Chi tiết tin

A+ | A | A-

Cần có những biện pháp cụ thể, khả thi để bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở được hiệu quả

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 18:37 | 21/11/2023 Lượt xem: 2109

Sáng hôm nay ngày 21/11/2023¬, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Sở Nội vụ chủ trì, soạn thảo.


Ông Nguyễn Phi Hùng, PCT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Lĩnh Vương

Ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết, đại biểu đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, xã và Ban Công tác Mặt trận một số địa phương trên địa bàn tỉnh và các chuyên gia trong lĩnh vực dân chủ cơ sở, Hội đồng tư vấn về Dân chủ-Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 10/11/2022 (có lực từ ngày 01/7/2023) quy định trách nhiệm của UBND các cấp xây dựng và trình HĐND cùng cấp quyết định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn. Theo đó, tại kỳ họp cuối năm 2022, BTT Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết nêu trên. Và kiến nghị đó được UBND tiếp thu, chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu dự thảo Nghị quyết về các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở trên địa bàn tỉnh trình tại kỳ họp cuối năm 2023 của HĐND tỉnh.

Đây là dự thảo Nghị quyết rất quan trọng nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các nghị định ướng dẫn thi hành góp phần bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân thật sự được phát huy, thực hiện một cách đầy đủ, toàn diện và thực chất ở cơ sở.


Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lĩnh Vương

Tại hội nghị có 13 lượt phát biểu với hơn 40 nội dung tham gia góp ý đối với nội dung dự thảo Nghị quyết. Tập trung vào những nội dung trọng tâm như: Thống nhất cao với sự cần thiết; dự thảo Nghị quyết bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật hiện hành như: Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư và các quy định pháp luật khác có liên quan…

Đặc biệt, tại hội nghị nhiều ý kiến cho rằng nội dung các nhóm biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở còn khá chung chung, chưa cụ thể, khó thực hiện nên đề nghị cơ quan soạn thảo tập trung làm rõ hơn, cụ thể hơn những biện pháp được nêu trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm tính khả thi, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của Nhân dân ở cơ sở.

Trong đó, đề nghị bổ sung các nguyên tắc thực hiện dân chủ được quy định tại Điều 3 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở vào dự thảo Nghị quyết để tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị về bảo đảm thực hiện dân chủ ở sơ sở được thực chất.

- Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương; vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trong việc thực hiện dân chủ và bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; lấy mức độ thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Định kỳ hằng năm, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện dân chủ ở cơ sở và các biện pháp đảm bảo thực hiện dân chủ ở cơ sở trong cơ quan, đơn vị, địa phương; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; ý thức, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Phát huy vai trò nòng cốt của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và Nhân dân trong giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở; hằng năm tổ chức góp ý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

- Tăng cường các chế tài đảm bảo việc thực hiện dân chủ ở cơ sở: Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xem xét xử lý đối với hành vi vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Luật thực hiện dân chủ ơ cơ sở...

Sau hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của đại biểu tại Hội nghị và góp ý qua văn bản để đề nghị Sở Nội vụ - cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền./.

Tác giả: HK

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết