Tam Kỳ hiện đang triển khai dự án xây dựng đô thị thông minh do Tổ chức KOICA Hàn Quốc tài trợ cùng với vốn đối ứng của thành phố. Đến nay, toàn thành phố 100% xã, phường đã có cáp quang mạng internet băng rộng, sóng 3G/4G/5G đã được phủ rộng. Tính đến tháng 5/2024, thành phố có 27.689 thuê bao internet và 120.890 thuê bao di động 3G/4G. 100% Nhà văn hóa thôn, khối phố của 13 xã, phường đã lắp đặt Wifi internet công cộng; 100% cán bộ lãnh đạo thành phố và xã, phường đã được cấp chứng thư số chuyên dùng; 100% các cơ quan, đơn vị, địa phương của thành phố đều đã được cấp tài khoản và sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc (Q-Office) của tỉnh để giao nhiệm vụ, quản lý, theo dõi, đôn đốc công việc và gửi nhận văn bản điện tử, thực hiện công tác báo cáo giữa các phòng, ban, đơn vị, địa phương đến thành phố, đến tỉnh; 100% lãnh đạo, cán bộ công chức có liên quan đều thành thạo tiếp nhận, xử lý và trả kết quả trên phần mềm. Tỷ lệ thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn thành phố từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng từ 10% lên 96,45%. UBND thành phố đã triển khai và đưa vào vận hành chính thức Hệ thống phần mềm tổng hợp, phân tích, báo cáo (IOC mềm) của thành phố. Tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, Chính quyền số, xã hội số và phát triển kinh tế số.
b
Quang cảnh Hội nghị.
Đối với “Mô hình 5S” là mô hình viết tắt của 5 từ đều bắt đầu bằng chữ S gồm Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc và Sẵn sàng với mong muốn triển khai áp dụng công cụ cải tiến năng suất chất lượng trong thực hiênh nhiệm vụ ở các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Kỳ nhằm tăng năng suất chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác, hướng đến nền hành chính phục vụ nhân dân.
Đại diện Nhân dân tham gia hội nghị đã ghi nhận những kết quả mà thành phố đang tập trung trong thực hiện xây dựng đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính, chuyển đổi số. Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tâm huyết, các đại biểu tham dự đã tham gia 9 lượt ý kiến góp ý đối với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền thành phố xoay quanh các vấn đề: hạ tầng xây dựng đô thị thông minh còn nhiều bất cập; việc tích hợp dữ liệu cơ sở của các ngành chưa đồng bộ; tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; một số khó khăn trong chuyển đổi số khi một bộ phận người dân chưa mặn mà; những người cao tuổi gặp trở ngại trong thực hiện nội dung này; chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp…
Kết luận tại buổi đối thoại, Bí thư Thành uỷ Tam Kỳ Nguyễn Thị Thu Lan thay mặt lãnh đạo thành phố nghiêm túc tiếp thu các nội dung góp ý của đại diện Nhân dân; đồng thời yêu cầu UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tập trung giải quyết những nội dung liên quan đến kiến nghị tại hội nghị lần này, nhất là đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong xử lý công việc; tăng cường công tác CCHC gắn với chuyển đổi số trên địa bàn với phần việc, mô hình thiết thực, sáng tạo và hiệu quả. Mô hình 5S được đưa ra tại hội nghị đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của đại biểu tham dự, do đó UBND thành xem xét hoàn thiện nội dung kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện để ra mắt, triển khai mô hình.
Trên tinh thần cầu thị, lãnh đạo thành phố ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến góp ý của đại diện Nhân dân tại hội nghị; thành phố Tam Kỳ sẽ nghiêm túc cụ thể hoá và triển khai các nhiệm vụ xây dựng đô thị thông minh gắn với CCHC và chuyển đổi số, trong đó đặc biệt chú trọng lấy người dân làm trung tâm, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.