Tổng hợp chung, từ ngày 15/02/2022 - 04/3/2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận trực tiếp và gián tiếp được tổng số trên 200 lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Đại đa số các ý kiến đều khẳng định việc ban hành Luật Thực hiện dân chủ cơ sở là cần thiết. Luật được ban hành nhằm xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; đồng thời, giải quyết những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thực hiện dân chủ ở cơ sở tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 11 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09/01/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Do nhiều văn bản quy định nên khó khăn cho các cấp quản lý theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Các ý kiến góp ý đều cơ bản thống với bố cục và nội dung dự thảo Luật, Dự thảo Luật đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nội dung, nguyên tắc, hình thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định rõ về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm pháp lý của các đối tượng thụ hưởng và chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở. Dự thảo Luật cũng có nhiều điểm mới theo hướng mở rộng, cụ thể hóa và nâng cao vai trò làm chủ của Nhân dân. Nhiều ý kiến rất kỳ vọng khi Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở được ban hành sẽ là hành lang pháp lý thể hiện các quy định bảo đảm thực hiện dân chủ một cách thực chất nhất để phát huy sức mạnh tổng thể của hệ thống chính trị nói chung; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói riêng với tư cách là trung tâm của khối đại đoàn kết theo tinh thần đại hội XIII của Đảng "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là nòng cốt để Nhân dân làm chủ".
Quang cảnh lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã Duy Phước

Quang cảnh lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại xã Duy Vinh
Bên cạnh đó một số ý kiến cho rằng Dự thảo Luật chưa thể chế hóa một cách đầy đủ, rõ nét phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đặc biệt là “vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam để Nhân dân làm chủ” được ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nội dung dự thảo Luật quy định về “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát” phải gắn liền với quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền trong việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức và chính quyền cấp xã. Trong đó, cần tập trung quy định rõ về quyền được tiếp cận thông tin của người dân, trách nhiệm giải trình của chính quyền và cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật. Đồng thời, quy định rõ trong dự thảo Luật trách nhiệm tổ chức hội nghị, đối thoại trực tiếp (định kỳ hằng năm và đột xuất) giữa UBND cấp xã với Nhân dân địa phương nhằm hiện thực hóa quyền “dân bàn” và “dân kiểm tra, dân giám sát”.
Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật về quy định tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và UBND cấp xã; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; quy định liên quan cơ chế giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp xã; cần quy định rõ trong dự thảo Luật: Đối với các nội dung Nhân dân bàn bạc và quyết định trực tiếp; bổ sung chế định Nhân dân được quyền bầu cử trực tiếp chức danh Chủ tịch UBND cấp xã ở những nơi có đủ điều kiện; việc công khai thông tin ở xã, phường, thị trấn, tăng tính minh bạch tại địa phương là điều đặc biệt phải quan tâm; tăng cường truyền tải thông tin công khai trên mạng xã hội, loa truyền thanh để người dân thực hiện giám sát có hiệu quả hơn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp và các đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Khi Mặt trận có nhiều quyền hạn hơn, điều kiện để đoàn viên, hội viên và nhân dân phát huy quyền làm chủ, nâng cao năng lực làm chủ, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức sẽ được tăng cường...
Các ý kiến góp ý cụ thể, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp đầy đủ và báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại báo cáo số 328/BC-MTTQ-BTT ngày 04/3/2022.