Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tiếp tục phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham gia xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Người đăng: Admin UBMTTQVN Ngày đăng: 9:22 | 07/12/2022 Lượt xem: 14572

Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động, tích cực triển khai thực hiện ngày càng chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động tham gia xây dựng chính quyền theo quy định của pháp luật. Trong đó, tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chính quyền cùng cấp; phát huy vai trò nòng cốt để nhân dân làm chủ ở cơ sở thông qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và tổ hòa giải ở cơ sở… góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và chính quyền các cấp ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả hơn.


Ông Võ Xuân Ca, UVBTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo kết quả xây dựng chính quyền tại kỳ họp thứ mười hai, HĐND tỉnh khóa X

Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước và thống nhất hành động với các tổ chức thành viên chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật với hơn 380 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương và chính quyền địa phương, trong đó, cấp tỉnh tham gia góp ý 57 dự thảo văn bản của HĐND và UBND tỉnh. Phần lớn ý kiến góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp được cơ quan chủ trì soạn thảo nghiêm túc tiếp thu và giải trình cụ thể góp phần bảo đảm tính khả thi, phù hợp, đem lại lợi ích thiết thực cho Nhân dân. Đồng thời, chủ trì và phối hợp tổ chức hơn 1.140 hội nghị, hội thi tuyên truyền, tập huấn kiến thức chính sách, pháp luật trong các tầng lớp Nhân dân và đội ngũ cán bộ Mặt trận cơ sở… góp phần nâng cao hiểu biết, phát huy ý thức tự giác chấp hành chính sách, pháp luật trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân.
Đặc biệt, vai trò giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục được tăng cường cả về số lượng lẫn nội dung, đối tượng cùng với chất lượng ngày càng nâng cao, hiệu quả ngày càng rõ nét. Trong đó, tăng cường giám sát những nội dung mới liên quan đến cán bộ, công chức; công tác phòng chống, tham nhũng, tiêu cực; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của Nhân dân... Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì tổ chức giám sát chuyên đề 08 nội dung về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt; thực hiện quy định pháp luật về hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh; việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức viên chức; cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp ổn định dân cư miền núi; việc thực hiện Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại các buổi tiếp công dân; việc thực hiện Chương trình hành động của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh; trách nhiệm cấp ủy, chính quyền trong việc tiếp thu, trả lời góp ý của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội... Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì tổ chức 466 cuộc giám sát tại 625 cơ quan, tổ chức, đơn vị. Nội dung giám sát tập trung các vụ việc khiếu nại, kiến nghị kéo dài, việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19; việc giải quyết và trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri; việc thực hiện kết luận của cấp ủy, chính quyền tại các hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân…Tại cơ sở, các Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã giám sát 987 vụ việc, công trình, dự án…, phát hiện và kiến nghị khắc phục, giải quyết 274 vấn đề hạn chế, vướng mắc, vi phạm.
Song song với hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, tổ chức 03 hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo: Đề án “Đẩy mạnh xã hội hóa trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025”; Hồ sơ thiết kế cảnh quan hai bên đường Võ Chí Công; dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì tổ chức 172 hội nghị phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản, đề án, nghị quyết… của chính quyền cùng cấp liên quan đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội và đời sống nhân dân địa phương. Các ý kiến phản biện, góp ý được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu hoặc giải trình theo quy định. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, tổ chức 07 hội nghị lấy ý kiến cộng đồng đối với các dự án đầu tư nhóm A trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công… góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. 
Vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tham gia xây dựng chính quyền tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng thường xuyên, cụ thể, chặt chẽ và thực chất. Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức 04 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tỉnh với cán bộ, công chức khối Đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh; với thanh niên, công nhân và người lao động tại các khu công nghiệp và nông dân trên địa bàn tỉnh… Qua các hội nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cán bộ, công chức; công nhân, người lao động; đoàn viên thanh niên, phụ nữ và nông dân trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, chính quyền tỉnh lắng nghe, tiếp thu, chia sẻ và chỉ đạo xem xét giải quyết kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ động phối hợp chính quyền cùng cấp tổ chức 278 hội nghị “đối thoại trực tiếp” giữa người đứng đầu chính quyền với Nhân dân địa phương; tổ chức 129 hội nghị đối thoại chuyên đề giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh trong công tác quy hoạch, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khởi nghiệp sáng tạo... Chủ trì tổ chức 429 “diễn đàn” nhân dân góp ý lực lượng công an nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, cấp huyện ở các lĩnh vực địa chính, tài nguyên-môi trường, tư pháp, y tế, giáo dục...
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức 08 hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội khóa XV trước và sau các kỳ họp; Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp tổ chức 1.943 hội nghị tiếp xúc với cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND cùng cấp theo quy định. Sau hội nghị, tổng hợp và phản ảnh đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân với Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt việc tiếp công dân, tích cực tham gia giải quyết và tổ chức giám sát việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân theo quy định của pháp luật. 

Tại kỳ họp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị với HĐND và UBND tỉnh một số nội dung như sau:

1. Kiến nghị HĐND tỉnh: Ban hành các chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 04/5/2021 của Tỉnh ủy; xem xét bổ sung chức danh chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp xã vào khung chức danh những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Đồng thời có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với chủ tịch, phó chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp huyện và chủ tịch Hội Chữ thập đỏ cấp xã.

2. Kiến nghị UBND tỉnh: 
- Chỉ đạo, kiểm tra các sở, ngành và UBND các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Tỉnh ủy và pháp luật về phòng chống tham nhũng. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng định kỳ phải chuyển đổi vị trí công tác yên tâm làm việc, nhất là các địa phương miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; 
- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Quyết định số 4136/QĐ-UBND ngày 15/12/2011 của UBND tỉnh về chế độ thù lao đối với người nghỉ hưu giữ chức vụ lãnh đạo chuyên trách tại các tổ chức hội trên địa bàn tỉnh, theo hướng nâng mức thù lao đối với các chức danh lãnh đạo chuyên trách của các tổ chức hội quần chúng
được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, quan tâm chế độ thù lao đối với các chức danh lãnh đạo các hội quần chúng (không phải là cán bộ hưu trí) được hưởng chế độ thù lao theo quy định; 
- Tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm quy định của pháp luật về lao động và công đoàn, đặc biệt là doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn theo quy định; 
- Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn cây giống và vốn hỗ trợ trồng cây dược liệu, cây Sâm Ngọc Linh theo Nghị quyết số 09/2022/NQ-HĐND ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh, kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đảm bảo nguồn cung cây giống, đồng thời tích cực hỗ trợ người dân về thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây Sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu khác./.



Tác giả: HK

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn:

Liên kết Website

Chuyên mục Đại đoàn kết