liên đới đến nhiều lĩnh vực và đối tượng khác nhau. Vậy nên, người bao che cho hành vi gây ô nhiễm môi trường sinh thái cũng là đồng phạm giết người, tiếp tay cho tội ác chống lại nhân loại, đáng bị sự trừng phạt thích đáng. Nhà nước phải xử phạt nghiêm minh đối với các đối tượng cá nhân có hành vi bao che cho các tổ chức cá nhân gây ô nhiễm môi sinh để tạo tính răn đe, giáo dục.

Đức Phật dạy, người trí nên biết tán thưởng và nên biết chê trách.[9]Chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho hạnh phúc, an vui của tự thân, bằng cách biết tán thán và chê trách. Không thể im lặng, làm ngơ trước những hành vi sai trái làm cho môi trường bị ô nhiễm. Đối với cá nhân, một người có ý thức bảo vệ môi sinh phải biết tán thán khen thưởng hành vi bảo vệ môi sinh, đồng thời phải chê trách, chỉ trích, tố cáo hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đối với nhà nước, các cơ quan nhà nước phải tổ chức các buổi động viên, khen thưởng với các đối tượng mạnh dạn đứng lên tố cáo hành vi gây ô nhiễm, mở các lớp học về bảo vệ môi sinh, tăng cường các hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi sinh. Cũng nên có mức khen thưởng,vinh danh, động viên kịp thời với những cá nhân, tổ chức có những đóng góp trong công cuộc bảo vệ môi trường

Đặc biệt ngày nay, mọi vấn đề đều có mối quan hệ biện chứng, quan hệ tác động lẫn nhau, ô nhiễm môi trường có thể gây ra các bất ổn trong xã hội trên nhiều lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, đạo đức… và ngược lại, các bất ổn trong xã hội trên nhiều lĩnh vực lại tác động đến môi trường. Ta thấy rõ vấn đề này trong vụ “Cá biển chết hàng loạt tại các tỉnh niềm trung từ Hà Tỉnh đến Đà Nẵng”,[10] nhất là phát ngôn gây nhiều tranh cãi của ông Chu Xuân Phàm phó phòng đối ngoại của Công ty Formosa: "Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi! Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…”[11] Các đoàn kiểm tra liên ngành của chính phủ và địa phương vào cuộc, các chuyên gia nước ngoài đến hỗ trợ, giúp đở nghiên cứu nhằm tìm ra nguyên nhân vụ việc.Trong lúc chờ đợi, người dân đã lên tiếng, các cơ quan báo đài rầm rộ đưa tin, các cuộc biểu tình đã diễn ra ở các thành phố lớn.Tuy nhiên sau đó đã bắt được một số đối tượng quá khích, có âm mưu lợi dụng vấn đề môi sinh để tổ chức biểu tình nhằm mục đích chính trị, gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, dẫn đến rối loạn trật tự công cộng và gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.[12]Và lẽ dĩ nhiên sau một số đối tượng được gọi là quá khích ấy là cả một tổ chức, và các cuộc biểu tình được tổ chức một cách có hệ thống, tính toán kỹ.Đồng thời, cơ chế quản lý thông tin chưa tốt tạo nên một cơn bão tin tức không đáng có, gây hoang mang trong nhân dân. Đặc biệt việc chia sẻ những clip không hay và được phía bên phản động sắp xếp kỹ lưỡng trên mạng xã hội đã gây nhiều bức xúc, hoang mang trong nhân dân. Một số cơ quan báo chí đưa tin không chính xác, theo kiểu giật tít gây tò mò cho độc giả, làm thành một cơn bão thông tin ảnh hưởng đến chính trị cũng như lòng tin của nhân dân, và đặt ra vấn đề phải tìm ra nguyên nhân trơng thời gian sớm nhất có thể.Đau buồn nhất là một số cán bộ địa phương nhũng nhiễu, gây khó khăn trong công tác hỗ trợ nguời dân bị ảnh huởng bởi ô nhiễm môi truờng biển do chính phủ tài trợ, gây bức xức trong quần chúng nhân dân.[13] Ở đây chỉ nhấn mạnh tính liên đới khi sự kiện ô nhiễm môi sinh xảy ra, cho nên đối với vấn đề môi trường cần phải đặc biệt quan tâm và chú trọng, có chính sách rõ ràng và giải quyết phải đồng bộ để đảm bảo sự phát triển đất nước bền vững. Phát triển kinh tế phải song hành cùng với bảo vệ môi trường, vì môi trường là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sức khỏe và chất lượng đời sống.

Phát triển bền vững

Đất nước muốn phát triển phải đẩy mạnh sản xuất kinh tế, phát triển kinh tế phải gắn liền với giữ gìn văn hóa, bản sắc dân tộc và bảo vệ môi trường.“ Quan niệm về phát triển bền vững dần được hình thành từ thực tiễn đời sống xã hội và có tính tất yếu. Tư duy về phát triển bền vững manh nha trong cả quá trình sản xuất xã hội và bắt đầu từ việc nhìn nhận tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và tiếp đó là nhận ra sự cần thiết phải giải quyết những bất ổn trong xã hội”[14].Vận dụng tư tưởng trung đạo để thoát khỏi hai cực đoan[15] trong việc xây dựng đường lối phát triển đất nước.Cần tránh thái độ hữu khuynh, tức là bảo thủ, trì trệ, không dám có những chính sách táo bạo, sáng tạo nhằm phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, nâng cao chỉ số phát triển kinh tế, để theo kịp các quốc gia khác, vì lo sợ ô nhiễm môi trường. Hoặc rơi vào thái độ tả khuynh tức là hành động bất chấp quy luật, chỉ chú trọng phát triển kinh tế, không quan trọng các lĩnh vực khác như môi trường, văn hóa, đời sống đạo đức… Đó chính là sự phát triển không đồng bộ và không bền vững.

Năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc được tổ chức ở Ri-ô đơ Gia-nê-rô đã đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, theo đó, phát triển bền vững xác định ba trụ cột phát triển bền vững, một trong ba trụ cốt ấy là “bền vững về sinh thái môi trường là khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng môi trường sống”[16]. Có thể thấy phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng tổn hại đến sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai[17].  Vậy nên, phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, sự giàu có về tinh thần và văn hóa, sự bình đẳng của cả công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.Trong đó nhấn mạnh đến một sự phát triển về mọi mặt trong xã hội hiện tại mà vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa. Ở đây nhấn mạnh đến yếu tố môi trường tự nhiên, con người phải chung tay góp sức bảo vệ môi sinh để đảm bảo trong thế hệ tương lai vẫn có thể sử dụng những tài nguyên thiên nhiên thậm chí là những tài nguyên hữu hạn cũng như chất lượng môi trường sống ngày càng được cải thiện, nâng cao hơn.

Tóm lại, thứ nhất muốn bảo vệ môi trường trước hết là mọi người phải nhận diện được sự nguy hiểm to lớn của ô nhiễm môi trường và nhìn vào thực tế, mức độ môi trường đang ô nhiễm trầm trọng. Thứ hai, thực hiện các chính sách đồng bộ để bảo vệ môi trường như: xây dựng con người đạo đức và trí tuệ, đồng thời tập trung lo phát triển đời sống vật chất gắn liền với bảo vệ, gần gũi với thiên nhiên . Thứ ba, xây dựng ý thức cá nhân, giúp mỗi người quán sát sâu xa giáo lý duyên khởi và nhân quả để phát triển đạo đức trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường. Thứ tư, nêu cao sự gương mẫu trong tầng lớp lãnh đạo trong Đảng và nhà nước, các tu sĩ trong Giáo hội Phật giáo để dẫn dắt nhân dân cũng như Phật tử trong công cuộc khắc phục và phòng chống ô nhiễm môi trường. Thứ năm, thưởng phạt phải công khai minh bạch, làm mọi người tâm phục khẩu phục nhằm giáo dục răn đe, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục bảo vệ môi sinh. Thứ sáu, hướng đến việc phát triển bền vững bằng việc ứng dụng tinh thần Trung đạo của Phật giáo, tránh xa các cực đoan trong phát triển, theo đuổi các mục tiêu dài hạn và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Sách tham khảo

1.      Kinh Trung Bộ (2012), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.1~2.

2.      Kinh Tương Ưng Bộ  (2013), Thích Minh Châu dịch, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, t.1~2.

3.      Kinh Tăng Chi Bộ (2015), Thích Minh Châu dịch, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, t.1~2.

4.      Kinh Tiểu Bộ (1999), Thích Minh Châu dịch, VNCPH. Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, t.1~5.

5.      Lê Văn Thắng, Giáo trình môn  Khoa học môi trường, Đại học Huế, 2007.

Website:

1.      http://vnexpress.net/

2.      http://www.tapchicongsan.org.vn

http://www.sangdaotrongdoi.vn/


[1]Như lý tác ý (yoniso manasikāraṃ) thường được dịch trong tiếng Anh là “thích hợp để chú ý” (fit for attention) hay “sự chú ý không ngoan” (wise attention), “sự phản ánh thông thái” (wise reflection), hay “sự chú tâm có lý trí” (rational attention) vốn không phản ánh đúng được thật chất của thái độ nhận thức này. Như lý tác ý là cách viết theo cấu trúc Hán Việt, thay vì phải gọi là “tác ý như lý” là cách dụng tâm hay nhận thức phù hợp với “đạo” hay nguyên lý vận hành của mọi sự vật hiện tượng. Đây là cách thức đặt tâm vào quỷ đạo chân lý, phản ánh loại nhận thức sự kiện phù hợp với luật duyên khởi, luật nhân quả đang diễn ra hay tương thích với bản chất của sự vật hiện tượng đang diễn ra xung quanh ta.

[2] “Chư Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào như thật tuệ tri sự tập khởi và sự đoạn diệt của hai loại kiến này, vị ngọt, sự nguy hiểm, và sự xuất ly của chúng; những vị này là những vị không tham, không sân, không si, không ái, không chấp thủ, có trí, không có thuận ứng, không có nghịch ứng, không ưa hý luận, không thích hý luận; những vị ấy giải thoát khỏi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói những vị ấy giải thoát khỏi đau khổ.” Xem “Tiểu kinh sư tử hống” trong Kinh Trung Bộ (2012), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.1, tr.97.

[3]Thích Trí Quảng, 2011.Phật giáo và môi trường sinh thái.  http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/phat-giao-va-moi-truong-sinh-thai-thich-tri-quang

[4]Thích Trí Quảng, 2011.Phật giáo và môi trường sinh thái. http://www.sangdaotrongdoi.vn/story/phat-giao-va-moi-truong-sinh-thai-thich-tri-quang

[5]Xem Pháp Cú trong Kinh Tiểu Bộ (1999), VNCPH. Việt Nam,TP. Hồ Chí Minh, 1999, t.1, tr.64.

[6]Xem Pháp Cú trong Sđd, tr.64.

[7]Xem “Tiểu Kinh Thiện Sanh Ưu-Đà-Di; Kinh Đa Giới” trongKinh Trung Bộ (2012), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.2, tr.59; 389. Và Xem “Phẩm Mười Lực” trong Kinh Tương Ưng Bộ  (2013), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, t.1, tr.396. Xem “Phẩm Nam Cư Sĩ” trong Kinh Tăng Chi Bộ (2015), Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, t.2, tr.662.

[8]Xem “Phẩm Uruvelā” trong Kinh Tăng Chi Bộ (2015), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.1, tr.358.

[9]“Nên biết tán thán và nên biết chỉ trích.”Xem “Kinh Vô Tránh Phân Biệt” trong Kinh Trung Bộ (2012), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.2, tr.571.

[10] http://vnexpress.net/ca-bien-chet-hang-loat-o-mien-trung/topic-21057.html

[11]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/formosa-xin-loi-ve-phat-ngon-gay-soc-vu-ca-chet-hang-loat-3393540.html

[12]http://vnexpress.net/tin-tuc/phap-luat/hai-ke-kich-dong-nguoi-dan-mien-trung-bi-dieu-tra-3396423.html Ngày 2/5/2016 trang tin nhanh Việt Nam đã tin bắt hai đối tượng kích động gây rối. Trong hai ngày 14 và 15/5/2016 các báo đồng đưa tin “Tổ chức phản động Việt Tân đứng sau các vụ gây rối” tại Hà Nội và Hồ Chí Minh: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/304752/viet-tan-giat-day-cac-vu-kich-dong-gay-roi-o-tp-hcm.html

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/to-chuc-phan-dong-viet-tan-dung-sau-cac-vu-gay-roi-1004471.tpo

[13] http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/pho-thu-tuong-xu-tang-nang-neu-can-bo-xa-xeo-chinh-sach-ho-tro-ngu-dan-3400148.html

[14] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2014/25248/Phat-trien-ben-vung-o-Viet-Nam.aspx

[15]Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai giác ngộ, tác thành mắt, tác thành trí, đưa đến an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.” Xem “Kinh Vô Tránh Phân Biệt” trong  Kinh Trung Bộ (2012), Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, t.2, tr.571. Và “Tất cả là có”, này Kaccàyana, là một cực đoan.Tất cả là không có” là cực đoan thứ hai.Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccàyana, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.”Xem “Phẩm đồ ăn” trong Tương Ưng (1991), VNCPH.Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, t.2, tr. 38.

[16] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2014/25248/Phat-trien-ben-vung-o-Viet-Nam.aspx

[17]PGS. TS Lê Văn Thắng, Giáo trình môn  Khoa học môi trường, Đại học Huế, 106, 2007.

Tác giả: Ban Biên tập

Nguồn tin: Đại đức Thích Tịnh Tâm- Ủy viên Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Nam

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết